Việt Nam là một địa điểm lý tưởng để tổ chức một cuộc hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều vì Việt Nam mang trên mình tất cả những biểu tượng mà Hội nghị này cần có. Đó là nhận định đầu tiên của Giáo sư kinh tế-chính trị Jean-Francois Di Meglio, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á (Asia Centre), một trong các think-tank hàng đầu tại Pháp về châu Á, trong cuộc trả lời phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội.
Theo ông Di Meglio, trong quá khứ, dân tộc Việt Nam từng trải qua những chia rẽ mà bán đảo Triều Tiên hiện vẫn đang phải chịu, và đó là điều khiến việc lựa chọn địa điểm tổ chức Hội nghị Mỹ-Triều ở Việt Nam là một điều rất đặc biệt, với cả Triều Tiên và Mỹ.
“Giống như một cuốn sách đã viết, lịch sử của thế kỷ 20 được viết nên ở châu Á, và Việt Nam và Triều Tiên là hai trong số những địa điểm nổi bật nhất mà lịch sử được viết nên. Vì thế, từ góc nhìn này thì tính biểu tượng là rất rõ ràng và đập thẳng vào mắt. Ngoài ra, nếu nhìn vào Mỹ thì chúng ta mới thấy, đây là một sự thú nhận và một sự công nhận ngoạn mục đến nhường nào của ông Trump, dĩ nhiên là đối với tầm quan trọng của Việt Nam, nhưng đối với cả một thực tế, đó là giờ đây thì nước Mỹ đang tiến hành một cuộc hội đàm hoà bình tại một địa điểm mà nước Mỹ đã bại trận”.
Bên cạnh những lựa chọn mang tính biểu tượng lịch sử cao, ông Di Meglio cũng cho rằng việc Mỹ và Triều Tiên lựa chọn đến Việt Nam để đàm phán hoà bình là một thắng lợi ngoại giao của Việt Nam và là bước tiến tiếp theo nhằm giúp Việt Nam lấy lại tầm quan trọng đáng được thừa nhận dựa trên quy mô dân số, trên những gì Việt Nam đại diện và dựa trên tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Nhận định về kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh sắp diễn ra tại Hà Nội, ông Di Meglio cho rằng có rất nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ tuy nhiên các bên cũng không nên quá sốt ruột về việc phải đạt được một kết quả quá cụ thể.
“Chúng ta không được chứng kiến nhiều bước tiến mới từ sau Hội nghị tại Singapore. Nhưng nếu chúng ta đi ngược thời gian một chút, quay trở lại năm 2016 thì khi đó chúng ta đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vì thế, các cuộc gặp không nhất thiết phải là tìm ra một giải pháp cụ thể nào, mà quan trọng hơn là để ngừng lại việc leo thang. Như thế là chúng ta đã có được thêm thời gian, có thêm hoà bình, có thêm sự yên ổn”.
Bàn về phân tích của nhiều chuyên gia trên thế giới về việc Triều Tiên có thể bị thu hút bởi mô hình phát triển của Việt Nam, ông Di Meglio cũng cho rằng ý tưởng đó chắc chắn là có bởi sau nhiều thập niên thực hiện công cuộc “Đổi mới”, Việt Nam đã hiện đại hoá và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Cũng chia sẻ hầu hết các quan điểm với chuyên gia Jean-Francois Di Meglio, trên tờ “Thập tự” (La Croix), tác giả Dorian Malovic cũng tự đặt câu hỏi “tại sao Việt Nam được chọn để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2?” và đưa ra câu trả lời rằng dựa trên các lí do lịch sử, lí tưởng và ngoại giao, Việt Nam là đối tác tuyệt vời của cả Triều Tiên và Mỹ.
Tác giả cũng nhận định, nếu cuộc gặp tại Hà Nội có thể mang đến một Hiệp định hoà bình cho bán đảo Triều Tiên thì địa điểm tổ chức sẽ mang một tầm vóc lịch sử hiếm có.
Bình luận