• Zalo

Chuyên gia hiến kế di dời du thuyền 'ma' nằm phơi trên Hồ Tây

Kinh tếThứ Năm, 13/06/2019 17:49:00 +07:00Google News

Các chuyên gia cho rằng, cần di dời những du thuyền, nhà hàng nổi ra khỏi hồ Tây nhưng cũng phải có cơ chế xử lý để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp.

Sự việc nhiều du thuyền, nhà hàng nổi ngừng hoạt động, có nguy cơ trở thành sắt vụn trên Hồ Tây, Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội và chuyên gia môi trường.

Bà Bùi Thị An – nguyên ĐBQH khóa XIII, đoàn ĐBQH Hà Nội nhấn mạnh, cần sớm trả lại không gian cho Hồ Tây.

"Việc UBND quận Tây Hồ quyết liệt vào cuộc, bắt dừng hoạt động của các du thuyền, nhà hàng nổi trên Hồ Tây cách đây hơn 2 năm là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, họ cần đưa ra giải pháp mới, tạo cơ chế hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp. Không thể để các khối tài sản có giá trị hàng tỉ đồng bị thất thoát như thế được’, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho biết.

Cũng theo bà An, TP Hà Nội cần xem xét, định hướng để bảo vệ tài sản cho các doanh nghiệp. "Cần tạo điều kiện cho các chủ du thuyền, nhà hàng tiếp tục hoạt động kinh doanh. Nếu không tiếp tục hoạt động trên Hồ Tây thì phải có địa điểm mới để di chuyển và tái sử dụng đối với các tài sản này", bà An khẳng định.

Bàn về vấn đề xử lý du thuyền, nhà hàng nổi tại Hồ Tây, Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đặt ra câu hỏi về việc "những du thuyền, nhà hàng này đã được cấp phép từ trước đó hay chưa?".

DSC02441

 Hình ảnh nhà hàng nổi như đống sắt vụn sau gần 3 năm nằm mòn mỏi trên Hồ Tây. (Ảnh: Bích Đào)

Theo ông Võ, việc có cấp phép hay không đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ là căn cứ để xử lý tình trạng hiện nay. Nếu các cơ quan chức năng đã tiến hành cấp phép trước đó, đến khi buộc họ phải dừng hoạt động và dời đi thì phải có trách nhiệm, thậm chí tính đến việc bồi thường vì làm tổn hại đến việc kinh doanh của họ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để xử lý đối với tài sản hiện nay của doanh nghiệp.

"Ngược lại, trong trường hợp các doanh nghiệp chưa từng được cấp phép thì họ phải tự ra đi và chịu toàn bộ chi phí cho việc di dời", GS Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường ví Hồ Tây như lá phổi xanh của Hà Nội.

"Hà Nội có thể để một chỗ nào đó ô nhiễm nhưng nhất định không thể là Hồ Tây. Điều này còn liên quan đến phong thủy đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Hiện nay, giải pháp giữ gìn Hồ Tây bao gồm hai vấn đề: cấm kinh doanh du thuyền, nhà hàng nổi và cấm xả nước thải sinh hoạt từ các hộ dân xung quanh. Hồ Tây là một địa chỉ du lịch nhưng không nên bất chấp tất cả để phát triển", ông Võ nói.

DSC02442

 Việc chậm di dời các nhà hàng nổi, du thuyền khiến Hồ Tây tiếp tục bị ô nhiễm và mất vẻ mỹ quan.

"Lệnh" di dời, tháo dỡ các cơ sở kinh doanh du thuyền, nhà hàng nổi trên Hồ Tây được UBND quận Tây Hồ đưa ra từ ngày 16/2/2017.

Văn bản yêu cầu các doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây. Đồng thời di dời các phương tiện tàu, thuyền, phương tiện nổi về vị trí tập kết tại Đầm Bảy, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ xong trước ngày 25/2/2017.

Văn bản cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện thủy nội địa ra khỏi Hồ Tây trước ngày 10/3/2017.

Các du thuyền, nhà hàng nổi sau đó được di dời về khu vực Đầm Bảy, Hồ Tây, Hà Nội. Từ đó đến nay, chúng nằm im, mòn mỏi chờ đợi các giải pháp tiếp theo từ các cơ quan chức năng. Chủ trương cấm hoạt động kinh doanh đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đối diện với nguy cơ phá sản. 

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn