Trao đổi với phóng viên Đài TNVN tại Pháp, Tướng hai sao Pháp Daniel Schaeffer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á và vấn đề Biển Đông, cho rằng chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính mang ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên, phù hợp với định hướng phát triển quan hệ song phương, nhất là trong bối cảnh Pháp và Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ và 10 năm ký Hiệp định Đối tác chiến lược.
Ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt hậu COVID-19
Theo ông Schaeffer, việc lựa chọn Paris là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam khẳng định Pháp là đối tác chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Về phần mình, Pháp cũng đánh giá cao vai trò tích cực, quan trọng của Việt Nam tại Đông Nam Á, khu vực ưu tiên hàng đầu của chính quyền của Tổng thống Macron trong chiến lược chuyển hướng sang Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Về những nội dung trọng tâm dự kiến trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Daniel Schaeffer nhận định hai bên sẽ tiếp tục thảo luận các chủ đề từng được trao đổi trong các cuộc gặp, điện đàm cấp cao gần đây. Đó là: cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, hợp tác trong lĩnh vực y tế và công nghiệp dược phẩm, hàng không vũ trụ, năng lượng tái tạo và các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, công nghệ cao, an ninh, giao thông, giáo dục, văn hóa, quốc phòng,…
Riêng trong lĩnh vực quốc phòng, theo tướng Schaeffer, chuyến thăm là cơ hội để Việt Nam và Pháp xem xét, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Việt Nam có thể tham khảo mô hình hợp tác quốc phòng giữa Pháp và Ấn Độ thời gian qua như hợp đồng mua bán máy bay Mirage 2000.
Vấn đề Biển Đông
Liên quan đến việc điều chỉnh chính sách hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vị tướng Pháp nhận định đây là điều tất yếu bởi Pháp là một cường quốc với nhiều lãnh thổ hải ngoại ở khu vực này như New Caledonia và Polynesia.
Bên cạnh khía cạnh chính trị và kinh tế, Pháp đã góp phần vào an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng cần phải nhìn nhận rằng Pháp vẫn chưa thực sự đủ tiềm lực để triển khai chiến lược này. Sau sự kiện thành lập Liên minh AUKUS và thương vụ tàu ngầm với Australia bị huỷ bỏ, Pháp sẽ theo đuổi đường lối độc lập với Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tìm kiếm và duy trì quan hệ ở cấp chiến lược tại khu vực, đặc biệt là với Nhật Bản và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Trong vấn đề Biển Đông, chủ trương của Pháp mong muốn thể hiện thông điệp Biển Đông là vùng biển quốc tế và theo Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982, quyền tự do hàng hải quốc tế hoàn toàn được đảm bảo. Với Pháp, yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông là hoàn toàn trái với Công ước năm 1982 và đã được Tòa Trọng tài thường trực xác nhận trong phán quyết ngày 12/7/2016.
Pháp sẽ ủng hộ quan điểm về vấn đề Biển Đông của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á tại diễn đàn Liên hợp quốc nhằm duy trì trật tự tại khu vực Biển Đông, hỗ trợ các nước Đông Nam Á có thể tiếp tục khai thác toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế mà không bị Trung Quốc đe dọa, cản trở cũng như đảm bảo tự do hàng hải quốc tế, nhất là sau khi Trung Quốc sửa đổi Luật An toàn giao thông hàng hải (có hiệu lực từ ngày 01/9/2021).
Theo tướng Schaeffer, Việt Nam và các nước Đông Nam Á có lợi ích liên quan như Philippines, Malaysia và Indonesia có thể xem xét, phối hợp để đưa vấn đề Biển Đông lên Toà án Công lý quốc tế.
Bình luận