Khoảng nửa tháng nay, nước sông Châu Giang (thuộc địa phận huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) nổi "bọt tuyết" trắng xóa, bốc mùi hôi tanh khó chịu khiến người dân lo lắng.
Được biết, hình ảnh dòng sông nổi bọt trắng xóa thường xuất hiện khi ngành nông nghiệp bơm nước từ sông Nhuệ vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trả lời PV VTC News về hiện tượng này, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường khẳng định, hiện tượng trên cho thấy nước sông Nhuệ bị ô nhiễm rất nghiêm trọng.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ phân tích: “Sông Nhuệ có cống Liên Mạc là cống chỉ mở một số lần để phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp. Vào mùa khô, lượng mưa ít, cống Liên Mạc về cơ bản lại thường xuyên đóng, trong khi dọc bờ sông Nhuệ có rất nhiều cống nước nước thải sinh hoạt cũng như nhà máy đổ dồn vào.
Thực chất nước ở sông Nhuệ sau khi mở cống, bọt sủi trắng là từ các chất tẩy rửa tổng hợp, cộng thêm các loại chất khác nữa. Vì thế, có thể nói nước sông Nhuệ sủi bọt trắng là do ô nhiễm nghiêm trọng.
Tình trạng ô nhiễm là do nước thải nhiều chỗ không được xử lý hoặc chỉ xử lý một phần rồi lại thải ra sông Nhuệ. Bây giờ cần có sự phân tích khoa học về chất lượng nước ở sông Nhuệ để tìm ra các chất trên gồm những gì”.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, hiện tượng sông Hà Nam nổi “bọt tuyết” trong những ngày vừa qua có nguyên nhân sâu xa từ sự quá tải trong xử lý nước thải của TP Hà Nội.
“Có thể thấy, nước thải đổ ra sông Nhuệ chủ yếu là nước thải của Hà Nội. Hà Nội hiện nay cũng có một số trạm, nhà máy xử lý nước thải, song không đủ phục vụ cho nhu cầu của thành phố.
Hiện nay, ở trên phía Bắc Hà Nội có nhà máy xử lý nước thải phía tây Hồ Tây, nhà máy này đang hoạt động nhưng không đủ công suất theo như thiết kế là 15.000m3/ngày. Ở phía Nam Hà Nội có nhà máy xử lý nước thải của hồ Bảy Mẫu với công suất 13.300m3/ngày, nhà máy này hoạt động tốt.
Ngoài ra, còn có nhà máy xử lý nước thải Gamuda ở Yên Sở, công suất là 195.000m3/ngày, tuy nhiên thực tế công suất chỉ đạt được 125.000m3/ngày.
Từ đó có thể nói, hiện nay phần lớn các nhà máy xử lý nước thải của Hà Nội mới tạm gọi là đáp ứng được ½ nhu cầu xử lý lượng nước thải của thành phố. Còn lại tất cả đều xả ra sông, trong đó có sông Nhuệ”.
Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, ngoài việc quá tải trong xả thải, một trong những nguyên nhân khiến sông Nhuệ thành “sông tù” còn do cửa sông hai đầu không mở thường xuyên và không có nguồn nước lưu thông để pha loãng.
“Khi nước sông Hồng vào từ cửa cống Liên Mạc thì lượng nước cần để pha loãng cho sông Nhuệ là rất ít. Cho nên nước ô nhiễm vẫn đậm đặc, xảy ra tình trạng nước màu đen, rồi sủi bọt trắng xóa như vừa qua.
Không chỉ sông Nhuệ mà cổng sông Đáy cũng thỉnh thoảng mới mở nên gần như hai đầu của sông đều bị khóa. Ở đây có thể nói là đã xảy ra mâu thuẫn giữa vận hành nhà máy thủy điện và lợi ích nông nghiệp.
Cửa cống chỉ được mở khi có lũ hoặc tưới tiêu nông nghiệp. Như vừa qua cổng này được mở là do thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình xả lũ. Vì vậy, lượng nước sông Hồng đổ vào để pha loãng nước sông Nhuệ rất ít”, ông Nhuệ phân tích.
Về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ hai giải pháp cơ bản là mở thông hai đầu cửa cống của sông Nhuệ cũng như cần phải có sự đầu tư để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của TP Hà Nội.
“Lượng nước của sông Hồng bổ sung cho sông Nhuệ là không đáng kể nên cần phải mở cống này. Ngoài ra, cũng cần phải khơi thông dòng chảy để sông Nhuệ chảy về sông Đáy. Chỉ có như vậy thì sông Nhuệ mới lưu thông được, không xảy ra tình trạng nước tù.
Ngoài ra, cũng cần phải có sự đầu tư để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của TP Hà Nội, hạn chế xả thải ra sông Nhuệ như hiện nay”, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cho hay.
Video: Dòng sông "tuyết" gây xôn xao ở Hà Nam
Bình luận