• Zalo

Chuyên gia tâm lý chỉ sai lầm của phụ huynh có con vào lớp 1

Giáo dụcChủ Nhật, 05/04/2015 12:36:00 +07:00Google News

Chuyên gia tâm lý chỉ ra nhiều sai lầm phụ huynh thường mắc phải khi có con chuẩn bị vào lớp 1.

(VTC News) – Chuyên gia tâm lý chỉ ra nhiều sai lầm phụ huynh thường mắc phải khi có con chuẩn bị vào lớp 1.

Chia sẻ kỹ năng tiền lớp 1 cho các bậc phụ huynh tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội), chuyên gia tâm lý, thạc sỹ Thanh Vân cho biết, khi trẻ vào lớp 1, mọi thứ đều thay đổi.

“Từ nề nếp kỉ luật đến việc phải động não, quan sát, tư duy, ghi nhớ, rèn kỹ năng chép, ghép vần… Trẻ cũng không thể được cô giáo quan tâm nhiều như thời mẫu giáo, do đó các suy nghĩ tiêu cực cũng dễ nảy sinh hơn”, bà Vân cho biết.
Dạy con vào lớp 1
Các phụ huynh cùng con trải nghiệm chương trình tiền lớp 1 tại trường tiểu học Lê Quý Đôn (Mỹ Đình, Hà Nội)
Thạc sỹ Vân cũng khẳng định đây là giai đoạn vô cùng khó khăn của trẻ nhưng nhiều phụ huynh không nắm bắt được những thay đổi tâm sinh lý này, hoặc chưa hiểu con cần gì nhất để chuẩn bị vào lớp 1. Nhiều cha mẹ lại tạo cho trẻ nhiều kỳ vọng rất tuyệt vời về môi trường mới…

Các phụ huynh cần hiểu, điều quan trọng nhất đối với trẻ lớp 1 không phải kết quả học tập mà là sự tự tin, sự thích học. Để làm được điều này, vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng.

“Khi nhiều lần trẻ bị điểm kém, chắc chắn cha mẹ sẽ mất kiên nhẫn, cáu giận. Tuy nhiên, cách ứng xử này dễ làm trẻ mất tinh thần, chán nản.Thay bằng sự trách móc, cha mẹ có thể cho trẻ tự ghi vào sổ 2 câu hỏi: Lý do nào khiến con được điểm kém? Bài học gì con rút ra được khi con được điểm kém?”, bà Vân gợi ý cách giải quyết.

Phụ huynh lưu ý, dùng từ “được” chứ không phải “bị” để trang bị cho trẻ cách nhìn vấn đề tích cực. Điều này rất quan trọng giúp trẻ sau này trẻ có thể tự mình lớn lên và không chán nản.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể giao cho trẻ làm những việc nhỏ tại nhà, nhưng lưu ý, phải để cho trẻ làm từ đầu đến khi hoàn thành công việc, không bỏ dở giữa chừng, tạo cho trẻ thói quen tự lập.

Bà Vân cho rằng, các phụ huynh nên cho trẻ thăm trường tiểu học và trao đổi với những anh chị học lớp trên để không còn bỡ ngỡ khi bước vào môi trường mới.

Các bậc cha mẹ có thể cùng con tạo góc học tập đẹp mắt nhằm giúp trẻ thích thú với việc ngồi vào bàn học; cho trẻ tự tạo thời gian biểu học tập, vui chơi và nghiêm túc thực hiện thời gian biểu ấy.
Tiền lớp 1
Các em học sinh được vui vẻ trải nghiệm những trò chơi cùng bố mẹ
“Tuy nhiên, trên hết là cha mẹ biết cách lắng nghe, thực sự dành thời gian để lắng nghe trẻ. Nhưng lưu ý, trước những vấn đề của trẻ, người lớn không nên đưa ngay ra giải pháp mà dẫn dắt để trẻ tự tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình” - thạc sĩ Thanh Vân cho hay.

Tuy nhiên, nhiều phụ  huynh cũng bày tỏ sự lo lắng khi con lười học, kém tập trung, nhút nhát, khó thích nghi, hay nổi cáu, mải chơi, không nghe lời…

Tuy vậy, vị chuyên gia tâm lý đã trấn an các phụ huynh và cho rằng cả những biểu hiện trên, đây thực chất đều có ở cả người lớn.

Và điều quan trọng hơn, phụ huynh cần hết sức lưu ý, những biểu hiện đó là hành vi, không phải nhân cách. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không được lẫn lộn hai khái niệm này.

“Khi con không sắp xếp đồ chơi ngăn nắp, chúng ta thường mắng con: Sao con bừa bộn thế! Sao con lười thế!... mà ít nói: Con để đồ chơi chưa đúng chỗ, con nên sắp xếp lại cho gọn gàng hơn…”, thạc sỹ Thanh Vân đưa ra lời khuyên.
Clip Đỗ Nhật Nam thuyết trình tại Mỹ gây kinh ngạc

Nguồn: TEDxSMU

Nếu khi còn nhỏ, trẻ nghe nhiều những lời trách mắng của cha mẹ như lười, bừa bộn, khó bảo…, dần dần sẽ hình thành trong trẻ suy nghĩ mình là đưa trẻ lười, bừa bộn, khó bảo.

Bà Vân lấy ví dụ: “Một con voi từ nhỏ đã bị xích lại bằng xích sắt. Nó mất rất nhiều thời gian để phá dây xích nhưng không thành công. Dần dần, trong đầu con voi hình thành suy nghĩ: Sợi dây xích quá lớn so với khả năng của nó.

Khi con voi trưởng thành, trở thành chú voi to lớn, hoàn toàn có thể dùng sức giật tung sợi xích, nhưng nó không bao giờ làm việc này, chính vì suy nghĩ đã in trong đầu từ lúc bé: Việc này nằm ngoài khả năng.

Từ đây, rút ra bài học mà các bậc phụ huynh phải nằm lòng: Đừng bao giờ gắn hành vi với nhân cách của trẻ”.

Những chia sẻ này đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều phụ huynh trẻ cũng có con sắp bước vào lớp 1.
tiền lớp 1
 
Chia sẻ thêm về vấn đề này, cô Lý Thị Sơn - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn (Mỹ Đình, Hà Nội) cho rằng mọi người hay nghĩ đến "tiền lớp 1" là học thêm. Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến quá tải đối với trẻ mầm non.

Vì vậy, Trường tiểu học Lê Quý Đôn vẫn triển khai CLB cho trẻ mầm non sắp vào lớp 1 với mong muốn sẽ thay đổi được những quan điểm này.

Các hoạt động của CLB thiên về cách tiếp cận, làm quen hết sức căn bản với các môn học thông qua trò chơi, hình ảnh, âm nhạc... giúp các con tự tin vào lớp 1.

“Đặc biệt, chúng tôi quan tâm tới cách mà phụ huynh sẽ đồng hành với con, hiểu con vào lớp 1 là yếu tố quan trọng nhất để tối ưu hóa hiệu quả giáo dục”, bà Lý Thị Sơn chia sẻ.

Trong khi đó, cô Quách Minh Hương, Hiệu phó Trường Tiểu học Việt-Úc Hà Nội (VAS Hanoi) cũng cho rằng trẻ giai đoạn "mẫu giáo lớn" nhưng lại "tiểu học bé" đòi hỏi đội ngũ phải có kiến thức, am hiểu tâm lý rất cao mới thực hiện được.

“Trong mỗi tuần, phụ huynh đều được nhận thông điệp của nhà trường về cách hiểu con, cách khích lệ, động viên, tro chuyện với bé... Tôi nghĩ giá trị lớn nhất của tiền lớp 1 chính là bố mẹ đồng hành cùng con trong một giai đoạn mới”, bà Hương nhấn mạnh.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn