Cuộc họp tháng 11 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan không mang lại sự tiến triển nào trong việc giải quyết vấn đề xung quanh thỏa thuận mua S-400 của Ankara. Theo ông Omar Lamrani, nhà phân tích quân sự cấp cao tại Stratfor, một trung tâm nghiên cứu và tình báo tư nhân, việc mua lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga tạo ra những thay đổi lớn trong NATO.
Khi mua vũ khí từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đang “làm tổn hại đến khả năng tương tác cần thiết để làm việc với các nước thành viên NATO khác” - chuyên gia khẳng định. Thổ Nhĩ Kỳ không cần rời khỏi NATO mới có thể làm suy yếu Liên minh. Chỉ cần thiếu đi sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO cũng có thể bị suy yếu tại khu vực quan trọng chiến lược.
Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là lực lượng quân sự lớn thứ hai của tổ chức quân sự này, sau Mỹ. Quốc gia này là cầu nối giữa Liên minh với khu vực Đông Địa Trung Hải và Biển Đen.
“Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các eo biển Bosphorus và Dardanelles. Quốc gia này là chốt chặn tại lối vào và lối ra từ Biển Đen... Trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã giúp kiềm chế Nga tránh càng xa các vùng dầu mỏ quan trọng ở Trung Đông càng tốt” - tờ Business Insider dẫn lời ông Lamrani.
Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hạm đội lớn nhất tại Biển Đen. Nó thậm chí còn lớn hơn cả của Nga. Điều này mang lại cho NATO những cơ hội quan trọng trong khu vực. Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn quá quan trọng đối với NATO, bởi quốc gia này có các khả năng mà đồng minh khác không có.
Là một quốc gia được bao bọc bởi Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ không bị ràng buộc bởi Công ước Montreux, mà trong đó giới hạn số lượng và kích cỡ tàu của các quốc gia thuộc khu vực Biển Đen có thể xâm nhập vào vùng biển này. Ngoài ra, Công ước còn giới hạn về thời gian lưu trú của các tàu này.
“Nếu NATO không thể đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào vị trí đối đầu với Nga, điều đó có nghĩa là Liên minh đã mất đi người đồng minh hàng hải quan trọng nhất ở Biển Đen” - chuyên gia Lamrani kết luận.
Bình luận