• Zalo

Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh: Kỳ vọng của cha mẹ là áp lực của con cái

Diễn đànThứ Hai, 12/12/2022 16:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Kỳ vọng của cha mẹ khiến nhiều đứa trẻ không được là chính mình, không được sống cuộc đời của mình.

Từ bé đến lớn, chị Hương đều học rất giỏi, là niềm tự hào của cha mẹ. Sau này lập gia đình, chị hy vọng con cũng sẽ học giỏi như mình. Thế nhưng, học lực của con chị lại chỉ ở mức trung bình khiến chị vô cùng thất vọng.

Cha mẹ ơi, đừng “bắt” con học giỏi nữa

Chị Hương là học viên tham gia khóa đào tạo về phương pháp dạy con do chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh của Học viện Minh Trí Thành giảng dạy. Cô Lanh cho biết, đa phần cha mẹ Việt có suy nghĩ giống chị Hương, luôn kỳ vọng con phải học giỏi. Vì thế, họ lúc nào cũng quan tâm thành tích học tập của con: Con thi điểm thế nào? Có được 9, được 10 không? Con đứng vị trí thứ mấy?

Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh: Kỳ vọng của cha mẹ là áp lực của con cái - 1

Cha mẹ đặt kỳ vọng cao khiến con quay cuồng với lịch học kín mít. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ đặt kỳ vọng cao khiến con quay cuồng với lịch học kín mít. Khi con không đạt được kỳ vọng thì cha mẹ bực tức, thậm chí muốn “giấu” con đi. Có người thấy con thi trượt đại học thì bảo “làm xấu mặt gia đình, thôi cứ ở trong nhà ấy” hoặc “lên đại học ôn thi đi, bảo mọi người là đi học đại học cho bố mẹ đỡ mất mặt”…

Kỳ vọng sinh ra vấn đề

Theo cô Lanh, nhiều cha mẹ đặt kỳ vọng không phải vì con mà là vì chính họ. Họ muốn được người khác ghi nhận thành công của mình thông qua thành tựu của con. Họ muốn con viết tiếp những giấc mơ dang dở mà trước đây họ chưa thực hiện được.

Có một cặp vợ chồng sinh được 3 người con và cho con tham gia các khóa huấn luyện do cô Lanh giảng dạy. Người chồng trước đây học giỏi, từng đỗ Đại học Kiến trúc nhưng mải chơi nên bỏ học, còn vợ thì nghỉ học từ sớm để buôn bán. Lấy nhau xong, cả hai mở cửa hàng bán máy móc, vật liệu xây dựng, kiếm được rất nhiều tiền.

Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh: Kỳ vọng của cha mẹ là áp lực của con cái - 2

Theo cô Lanh, nhiều cha mẹ đặt kỳ vọng không phải vì con mà là vì chính họ. Họ muốn được người khác ghi nhận thành công của mình thông qua thành tựu của con.

So về tiền bạc, vợ chồng họ chẳng thua kém bạn bè. Thế nhưng sâu thẳm bên trong mình, người chồng luôn hối tiếc vì đã không học hành tới nơi tới chốn, có chút chạnh lòng bởi nhiều bạn bè giờ đã có tên tuổi, thiết kế những công trình lớn. Người vợ thì thấy công việc buôn bán vất vả, bấp bênh.

Vì thế, hai vợ chồng muốn các con phải cố gắng học tập để sau này không đi theo con đường như bố mẹ. Họ có một khát khao mãnh liệt là các con phải đỗ đại học, trường nào cũng được, ra trường bố mẹ sẽ “đầu tư” cho một công việc ổn định.

Khi được hỏi công việc ổn định có thu nhập không cao, môi trường chưa chắc đã tốt để phát triển, thì cặp vợ chồng ấy bảo, họ chỉ cần các con làm đủ ăn đủ tiêu, sau này họ sẽ cho mỗi đứa một cái nhà mặt phố.

Theo cô Lanh, những suy nghĩ như vậy của bố mẹ có thể giết chết ước mơ, tài năng của con. Từ sự hối tiếc của người cha và trải nghiệm của người mẹ về việc học hành dang dở, họ đã vô tình áp đặt mong muốn của mình lên con, bắt con phải “cõng” giấc mơ mà họ chưa thực hiện được.

Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh: Kỳ vọng của cha mẹ là áp lực của con cái - 3

Thay vì áp đặt mong muốn của mình lên con, cha mẹ cần đồng hành, giúp con tỏa sáng với tài năng của con, sống cuộc đời của chính con chứ không phải vay mượn cuộc đời người khác.

Cũng có những trường hợp ngược lại, cha mẹ áp đặt con phải lựa chọn nghề nghiệp giống mình. Họ làm ngân hàng, bác sĩ thì muốn con làm ngân hàng, bác sĩ. Họ làm công việc nào thấy kiếm được nhiều tiền, thuận lợi, an toàn thì cũng muốn con làm việc đó. Nhưng họ lại quên mất những điều quan trọng: Con có tài năng giống họ không? Con có muốn làm công việc đó không?

Đừng biến giấc mơ của cha mẹ thành ác mộng của con

Cô Lanh cho biết, cha mẹ quá kỳ vọng vào con sẽ gây áp lực cho con, biến con thành một đứa trẻ luôn lo lắng, mệt mỏi. Con không được là chính con, con học vì cha mẹ chứ không phải vì con thích nên khi có cơ hội con sẽ dần rời xa việc học. Có bạn đỗ đại học với điểm số 29 cao chót vót nhưng 7 năm sau không ra được trường. Bởi ngay khi lên đại học, thoát khỏi vòng giám sát của cha mẹ thì bạn bắt đầu bỏ học, chơi bời.

Theo cô Lanh, mỗi đứa trẻ đều là thiên tài trong một lĩnh vực nào đó và các con có ước mơ, mục tiêu sống của riêng mình. Nếu con là chim, không thể bắt con bơi; nếu là cá, không thể bắt trèo cây. Nhiệm vụ của con không phải đi xây nốt giấc mơ dang dở của cha mẹ, cũng không phải là đi trên con đường được cha mẹ vạch sẵn.

Thay vì áp đặt mong muốn của mình lên con, cha mẹ cần đồng hành, giúp con tỏa sáng với tài năng của con, sống cuộc đời của chính con chứ không phải vay mượn cuộc đời người khác. Nếu có kỳ vọng, hãy kỳ vọng con biết học hỏi thay vì biết đạt được thành tựu.

Cha mẹ cần hiểu rằng, con hạnh phúc nhất là khi con thành công bằng chính đam mê, tài năng của mình. Vì thế, cha mẹ hãy giúp con đạt được điều đó bằng kỳ vọng của chính con chứ không phải sự kỳ vọng của cha mẹ.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn