Phát biểu tại “Hội nghị bàn về quy chế dân chủ cơ sở gắn với tự chủ trong các cơ sở giáo dục", TS Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội tâm lý, giáo dục Hà Nội) cho biết, muốn các trường học dân chủ, trước hết các trường phải được tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường.
Ông Lâm chia sẻ: “Thực tế hiện nay, do quản lý mạnh nên các cơ sở giáo dục chưa phát huy hết được dân chủ và sáng tạo. Vậy nên, cần đề cao vai trò của người đứng đầu và các đoàn thể, vì đây là yếu tố quyết định đến chất lượng dân chủ trong nhà trường.
Đồng thời, phải tăng cường phát huy vai trò giám sát của cộng đồng. Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục phải đổi mới theo hướng hạn chế sự áp đặt và các thầy cô giáo đối với học sinh. Hơn nữa, cần đánh giá việc thực hiện dân chủ một cách dân chủ và khách quan thông qua một cơ quan độc lập”.
Ông Phạm Quang Tấn (Hiệu trưởng trường Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng muốn xây dựng được cơ chế dân chủ thực sự trong các nhà trường, yêu cầu trước tiên là phải tạo ra được không khí dân chủ và môi trường văn hóa dân chủ thực sự. Có như thế, cán bộ, giáo viên mới giám góp ý và người lãnh đạo mới tiếp nhận được những ý kiến tích cực hay tiêu cực.
Cũng đồng quan điểm trên, đại diện trường Đại học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Để có dân chủ thực sự trong nhà trường, cần nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ với sự tham gia của nhiều đối tượng. Các đối tượng đó gồm: Nhà trường, công nhân viên và cả phụ huynh, học sinh chứ không thể chỉ là câu chuyện của mỗi ông hiệu trưởng”.
Bình luận