• Zalo

Chuyên gia Lê Đăng Doanh: Xe công quá nhiều, lạm dụng xe công quá nghiêm trọng

Kinh tếThứ Hai, 26/10/2015 06:43:00 +07:00Google News

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc lạm dụng xe công rất phổ biến và diễn ra công khai như: xe công đi lễ hội, xe công đi chùa, xe công đi ăn cưới,...

(VTC News) - Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc lạm dụng xe công rất phổ biến và diễn ra công khai như: xe công đi lễ hội, xe công đi chùa, xe công đi ăn cưới, ăn giỗ,...

Đầu năm, xe công ào ào đi lễ chùa

Việc sử dụng xe công vào "việc riêng" đã quá phổ biến khiến cho nhiều người dân rất bức xúc. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lấy dẫn chứng: "Tôi được biết là chủ tịch một liên hiệp hợp tác xã kiêm chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của 1 tỉnh cũng được phát một xe biển xanh. Ông chủ tịch này dùng xe để đưa đón ông hàng ngày từ nhà đến cơ quan.


Việc lạm dụng diễn ra rất phổ biến. Ngoài ra dùng xe công cho việc không liên quan đến công việc diễn ra rất công khai như: Xe công đi lễ hội, xe công đi lễ chùa, xe công đi ăn cưới, xe công đi ăn giỗ,...Tất cả những việc này diễn ra trước mắt người dân, rất lộ liễu, nhưng người sử dụng xe công không hề thấy xấu hổ", ông Doanh nói.

Đúng như lời ông Doanh nói, việc sử dụng xe công vào việc riêng như đi lễ chùa, đám cưới
đã khiến dư luận nhiều lần phải bức xúc và báo chí phải lên tiếng. Nhiều vụ sử dụng xe công đi lễ chùa đã được báo chí "chỉ mặt, điểm tên".

Xe công đi lễ hội
Xe công đi lễ hội 
Hồi năm 2011, tại chùa Vĩnh Nghiêm (TPHCM) những xe biển xanh đậu “chễm chệ” ngay trước tiền sảnh. Không chỉ xe công mang biển số TPHCM mà có cả xe mang biển số của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí có nhiều xe mang biển số ở tận… Hà Nội.


Tại lễ hội Đền Trần (Nam Định) năm 2014, các bãi gửi xe trong khu vực diễn ra lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2014, vẫn có nhiều xe mang biển xanh đậu.

Điều đáng chú ý là theo quy định của Ban tổ chức, xe biển xanh ra vào khu vực di tích Đền Trần - Chùa Tháp phải có phù hiệu rõ ràng là xe phục vụ lễ hội Khai ấn Đền Trấn.

Nhưng trên thực tế, nhiều xe mang biển xanh có mặt ở khu vực này không có phù hiệu như quy định của Ban tổ chức.

Cũng tại lễ hội Đền Trần, đầu năm 2015, dù Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm cấm việc dùng xe công đi lễ hội, nhưng hàng loạt xe biển xanh đã thấy xuất hiện tại lễ hội Đền Trần (Nam Định).

 
Theo quan sát của phóng viên báo Người lao động, hàng loạt xe biển xanh đến từ các tỉnh Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội… đậu đầy 2 bên đường dẫn vào Đền Trần và Đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).


Thậm chí có nơi, xe biển xanh còn đầu thành hành dài nối đuôi nhau trên đường, trông rất phản cảm. Cụ thể, trên đoạn đường gần Đền Thiên Trường (là 1 trong 3 công trình kiến trúc thuộc Đền Trần), phóng viên ghi nhận có tới 3 chiếc xe biển xanh của tỉnh Tuyên Quang là 22C – 38xx, 22A - 000.xx và 22C - 28xx nối đuôi nhau thành hàng dài, đậu ngay dưới lòng đường.

Tình trạng sử dụng xe công đi lễ chùa phổ biến đến mức, người dân có thể bắt gặp ở rất nhiều lễ hội khác nhau.

Theo phản ánh trên báo điện tử Dân trí, tại khu vực đền Củi, tại xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và đền ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên, Nghệ An). Tại đây, việc sử dụng xe công đi chùa, đền vẫn còn khá phổ biến.
Xe công đi ăn đám cưới tại Bình Phước
Xe công đi ăn đám cưới tại Bình Phước 
Ngày 4/2/2015, ngay tại lễ hội Phủ Na (Thanh Hóa) hàng loạt chiếc xe biển xanh thản nhiên nằm tại bãi đỗ xe và ngay cổng vào Phủ.


Tại bãi đỗ xe cũng như ngay tại con đường dẫn vào cổng Phủ, có đến chục chiếc xe công VIP, mang biển số cũng VIP  “nghênh ngang” đi ra đi vào. Đặc biệt, những chiếc xe này hầu hết mang biển số của Thanh Hóa.

