• Zalo

Chuyên gia HV Ngoại giao 'mổ xẻ' gì về tương lai Putin?

Thế giớiThứ Bảy, 03/03/2012 09:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Theo TS. Đỗ Sơn Hải, nếu xác suất 1% phải bầu tiếp vòng 2 có xảy ra, thì đó chẳng qua là vì... cử tri Nga lười đi bầu!

(VTC News) – Ngày mai, cuộc bầu cử Tổng thống Nga, một trong những điểm nóng của chính trị thế giới trong suốt thời gian qua sẽ chính thức bắt đầu. Ông Putin sẽ trở lại vị trí sau một nhiệm kì như dự đoán, hay một cú lật cánh bất ngờ sẽ diễn ra?

Để chia sẻ cùng độc giả góc nhìn sâu hơn về vấn đề hấp dẫn nhưng cũng rất gai góc này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với TS. ĐỖ SƠN HẢI, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế Học viện Ngoại giao, một trong những chuyên gia hàng đầu trong nước về Âu – Mỹ và quan hệ quốc tế hiện đại.

4 nhân tố "tất thắng"

Trước thềm bầu cử Tổng thống Nga, đa số các nhà phân tích khẳng định chiến thắng của Putin gần như là điều tất yếu. Từ đâu mà có sự “tất yếu” này?

TS. Đỗ Sơn Hải: "Tôi đặt cược 99% Putin thắng cử ngay vòng 1!" 
Người ta đưa ra nhận định này dựa trên nhiều yếu tố. 

Thứ nhất, nhìn 5 ứng cử viên, thấy rõ Putin là nổi hơn hẳn. Cho đến giờ phút này, 4 ứng viên còn lại đều vẫn chưa đưa ra được chương trình phát triển nào thu hút sự quan tâm của dân chúng Nga, mà hầu hết chỉ dựa vào việc chỉ trích những yếu kém của chính phủ. 

Trong khi đó, những yếu kém này đều không phải chuyện một sớm một chiều khắc phục được, thậm chí đã tồn tại từ trước khi Medvedev lên cầm quyền; đặc biệt đặt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện tại. 

Trong suốt thời kì khủng hoảng, nước Nga vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế 4% một năm, tất nhiên có nhiều nguyên nhân cần mổ xẻ, nhưng trước hết cho thấy sự điều hành của ekip Medvedev – Putin rõ ràng hiệu quả, một thành công của ekip này trong việc phát triển kinh tế cũng như đưa hình ảnh nước Nga ra thế giới với tư cách là một thế lực thực sự buộc các bên phải tính đến.

Cho nên, khi những ứng viên khác phản bác lại, rõ ràng cơ sở của họ yếu hơn.

Thứ hai, chúng ta cũng thấy ưu thế của người đương nhiệm, mà ở đây, rõ ràng sự hậu thuẫn của Tổng thống Medvedev cũng như đảng Nước Nga Thống nhất là một thuận lợi cực kì lớn.

Thông thường trong mỗi kì bầu cử, người đương nhiệm bao giờ cũng có ưu thế không những về mặt vật chất mà cả về mặt tinh thần. Nếu như các đối thủ không có những chương trình thực sự mạnh để phản bác, hoặc chính phủ đương nhiệm không vấp phải scandal lớn thì lợi thế nghiêng về ai đã rõ.

Thứ ba, rõ ràng sự kì vọng của người dân Nga đặt vào Putin. Sự kì vọng này tất nhiên có lí do, mà quan trọng trong đó là thành công về kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn vừa rồi, dưới nhiệm kì của Medvedev.

Với những lực lượng thường có ảnh hưởng lớn đến lá phiếu bầu như thanh niên, giới doanh nghiệp, những cải cách của Medvedev dù còn hạn chế nhưng cũng đã đem lại những thành công, thuận lợi nhất định, đặc biệt là với giới trẻ. 

Một thuận lợi nữa không thể không kể đến là ngoại trừ một số nước phương Tây không mặn mà lắm với hình ảnh của Putin, còn lại đa phần, nhất là các đối tác truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ đều ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn Putin quay trở lại.

Nguyên nhân thì như chúng ta đã biết, trong thời gian vừa qua, va chạm, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, đặc biệt là với Mỹ gia tăng.

Bản thân Ấn Độ, tuy rằng đã có nhiều cải thiện về quan hệ, nhưng qua tình hình Bắc Phi, Trung Đông, có thể thấy mâu thuẫn giữa nước này và phương Tây đang tăng lên. Đây cũng là điều tất yếu khi các thế lực mới mạnh dần lên, những nước đang nắm quyền hành như Mỹ và Tây Âu đương nhiên cảm thấy không hài lòng.

