Hôm 6/1, thế giới choáng váng trước cảnh tượng hỗn loạn, chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ khi hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào, đập phá tòa nhà Quốc hội Mỹ. Cuộc bạo loạn khiến phiên họp lưỡng viện Mỹ xác nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri bị gián đoạn, các nghị sĩ buộc phải trú ẩn.
Mặc dù sau đó, tình hình đã được kiểm soát, Quốc hội Mỹ đã họp trở lại và kết tuyên bố ông Joe Biden đắc cử Tổng thống, song những gì đã xẩy ra khiến cho dư luận trên thế giới “sốc” và chính ngay trong nước Mỹ không khỏi bất ngờ.
Đại tá Lê Thế Mẫu - nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng chia sẻ với VTC News về những gì xảy ra tại nước Mỹ ngày 6/1. Theo vị chuyên gia, cuộc bạo loạn này cho thấy nước Mỹ đang lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng mang tính chất hệ thống.
- Ông đánh giá thế nào về cuộc bạo loạn hôm 6/1 khi người biểu tình tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ?
Theo quan sát của tôi, đây là hành động đã được dự báo từ trước và là sự kế tục hoàn toàn logic tiến trình cuộc đấu tranh pháp lý không khoan nhượng giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden, xung quanh sự gian lận trong cuộc bầu cử ngày 03/11/2020. Tuy nhiên, tôi không khỏi bàng hoàng và kinh ngạc trước hình ảnh những người ủng hộ ông Donald Trump có thể tràn vào trong phòng họp của Quốc hội, khiến các nghị sỹ phải bỏ chạy sơ tán và phải bỏ dỡ cuộc họp.
- Vì sao ông Trump kích động người biểu tình, tấn công tòa nhà Quốc hội, ngăn biểu tình mà không ai ngăn được ông?
Theo tôi, tâm trạng phản đối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 03/11/2020 và ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump giống như một đám cỏ khô khổng lồ, chỉ cần một tia lửa nhỏ châm ngòi là bùng cháy dữ dội ngay lập tức. Ông Donald Trump chỉ là người kích hoạt.
Cuộc nội chiến kiểu mới này sẽ đưa nước Mỹ lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng mang tính chất hệ thống, cả trong chính sách đối nội và đối ngoại.
Đại tá Lê Thế Mẫu
Không phải là không ai có thể ngăn được ông mà là không ai muốn ngăn cản ông. Bởi, hành động ngăn cản sẽ biến những hành động phản đối hòa bình đó châm ngòi cho một cuộc nội chiến đẫm máu có thể tàn phá nước Mỹ. Đây là cuộc nội chiến kiểu mới ở Mỹ. Nếu cuộc nội chiến ở Mỹ trong những năm 1861-1865 có chiến tuyến Nam - Bắc rất rõ ràng, thì cuộc nội chiến kiểu mới này không có chiến tuyến. Đây là cuộc chiến “tất cả chống lại tất cả”- cuộc chiến giữa những người trong cùng một bang, một thành phố, một ngõ ngách đường phố, thậm chí trong cùng một gia đình. Cuộc nội chiến kiểu mới này sẽ chia rẽ nước Mỹ trong lâu dài.
- Ông Trump có thể bị xử lý sau sự việc kích động người biểu tình ngày 6/1?
Hiện nay đã có rất nhiều người, ngay cả trong nội bộ đảng Cộng hòa, đề nghị bãi miễn ghế Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump trước ngày 20/01/2020 để cuộc chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Joe Biden diễn ra suôn sẻ.
Cuộc tranh giành quyền lực ở Mỹ đã diễn ra không ngừng trong gần 4 năm qua, trong đó Donald Trump 2 lần bị luận tội nhằm bãi miễn ghế tổng thống của ông. Lần này, mặc dù chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc nhiệm kỳ, nhưng hành động kích động bạo loạn của ông là cái cớ để kích hoạt Tu chính án 25 để luận tội Tổng thống Donald Trump với lý do “tổng thống không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ và quyền lực của mình". Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ trong chính trường Mỹ và sẽ cần thời gian xử lý trong nhiều ngày. .
Đầu tiên, Tu chính án 25 sẽ được kích hoạt theo hướng, Phó Tổng thống Mike Pence và đa số thành viên nội các gửi Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Mỹ (Thượng nghị sĩ Cộng hòa Orrin G. Hatch) và Chủ tịch hạ viện (nghị sĩ Cộng hòa Paul Ryan) bản tuyên bố bằng văn bản rằng Tổng thống Donald Trump “không có khả năng đảm đương quyền lực và nhiệm vụ”. Khi đó, ông Donald Trump sẽ bị tước quyền lực và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ trở thành Quyền Tổng thống.
Tuy nhiên, trong trường hợp đó, Tổng thống Donald Trump có thể gửi bản tuyên bố cá nhân cho hai chủ tịch lưỡng viện để khẳng định rằng ông hoàn toàn có thể thực hiện nhiệm vụ. Khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence và nội các có thể gửi bản tuyên bố thứ hai trong vòng 4 ngày và Quốc hội Mỹ sẽ phải nhóm họp trong vòng 48 giờ và bỏ phiếu trong vòng 21 ngày để đưa ra quyết định. Nếu 2/3 thành viên của cả hạ viện và thượng viện đồng ý rằng ông Donald Trump không thể tiếp tục làm tổng thống thì khi đó ông sẽ bị tước quyền lực và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ kế nhiệm. Tuy nhiên, trong tình thế hiên nay, rất khó xẩy ra khả năng kích hoạt Tu chính 25.
- Ông nhận định thế nào về tình hình chính trị Mỹ sau sự việc này?
Cuộc nội chiến kiểu mới này sẽ đưa nước Mỹ lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng mang tính chất hệ thống. Vì sao lại là khủng hoảng hệ thống? Vì đó là cuộc khủng hoảng cả trong chính sách đối nội và đối ngoại. Về đối nội, đó là “cuộc chiến” giữa hai cách lựa chọn con đường phát triển của nước Mỹ giữa một bên là lực lượng của chủ nghĩa tư bản công nghiệp trong Đảng Cộng hòa do Donald Trump đại diện với bên kia là lực lượng của chủ nghĩa tư bản tài chính trong Đảng Dân chủ được đại diện bởi Joe Biden. Bên ngoài là sự sụp đổ khó tránh khỏi của trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh do Washington nắm quyền kiểm soát.
Để thay thế trật tự thế giới đơn cực do Mỹ kiểm soát đang sụp đổ, Tổng thống đắc cử Joseph Biden chủ trương sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu vào năm 2021 để tập hợp tất cả các quốc gia dân chủ trên toàn thế giới dưới ngọn cờ của Mỹ để “chống lại chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa dân tộc và thiết lập trật tự thế giới mới”. Tuy nhiên, ngọn cờ này đang rách nát ngay từ trước khi nó được giương lên, nên Mỹ sẽ rất khó tập hợp được lực lượng.
Có thể thấy, nước Mỹ đang tập hợp tất cả các mâu thuẫn của thời đại chúng ta. Do đó, việc họ hóa giải thỏa đáng cuộc nội chiến kiểu mới này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chính người dân Mỹ và cho cả thế giới. Tôi nghĩ, chúng ta cũng hy vọng như vậy.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận