• Zalo

Chuyên gia: Sở Y tế Hà Nội khó có đủ chuyên môn quản lý bệnh viện tuyến trung ương

Tin tứcThứ Bảy, 05/08/2023 06:56:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều chuyên gia lo ngại về việc Sở Y tế Hà Nội khó có đủ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo chuyên môn cho các bệnh viện lớn, bệnh viện hạng đặc biệt.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn thủ đô cho TP Hà Nội quản lý.

Đề xuất này dựa trên Nghị quyết số 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý, trừ bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học.

ĐBQH Nguyễn Công Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho rằng mỗi bệnh viện tuyến trung ương khi thành lập đều có chức năng, nhiệm vụ riêng không thể xử lý theo "quan điểm hệ thống". Cần cân nhắc khi đưa đưa về cho Hà Nội quản lý, nếu không sẽ làm giảm đi hiệu quả, thậm chí làm chậm, đẩy lùi sự phát triển của ngành y tế.

ĐBQH Nguyễn Công Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

ĐBQH Nguyễn Công Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Theo ông Hoàng những bệnh viện thông thường, bệnh viện huyện, trạm y tế, có địa lý gần nhau thì có thể gộp lại để quản lý. Nhưng những bệnh viện mũi nhọn, chuyên sâu, chức năng đặc biệt mà trước đây Chính phủ đã kiến tạo cần xem xét kỹ càng.

Bộ Y tế hiện quản lý hơn 30 bệnh viện đầu ngành, chủ yếu ở Hà Nội như K, Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phổi Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương... Các bệnh viện này phân cấp trung ương, chịu sự điều phối của Bộ Y tế. Số lượng bệnh nhân tại các bệnh viện này rất lớn. Ví dụ, Bạch Mai hay Việt Đức, mỗi ngày trung bình khoảng 6.000 - 8.000 bệnh nhân khám và điều trị.

Trong khi đó Sở Y tế Hà Nội đang quản lý 42 bệnh viện công, 43 bệnh viện tư, 579 trung tâm y tế xã phường và gần 3.900 phòng khám đa khoa và chuyên khoa. Số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh hàng ngày của những bệnh viện này trung bình khoảng dưới 2.000.

Về chức năng, nhiệm vụ cũng như quy mô, Sở Y tế Hà Nội khó có thể chỉ đạo được chuyên môn cho các bệnh viện lớn, bệnh viện hạng đặc biệt…”, ông Hoàng cho hay.

Hà Nội chưa đủ chức năng nhiệm vụ để quản lý các bệnh viện tuyến trung ương. (Ảnh minh hoạ)

Hà Nội chưa đủ chức năng nhiệm vụ để quản lý các bệnh viện tuyến trung ương. (Ảnh minh hoạ)

ĐBQH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng cho rằng nếu để Hà Nội quản lý thì chức năng, nhiệm vụ các bệnh viện tuyến trung ương bị bó hẹp, dần dần mất đi vai trò chủ đạo về chuyên môn, "dẫn tới lãng phí chất xám". "Về lâu dài sẽ để lại nhiều hậu quả, lớn nhất là ảnh hưởng tới chất lượng điều trị cũng như sự phát triển", ông Tri Thức nói.

Các bệnh viện đặc biệt, chuyên khoa đầu ngành có chức năng, nhiệm vụ là đơn vị tuyến cuối của bậc thang điều trị, tiếp nhận người bệnh trong phạm vi khu vực và toàn quốc. Ngoài chuyên môn, các bệnh viện này còn đảm nhận nhiều vai trò quan trọng khác như chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương trên cả nước. Các bệnh viện cũng đóng vai trò là nơi thực hành đào tạo cán bộ sau đại học trong và ngoài nước.

Trong hợp tác quốc tế, vai trò của các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành cực kỳ quan trọng. Kinh nghiệm khi các tổ chức y khoa lớn trên thế giới đến Việt Nam làm việc, họ đều mong muốn trực tiếp trao đổi với Bộ Y tế và các bệnh viện này. Qua đó để thấy tầm quan trọng của các bệnh viện chuyên khoa dầu ngành trong hợp tác quốc tế, nâng cao tay nghề của các bác sĩ ngang tầm thế giới.

"Cần thiết giữ lại các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trực thuộc Bộ Y tế quản lý", ông Thức cho hay

Thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn đánh giá đề xuất chuyển giao là "quá sức với Hà Nội trong bối cảnh cán bộ y tế còn rất mỏng". Những bệnh viện trung ương có đội ngũ bác sĩ và chuyên gia rất giỏi, nhiệm vụ khám và điều trị bệnh không những 10 triệu dân Thủ đô, mà còn hàng chục triệu người dân của các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, chủ yếu là những ca bệnh khó. Đưa bệnh viện đầu ngành về trực thuộc Hà Nội vô hình trung thu hẹp tầm hoạt động của viện.

Ông Tuấn lo ngại nếu tình huống xảy ra quá tải bệnh viện, người bệnh hiểm nghèo các tỉnh sẽ bị trả về địa phương để ưu tiên cho bệnh nhân thủ đô, các bệnh nhân sẽ bị thiệt thòi, phân biệt vùng miền.

Hải Đường
Bình luận
vtcnews.vn