 Người ủng hộ ông Putin trong một cuộc biểu dương lực lượng (Ảnh: RIA)

Tóm lại, Putin hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Không phải vô cớ mà cách đây khoảng 3 tháng, tỉ lệ ủng hộ của Putin chỉ 45-48%, nhưng trước thềm bầu cử 1 tuần, theo hãng thông tấn RIA của Nga, số người ủng hộ Putin đã lên đến 68%.

Nghĩa là khả năng không cần bầu cử vòng 2 hiện đang rất lớn; hay nói cách khác là giờ đây có lẽ người ta không cần bàn tán nhiều về chuyện Putin thắng cử, mà cái người ta quan tâm nhiều là sau khi ông tái đắc cử thì có gì thay đổi hay không.

Ngay sát thềm bầu cử, nước Nga xôn xao về vụ ám sát Putin. Có nhà bình luận cho rằng đây chỉ là một chiêu bài của chính Putin để gom phiếu và giành chiến thắng ngay ở vòng 1. Ông đánh giá thế nào về khả năng này?

- Về vấn đề này, chúng ta nên liên hệ một chút đến cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia Nga cách đây ít lâu, khi cũng xảy ra những cuộc xuống đường khá rầm rộ cho rằng có gian lận trong bầu cử. Thế nhưng những thông tin chính phủ Nga đưa ra lại cho thấy đằng sau các cuộc biểu tình này có sự hậu thuẫn của những thế lực nước ngoài không ưa thích gì nước Nga nói chung và ekip Medvedev – Putin nói riêng. 

Như vậy, rõ ràng hình ảnh của nước Nga ở những kì bầu cử gần đây đã khác trước, giờ đây luôn tồn tại 2 luồn ý kiến ủng hộ và phản đối, và phe phản đối thì rõ ràng luôn phải tìm cớ để “giải trình” cho sự phản đối của họ, mà một trong số đó là sự kiện ám sát Putin mà chúng ta đang bàn đến.

Thực hư như thế nào, có lẽ chỉ có người trong cuộc mới có thể khẳng định, mà trước hết là các lực lượng an ninh Nga. Nếu nói rằng thông tin các lực lượng an ninh Nga đưa ra mang nhiều màu sắc tự dàn dựng, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, không còn sự tin cậy nào cả. Tuy nhiên, trong chính trị, chúng ta đều biết rằng mọi khả năng đều có thể xảy ra; nên ở đây, không thể nói là phủ nhận hay công nhận sự kiện này. 

Câu hỏi đặt ra là ám sát để làm gì? Người ta sẽ quy kết ngay là hoạt động của các phe chống đối, bởi chỉ có phe chống đối mới muốn loại ông Putin ra khỏi cuộc chơi, và trên thực tế thì những hoạt động kiểu như vậy ở Nga cũng không phải là hiếm.

Có thể phe phản đối sử dụng những “kĩ thuật” trong bầu cử, mà một trong những kĩ thuật mạnh nhất là loại bỏ ứng viên đối thủ bằng những biện pháp mạnh như ám sát. Còn có lẽ những hoạt động ám sát từ nước ngoài như từng xảy ra với Fidel Castro thì trong bối cảnh thực tế hiện nay rất khó xảy ra với ông Putin. 

Một khía cạnh nữa làm gia tăng tính xác thực của giả định này, đó là trong 2 nhiệm kì làm tổng thống trước đây, ông Putin đã có nhiều chính sách cứng rắn với các lực lượng chống đối, các phần tử li khai, khủng bố, mà hậu quả để lại chính là những vụ ám sát nhằm vào ông. Khả năng tồn tại một kế hoạch nhằm loại bỏ ông Putin, theo tôi nghĩ chắc chắn là có.

Các đảng phái khác đã không còn "ngây thơ"

Như vậy là theo ông, khó lòng có một cú lật cánh bất ngờ nào trong cuộc bầu cử lần này?

- Nói chung mọi khả năng đều không thể loại bỏ, nhưng theo tôi, xác suất mà ông Putin không thắng cử chỉ tính bằng 1%. Đó là bởi cái mà người ta quan ngại nhất là bất đồng trong nội bộ đảng Nước Nga Thống nhất, thì chính Medvedev đã lên tiếng khẳng định toàn đảng ủng hộ Putin tái cử. 

