Bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, thứ mà Việt Nam cần là công nghệ cao chứ không phải là các casino, do đó trong quy hoạch các đặc khu kinh tế cần phải hướng đến điều này.
"Tôi cho rằng dù ưu đãi tương tự như nhau, nhưng casino không phù hợp để đi cùng với khu công nghệ cao, vì mấy lẽ.
Trước hết, đối tượng phục vụ của hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.
Casino phục vụ vui chơi, giải trí, thậm chí kiếm tiền bằng đỏ đen. Khách hàng của casino đa dạng, phần lớn là nhàn rỗi, thích vui vẻ, náo nhiệt, ưa thử vận mạng bằng may rủi, ít nhất là trong thời gian họ vào chơi ở đó.
Công nghệ cao là việc của những người làm trong kinh tế trí thức, có trình độ, kỹ năng cao, đam mê nghiên cứu, thử nghiệm những cái mới trong các lĩnh vực khác nhau. Khách hàng của công nghệ cao quan tâm đến phát triển, trí tuệ, chất lượng công việc và cuộc sống, những giá trị tốt đẹp và cao hơn cho con người. Phần lớn thời gian người ta làm việc trong yên tĩnh, tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, tranh luận chuyên môn; tất nhiên cũng có những lúc nghỉ ngơi vui chơi nhưng không như khách casino.
Hai loại khách hàng như vậy rất khó có thể sống và làm việc cùng chỗ với nhau 24/24 được.
Hai là, không gian và môi trường hoạt động của hai lĩnh vực này rất khác nhau.
Casino có nhu cầu đặt ở nơi có rất nhiều các dịch vụ vui chơi giải trí khác đi cùng với nó, tạo không gian cho các dịch vụ này cùng nhau làm ăn và moi tiền của những khách hàng muốn được thỏa mãn nhiều thứ thú vui. Cũng có những nguy cơ về tệ nạn, tội phạm, rủi ro cho người làm và người chơi, nên các nước thường đặt casino trong khu vực riêng, có hàng rào bảo vệ tách với “người thường” không tham gia vào đó.
Các lĩnh vực công nghệ cao lại cần những nơi có nhiều cơ sở dịch vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường tri thức hỗ trợ nhau phát triển. Công nghệ cao cũng cần phải kết nối được với những vùng có các ngành phụ trợ, có các lĩnh vực kinh tế mà nó hướng tới phục vụ như công nghiệp, nông nghiệp…
Do vậy công nghệ cao ở các nước thường được đặt ở trong hoặc sát bên các thành phố, đô thị lớn, nơi tập trung trí thức và lực lượng lao động được đào tạo có kỹ năng. Những trung tâm đó có nhiều các viện nghiên cứu, các trường đại học, tức là có môi trường làm việc giúp công nghệ cao có điều kiện để phát triển.
Hai loại không gian, môi trường đó thật khó tạo lập ở cùng một vùng đất không phải rộng lớn lắm. Thuận cho cái này có thể không thuận, thậm chí bất lợi cho cái kia.
Ba là, yêu cầu đầu tư và khả năng sinh lời của hai lĩnh vực này cũng khác nhau.
“Nén bạc” mà các ông trùm sòng bạc sẵn có và sẵn lòng đưa ra có thể đâm toạc mọi… chính sách, mọi ước vọng cất cánh bằng công nghệ trong thời 4.0 này.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Casino có khả năng sinh lời cao nhờ máu đỏ đen của con người và tài kinh doanh của các ông chủ sòng bạc. Thậm chí bây giờ chẳng cần đầu tư mở casino hoành tráng, mà bằng công nghệ và nhờ bảo kê, các ông trùm đã có thể có hàng chục triệu người đánh bạc qua mạng, như vụ xảy ra ở nước ta vừa phát hiện vài tháng trước.
Trong khi đó, công nghệ cao đòi hỏi đầu tư tốn kém, rủi ro cao, suất sinh lời có thể là số không trong thời gian dài trước khi có sản phẩm thương mại hóa được. Vì vậy mới cần đến các quỹ đầu tư mạo hiểm, các hãng lớn, các chương trình quốc gia do chính phủ bảo trợ cho công nghệ cao, cho R & D ở hầu khắp các nước.
Với sự khác nhau như vậy thì khi cùng được ưu đãi, thậm chí với mức thấp hơn, casino vẫn rất dễ “đuổi cổ” công nghệ cao ra khỏi vùng lãnh thổ mà nó muốn chiếm. “Nén bạc” mà các ông trùm sòng bạc sẵn có và sẵn lòng đưa ra có thể đâm toạc mọi… chính sách, mọi ước vọng cất cánh bằng công nghệ trong thời 4.0 này.
Bốn là, kinh nghiệm các nước khác.
Nhìn sang các nước đi trước, ta dễ dàng thấy họ tách hai việc phát triển casino và phát triển công nghệ cao với nhau như thế nào.
Ở Mỹ, có Las Vegas dành cho đánh bạc, còn thủ phủ của công nghệ cao ở thung lũng Silicon hoàn toàn tách biệt, chứ không có nhà đầu tư nào bỏ Silicon để đi làm công nghệ cao ở Las Vegas cả.
Singapore thì đã phát triển các ngành công nghệ khá lâu rồi, và bây giờ đang tiến mạnh vào một số lĩnh vực công nghệ cao thời 4.0 một cách chọn lọc. Khi đã đạt trình độ quản lý rất cao, Singapore mới mở sòng bạc đầu tiên và duy nhất, được xây dựng biệt lập và kiểm soát hết sức chặt chẽ.
Vì bản thân quốc gia này chỉ có quy mô diện tích hạn chế và đã là một “đặc khu kinh tế” rất mở, nên họ có thể có công nghệ cao và casino trong cùng “đặc khu Singapore”, nhưng chớ nên nghĩ ta có thể làm như họ ở 3 đặc khu của mình. Những nước phát triển cao cũng phải kính nể Singapore về tầm nhìn, về trình độ quản trị, về tính khoa học, quy củ trong tổ chức sự phát triển các hoạt động khác nhau trên đất nước này.
Hiện nay, tất cả các nước phát triển cao cũng như hầu hết các nước phát triển thấp hơn trên thế giới đều tập trung cao độ mọi cố gắng và nguồn lực cho thúc đẩy phát triển công nghệ để có thể tận dụng những gì cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cũng như khắc phục các thách thức từ cuộc cách mạng này. Đây cũng là lĩnh vực ưu tiên số 1 trong chiến lược và chính sách phát triển của gần như mọi quốc gia. Với các nước đang phát triển, đây là cơ hội hiếm hoi để hóa rồng, mà cũng là thách thức khắc nghiệt do có thể rơi vào cực chậm phát triển nếu không theo được cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở nước ta cũng đã có các nghị quyết của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ cao được khẳng định là ưu tiên trong phát triển cũng như trong thu hút FDI và hợp tác quốc tế.
Không lẽ luật đặc khu lần này, với những ưu tiên vượt trội để góp phần tạo đột phá phát triển, lại không cân nhắc cẩn trọng để rồi công nghệ cao có thể bị casino đẩy ra, và rồi đất nước mình sẽ tạo sự khác biệt trong cạnh tranh với các nước khác bằng cách lấy casino, chứ không phải công nghệ cao, làm lĩnh vực đột phá?!"
Bình luận