Tại ngày khai hội Yên Tử (Quảng Ninh) diễn ra ngày 28/2/2015 (tức 10/1 âm lịch), nhiều xe công vẫn xuất hiện mà không có thẻ bảng đại biểu khách mời. Theo phản ánh của phóng viên báo Tuổi trẻ, tại khu vực bãi đỗ xe, vẫn có nhiều xe biển xanh của các tỉnh Hải Phòng, Hòa Bình, Tuyên Quang… không có biển hiệu theo quy định nằm rải rác ngoài khu vực đỗ xe quy định.

Không chỉ đi lễ chùa, những chiếc xe công còn được tận dụng làm phương tiện đi ăn đám cưới.

Hồi năm 2012, báo điện tử vnexpress đã đăng ảnh các xe công của nhiều tỉnh thành, trong đó đa số biển đăng kiểm thuộc tỉnh Bình Phước, đỗ xe tràn ra đường Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) để dự tiệc cưới. Sự việc ngay sau đó văn phòng UBND tỉnh Bình Phước đã vào cuộc xác minh. Xe thuộc đơn vị nào thì sẽ có biện pháp xử lý trong việc chấp hành sử dụng xe công.

Mới đây, ngày 06/7/2015, một đám cưới đi từ hướng thành phố Buôn Ma Thuột, Khánh Hóa, đám rước dâu bằng nhiều xe ô tô, lưu thông trên QL 26, trong đó có sáu xe biển xanh, trong số sáu xe, có ba xe nhìn rõ biển kiểm soát đó là 47A-003-67, 47C-27-71, 47A-000-27, ba xe không rõ BKS, có năm xe loại 7 chổ hiệu LandCruiser V8, một xe KIA loại 5 chỗ.

Xử lý xe công dùng vào 'việc riêng' như thế nào?

Trước thực trạng sử dụng xe công vào việc riêng như đi lễ chùa, cưới hỏi, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 06 về việc cấm sử dụng xe công vào việc riêng, nhưng một số cơ quan, đơn vị vẫn sử dụng xe công vụ vào việc riêng đã bị báo chí phát hiện và phản ánh, cho thấy “bất chấp” Chỉ thị của Thủ tướng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trong buổi họp báo đầu năm 2014 cũng đã nêu rõ: "Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính đối cán bộ, công chức, trong đó có trường hợp dùng xe công đi lễ hội. Sẽ không có ngoại lệ trong việc xử lý, nếu phát hiện vi phạm", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Báo Lao động, dẫn lời Bộ trưởng nói về việc sau kỳ nghỉ  tết, cán bộ sử dụng xe công đi lễ hội: "Quy định sử dụng xe công đã có từ lâu, hằng năm Thủ tướng thường nhắc nhở. Công điện của Thủ tướng mới đây đã thể hiện rõ Chính phủ rất nghiêm khắc đối với việc này".

Chính vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Mọi trường hợp sử dụng xe công sai quy định, căn cứ vào mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Cán bộ công chức cấp nào quản lý thì cấp đó có trách nhiệm theo dõi và xử lý".

Để kiểm soát chặt việc sử dụng xe công, nhiều tỉnh còn lập đường dây nóng để khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng và nhân dân có thể giám sát, phản ánh ngay khi phát hiện người sử dụng xe công đi làm việc riêng.

Tuy nhiên, phớt lờ đi các chỉ thị này, nhiều xe công vẫn ngang nhiên được sử dụng để đi lễ chùa hay đám cưới.

Thực tế các trường hợp vi phạm bị xử lý cũng rất hiếm hoi. Một trong những vụ việc sử dụng xe công vào mục riêng khiến dư luận bức xúc nhất là tại Đám cưới con trai ông Hoàng Minh Huệ, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước. Theo quan sát của PV Thanh Niên, hàng chục xe công biển số xanh ở Bình Phước chở các “sếp” đi đám cưới, sau đó đậu tràn ra các tuyến đường ở TP.Thủ Dầu Một.

Khi phóng viên Thanh Niên liên hệ với một cán bộ công an ở Bình Dương thì nhận được câu trả lời: các xe (không phân biệt biển số - PV) đậu trên vỉa hè, sau biển cấm đỗ, biển nhường đường cho người đi bộ, đậu ở vỉa hè bên trái... là vi phạm luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm này thường là do lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát trật tự thực hiện.

Khi liên hệ với lực lượng Thanh tra giao thông của tỉnh Bình Dương nhưng được cho biết ngày 8/12 là ngày nghỉ nên lực lượng này không tuần tra. Phóng viên báo Thanh Niên cũng liên hệ với Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước về việc này nhưng chưa nhận được ý kiến trả lời.

Sau đó vụ việc cũng không có thêm bất cứ thông tin gì nữa. Đây không phải là trường hợp duy nhất sau khi được dư luận phát hiện nhưng không có câu trả lời hay kết luận được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể biết.

Châu Anh(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn