Tối 11/10, trả lời Zing.vn, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định đợt mưa lũ lớn và kéo dài hiện nay là hệ quả của áp thấp nhiệt đới tiến vào khu vực Bắc Trung Bộ kết hợp với đợt không khí lạnh.
Theo ông Hải, năm 1996, lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình đạt 22.500 m3/s nhưng là vào tháng 8, giữa mùa mưa. Trong khi đó, vào 12h giờ ngày 11/10, tại hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước đã đạt 117,37 m, lưu lượng về hồ lên tới 15.940 m3/s (cao thứ nhì trong lịch sử).
Theo ông Lê Thanh Hải, đây là lần đầu tiên thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả lũ. Trong quá khứ, tại đây đã mở 7 cửa vào các năm 1996, 1998 và 1999. Công trình này mở 6 cửa vào các năm 1994, 1995, 1996, 2002 và 2007.
“Nếu tính về thời gian, cơn lũ này bất thường, chưa từng ghi nhận trong cùng kỳ tháng 10, chỉ đứng sau trận lũ năm 1996”, ông Hải nhấn mạnh.
Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết vùng mưa chiều tối 11, ngày 12/10 dịch chuyển về phía tây, lưu vực sông Mã, sang Lào và dần dần giảm đi.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một áp thấp nhiệt đới mới đang hình thành ngoài khơi Philippines và sẽ vào Biển Đông vào cuối tuần này, có thể mạnh lên thành bão.
"Đầu tuần sau, áp thấp có khả năng tiến sâu vào Trung Bộ, ảnh hưởng các từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế”, ông Lê Thanh Hải thông tin.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn trung ương, ngày 12/10, lũ trên các sông ở Thanh Hóa tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An tiếp tục lên, các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục xuống. Cụ thể, sông Mã tại Giàng (Thanh Hóa) trên báo động ba 1 m (tương đương lũ lịch sử năm 1980). Ngày 12/10, lũ sông Mã, sông Chu lên đến đỉnh điểm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của các địa phương, mưa lũ làm 29 người chết (Thanh Hóa 8, Nghệ An 6, Hòa Bình 6, Sơn La 5, Yên Bái 3, Quảng Trị 1); 21 người mất tích (Hòa Bình 5, Yên Bái 9, Sơn La 3, Thanh Hóa 3, Nghệ An 1); bị thương 14 người (Hòa Bình 7, Thái Bình 3, Nam Định 3, Thanh Hóa 1).
Video: Mưa lũ dồn dập ở Bắc và Bắc Trung Bộ là dị thường, chưa từng có
Bình luận