Tại sao đến phút cuối Canada lại bất ngờ từ chối ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)? Các thành viên còn lại của TPP sẽ phản ứng thế nào? Tương lai của TPP-11 sẽ ra sao? Các chuyên gia kinh tế đã có những phân tích, đánh giá về vấn đề này.
Ký kết TPP: Khó khăn nhưng chưa kết thúc
Trao đổi với VTC News, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc Canada từ chối ký kết Hiệp định TPP-11 cho thấy, đây là tín hiệu không tốt, song vẫn chưa phải là đã hết hi vọng cho các thành viên còn lại.
TS Lê Đăng Doanh cho biết: “Thủ tướng Canada thì không đến ký, nhưng một vị Bộ trưởng của Canada thì nói Canada vẫn tiếp tục đàm phán. Điều đó có nghĩa là việc ký kết TPP-11 lại tiếp tục bị hoãn và đấy là một tín hiệu không tốt lành.
Trước đó, Nhật Bản và New Zealand là hai thành viên thúc đẩy mạnh mẽ Hiệp định này và các thành viên khác đã cố gắng hết sức từ đêm hôm trước ở Đà Nẵng, chỉ chờ ký thôi.
Nhưng đến phút cuối thì Canada lại bất ngờ không ký. Điều này cho thấy, quá trình toàn cầu hóa và hợp tác liên kết kinh tế đã đụng chạm đến lợi ích kinh tế khác nhau của các nước.
Bởi thế mà có nước ban đầu thì rất hăng hái - như trường hợp Hoa Kỳ, tuy nhiên sau đó, ông Donald Trump lên làm Tổng thống thì lại rút lui vì cho rằng không phù hợp với lợi ích Mỹ”.
Về vai trò của TPP-11 đối với Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh nhận xét: “TPP rõ ràng là có lợi cho Việt Nam. Bởi ngay cả TPP-11 khi không có Mỹ thì Việt Nam và Nhật Bản vẫn được xem là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, chứ không phải là cạnh tranh nhau. Trong khi đó, giữa kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có nhiều mặt cạnh tranh với nhau như về dệt may, da giầy... việc bổ sung có phần hạn chế hơn.
Nên tôi nghĩ Việt Nam vẫn rất quan tâm và cần đến TPP và tiếp tục thúc đẩy TPP-11 để có thể thực hiện được. Tôi không hi vọng là Canada sẽ bỏ hẳn ký kết TPP-11. Tín hiệu cho đến bây giờ cho thấy là phía Canada không ký, Thủ tướng Canada thông báo hoãn và cho biết là Canada không vội vàng. Việc hoãn như vậy có phải là phía Canada muốn đàm phán với một “mức giá” cao hơn hay không? Có phải Canada vẫn còn muốn đàm phán thêm hay không? Điều này cần phải có thêm thông tin và thời gian”.
Đánh giá về thái độ phản ứng của các thành viên còn lại của TPP, TS Lê Đăng Doanh nhận xét: “Tôi cho rằng, Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục kiên trì tác động đến TPP-11 vì kinh tế Nhật Bản sẽ có lợi từ việc ký kết này.
Nếu chúng ta nhìn về góc độ chiến lược thì khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là một địa bàn mà Nhật Bản có thể phát huy tối đa sức mạnh kinh tế của mình.
Cũng cần nói thêm là TPP-11 như một đối trọng kinh tế đối với các chính sách kinh tế của Trung Quốc, vì hiện nay Trung Quốc đang có một loạt những sáng kiến như chính sách “một vành đai, một con đường”, phát triển nân hàng đầu tư về vốn dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng...
Đối với nhiều nước, TPP-11 là nơi để nhiều nền kinh tế mở rộng không gian hợp tác, buôn bán, phát triển thị trường, trên cơ sở các bên cùng có lợi nên họ sẽ vẫn cố gắng thúc đẩy mà không dễ dàng bỏ cuộc. Còn diễn biến cụ thể ra sao thì tôi cho rằng cần phải xem xét thêm”.
Canada coi trọng NAFTA hơn TPP-11
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nhận định: Việc Canada không ký kết Hiệp định TPP-11 vào phút cuối cho thấy, Canada đang có sự cân nhắc và có thể Canada coi trọng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hơn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với 11 thành viên sau khi Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp định (TPP-11)
“Có thể nói, quyết định của Canada từ chối ký kết hiệp định vào phút cuối đã làm ảnh hưởng đến tất cả các thành viên khác trong TPP-11. Điều này đã làm cho triển vọng của TPP-11 trở nên khó khăn hơn rất nhiều”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét..
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: “Các nước thành viên còn lại sẽ xem xét và có thái độ ra sao trước việc này thì còn phải chờ thời gian, nhưng rõ ràng với quyết định của Canada sẽ tạo ra những tác động và tiền lệ xấu cho các nước khác, những nước mà trong nội bộ họ có những nhóm người trước nay không đồng tình với TPP thì nay họ càng có thêm lý do để thể hiện sự không đồng tình đó.
Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các Chính phủ. Người dân các nước ấy sẽ tạo sức ép lên Chính phủ họ, buộc họ phải xem xét và đàm phán lại”.
“TPP-11 muốn tiếp tục được triển khai thì có thể phải đàm phán lại với nhiều điều khoản mới. Nhưng nếu thành viên nào cũng muốn bảo lưu các điều khoản có lợi cho mình nhiều hơn thì rõ ràng vấn đề đàm phán sẽ càng khó khăn hơn.
Việc Hiệp định TPP-11 có hình thành được hay không thì chắc chắn còn phải chờ thêm một thời gian nữa”, bà Phạm Chi Lan bày tỏ lo ngại.
Về nguyên nhân khiến phút cuối Canada không ký kết TPP-11, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, mấu chốt lợi ích kinh tế của Canada là Mỹ, nên khi TPP-11 đã không còn Mỹ tham gia thì Canada chần chừ và không ký kết là điều dễ hiểu.
Chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích: “Rõ ràng không chỉ Canada mà ngay cả với các nước thành viên khác khi tham gia TPP thì mục đích cũng như lợi ích lớn nhất của họ là nhắm vào thị trường Mỹ. Việt Nam cũng vây. Nên khi Mỹ đơn phương rút khỏi TPP thì các nước đã thấy sự kém hấp dẫn của TPP rồi.
Canada sát sườn với Mỹ, lợi ích gắn với Mỹ. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng khi Canada vào TPP thì sẽ tạo cơ hội để Canada đàm phán với Mỹ.
Nhưng hiện nay Mỹ đã rút khỏi TPP, Canada thấy TPP-11 cũng không giúp gì nhiều được cho họ, nên họ không ký TPP-11 cũng là điều dễ hiểu thôi.
Thêm vào đó, hiện nay Mỹ, Mexico và Canada đang đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). NAFTA rất quan trọng với Canada vì với Canada thì lợi ích số 1 của họ là với Mỹ nên có thể họ sẽ tập trung mối quan tâm của mình vào NAFTA hơn là TPP-11”.
TPP-11 bị thúc đẩy quá nhiều bởi "ý chí chính trị"
Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, TPP-11 bị hoãn lại cũng chưa hẳn đã là bất lợi cho Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang nhận xét: “Giống như các nước thành viên khác, Việt Nam khi tham gia TPP là muốn có Mỹ trong đấy. Tất cả các phương án của Việt Nam chuẩn bị từ đàm phán cho đến ký kết (nếu xảy ra) khi tham gia TPP chỉ là để phục vụ cho phương án TPP có Mỹ thôi. Nhưng Mỹ tuyên bố không tham gia TPP từ đầu năm nay.
Thời gian từ lúc đó cho đến khi hình thành nên nhóm các thành viên TPP-11 hiện nay là rất ngắn. Nên Việt Nam cũng cần phải có thời gian để xem xét nó sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào”.
“Trước đó, TPP nếu có Mỹ, khi Việt Nam tham gia thì sẽ rất có lợi, cả về mặt kinh tế, thương mại cũng như cải cách thể chế.
Nếu TPP-11 hiện nay mà chưa được ký thì cũng chưa hẳn đã là bất lợi, thay vào đó Việt Nam sẽ có nhiều thời gian hơn để cân nhắc xem có những điều khoản nào mình thêm vào hoặc đàm phán lại đối với những điều khoản gây bất lợi cho mình.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể đàm phán lại những hiệp định thương mại, khi không có Mỹ, thị trường lớn nhất và mình mong đợi nhất, cũng nên xem lại có những tác động tích cực hay tiêu cực gì. Cần có thêm thời gian để đánh giá lại chứ không nên ký các hiệp định mà sau đó lại có những điều khoản gây bất lợi cho mình”, thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang phân tích.
Theo thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang, TPP-11 đã bị thúc ép quá nhiều bởi ý chí chính trị hơn là mục tiêu kinh tế, điều đó khiến cho các thành viên đến phút cuối khi ký kết đã tỏ ra “chần chừ”.
“TPP-11 bị thúc đẩy hơi nhiều bởi quyết tâm chính trị. Các bên cố gắng ký sớm để đạt các mục đích chính trị như muốn thể hiện thông điệp không có Mỹ thì các nước còn lại vẫn ký kết được TPP.
Mặt khác, dù không nói ra, song các thành viên còn lại cũng mong muốn sau khi ký kết được TPP-11 thì sẽ kêu gọi được Mỹ quay trở lại hiệp định đó. Tuy nhiên, cho đến nay phía Mỹ không có bất kì một động thái nào về TPP. Canada thì rõ ràng họ cần Mỹ. Nay thấy Mỹ không phản ứng gì thì họ cũng buộc phải xem xét lại và không ký kết”, ông Giang nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang đánh giá: “Quyết tâm chính trị của TPP-11 cũng dễ hiểu thôi, song có lẽ Việt Nam nên dành thời gian để đánh giá kỹ hơn về hiệp định này.
Một là, đánh giá kỹ hơn về tác động của nó như thế nào đến kinh tế Việt Nam.
Hai là, nếu TPP-11 đã không có Mỹ thì nên xem xét lại có những điều khoản nào cần bỏ bớt ra, những điều khoản nào cần thêm vào để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay hơn.
Quan điểm của tôi là dù TPP-11 bị hoãn lại thì cũng vẫn chưa hẳn đã là một tín hiệu không tốt đối với Việt Nam”.
Video: Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói về tương lai của TPP sau khi Mỹ rút lui khỏi hiệp định này
Bình luận