Bộ đôi Putin - Medvedev được tin tưởng sẽ tiếp tục chèo lái nước Nga 

Trong thông điệp Liên bang mà Tổng thống Medvedev đọc hôm 23/12 vừa rồi, có một đoạn mà theo tôi rất đáng gạch chân, khi ông nói: “Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục…”

Bầu cử chỉ còn chưa tới 1 tháng, vậy thì “thời gian tới” là gì nếu không phải nhiệm kì sau? Như vậy, rõ ràng ông rất tin tưởng vào thắng lợi của Putin, đồng thời cũng rất tin tưởng rằng ông sẽ làm thủ tướng, và đã chuẩn bị sẵn sàng cho công việc của thời gian tới. 

Tuy nhiên, kết hợp với vụ ám sát Putin, ta cũng thấy rõ rằng trong các chiến dịch bầu cử, những tình huống bất ngờ là luôn có thể xảy ra vào phút cuối cùng. Lấy ví dụ như ở ngay nước Mỹ, nơi văn hóa bầu cử đã có từ hàng trăm năm nay mà còn xảy ra những scandal như vụ phiếu bầu của Bush, thì không chuyện gì là không thể xảy ra.

Nếu việc thắng cử của Putin đã gần như là điều tất yếu, thì bản thân phe đối lập hẳn cũng đánh giá được điều này. Vậy những hoạt động đối chọi của họ có ý nghĩa thực chất như thế nào?

- Với những lực lượng này, trước hết, tất nhiên họ sẽ nuôi kì vọng là loại được ông Putin, loại trực tiếp. Thứ hai, họ cũng có thể kì vọng qua những vụ việc như thế này để chứng minh cho cử tri thấy sự yếu kém của chính phủ - nếu để xảy ra những vụ lùm xùm mà chính phủ không xử lý được đúng cách.

Nhưng tôi nghĩ rằng ở đây, những biện pháp đó chỉ mang tính vớt vát. 

Trong chiến dịch tranh cử, nói gì thì nói, qua các hoạt động quảng bá rầm rộ và diện mạo truyền thông Nga, ta có thể thấy rõ 5 ứng cử viên, mỗi người đều có những lợi thế riêng, đều có những người ủng hộ mình.

Hơn nữa, các đảng này cũng đang lớn mạnh hơn và không còn “ngây thơ” trong việc tranh cử, đặc biệt là trong việc đưa ra những khẩu hiệu tranh cử gần gũi với đời sống người dân, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của các tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Đương nhiên họ phải có niềm tin, bởi nếu không có niềm tin thì họ đã không dám ra tranh cử. Lấy ví dụ đại diện của Đảng Cộng sản Nga, ông Zyuganov đã là ứng viên từ thời Yeltsin nhiệm kì 2 và cho đến giờ luôn là người về nhì. 

Nghĩa là, nếu không phải Putin, thì sẽ là…?

- Chúng ta chưa thể đặt ra giả thiết đó, vì bây giờ là Putin (cười).

Chuyên chế hay không chuyên chế

Như vậy, phải chăng là cái bóng quá lớn của Putin đã bao trùm lên chính trường Nga và làm cho các ứng viên khác không có cơ hội tỏa sáng?

- Chúng ta phải thừa nhận rằng, qua 2 nhiệm kì Tổng thống và 1 nhiệm kì Thủ tướng, Putin đã chứng tỏ được năng lực của mình; và đương nhiên một người có uy tín cao như vậy thực sự tạo sức ép cực kì lớn đối với các đối thủ khác. 

Tuy nhiên, những hoạt động của 4 ứng cử viên khác cho thấy họ cũng đã có những tính toán về chiến thắng, những tia hi vọng, hay nói cách khác là bản thân ekip của Medvedev và Putin cũng có những yếu thế nhất định.

Ví như người ta có thể phê phán quan hệ Nga – Mỹ được cải thiện nhưng theo chiều hướng mà sự nhân nhượng của Nga là rất nhiều. Người ta cũng có thể phê phán ekip Putin – Medvedev là quá thực dụng. Với những đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, rõ ràng trong thời gian nhiệm kì của Medvedev, quan hệ này được cải thiện rất ít, gần như không có bước đột phá nào.

- Cũng có một khía cạnh khác của vấn đề này, đó là người đứng đầu quá giỏi đôi khi lại gặp khó khăn trong việc quy tụ dưới tay mình những người giỏi nhất?

- Rõ ràng một trong những đòi hỏi đối với người lãnh đạo giỏi là phải quy tụ được những người giỏi đến với mình. Putin, cứ giả sử là người giỏi nhất nước Nga hiện nay – hay là người mà nhân dân Nga đã chọn và tin tưởng là giỏi nhất, việc đầu tiên ông phải làm chắc chắn là quy tụ tất cả những người giỏi của nước Nga dưới trướng của ông.

Tình huống đặt ra là những người giỏi này có chấp nhận dưới sự lãnh đạo của ông Putin hay không, có chấp nhận được cách lãnh đạo của ông Putin hay không? Và nếu có thì chấp nhận được trong thời gian bao lâu?

- Và cái mà chúng ta đang đề cập, chính là “sự chuyên chế của Putin” như một số người phản đối vẫn nói?

- Ở đây có 2 yếu tố cần xét đến. Thứ nhất, đó là đặc thù của nước Nga, một đất nước rất rộng, đa dạng về dân tộc, phức tạp về dân cư, nếu không có một chính sách mạnh thì khó lòng quản lý hiệu quả. Lịch sử nước Nga đã chỉ ra, những thời kì hưng thịnh đều cần có những con người, những chính sách tương đối cứng rắn. 

Góc độ thứ 2 là cách làm việc của bản thân Putin, rất quyết đoán, và đôi khi là ông trực tiếp làm, dẫn đến người ta sẽ hiểu rằng đó là một sự chuyên quyền, không tin tưởng vào thuộc cấp. 

 Ông Putin oai vệ với "hàng khủng" Harley Davidson trong chiến dịch tranh cử

Thực ra cũng không hoàn toàn như vậy, bởi mỗi con người có một cách làm việc riêng, và để đánh giá cách làm việc đó tốt hay xấu, đúng hay sai thì tốt nhất hãy nhìn vào kết quả. Trên thực tế, chúng ta cũng thấy rằng với tình hình một nước Nga rất ‘xập xệ’ dưới thời Yeltsin, chỉ qua 2 nhiệm kì, Putin đã vực nước Nga dậy, và Medvedev đã được kế thừa di sản rất lớn mà Putin để lại. 

Cho nên, dù có một số người phê phán Putin chuyên quyền, độc đoán, thì cái người dân Nga cần nhất là kết quả, là công ăn việc làm, cơm ăn áo mặc, là chỗ ở, ông đã làm được rồi, và có lẽ hầu hết cử tri cũng chỉ quan tâm điều đó. 

Là một người cũng rất hiểu nước Nga, theo ông, những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri Nga? 

- Thực ra thì người dân ở đâu cũng như nhau, nhưng văn hóa bầu cử ở mỗi nơi mỗi khác. Văn hóa bầu cử ở Nga, qua rất nhiều thời gian, người ta thường chỉ đặt cược vào một người, ít có những chiến dịch đối chọi rầm rộ giữa 2 ứng viên. 

Nhìn vào những hoạt động bầu cử, tranh cử gần đây, ví như ở nhiệm kì 2 của Yeltsin, người Nga đã phải mời đến 2 chuyên gia từ Mỹ sang hỗ trợ, dường như họ đang muốn học tập mô hình bầu cử Mỹ. Nếu có sự học theo như vậy, thì thực sự rất khập khiễng, vì văn hóa của người Nga hoàn toàn khác. 

Ở Nga, họ không quen với những hình ảnh đối lập, không quen với những sự lựa chọn phức tạp. Nhưng cử tri Mỹ thì khác. Bầu cử ở Mỹ là cả một nghệ thuật, mà trong đó ứng viên có thể đưa ra những kế hoạch, những chương trình hành động rất hấp dẫn để tranh cử, cho dù sau khi đắc cử họ không thể thực hiện được, và điều đó lại được cử tri Mỹ chấp nhận.

Tôi không muốn nói bầu cử ở Nga thực chất hơn ở  Mỹ, mà chỉ muốn khẳng định, văn hóa bầu cử ở 2 nơi là khác nhau.

Câu hỏi cuối, theo dự đoán của ông, bao nhiêu phần trăm khả năng là Putin sẽ chiến thắng ngay ở vòng 1?

- Cá nhân tôi cho rằng 99% là ông Putin sẽ chiến thắng ngay ở vòng 1. Bởi vì, không ủng hộ Putin thì ủng hộ ai đây?

Và nếu như xác suất có rơi vào 1% còn lại, nghĩa là phải chuyển sang vòng 2, thì từ góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng đó cũng không phải lỗi của ông Putin hay lỗi của những người ủng hộ ông, càng không nói lên uy tín của ông Putin suy giảm, mà chỉ vì… cử tri đi bầu ít, dẫn tới không đủ số phiếu hợp lệ để qua luôn vòng 1. 

Xin cảm ơn ông!

Theo bạn, nếu ông Putin thắng knockout ngay ở vòng 1:Xem kết quả


Đông Linh (thực hiện)
Ảnh:
Đỗ Hường


Bình luận
vtcnews.vn