Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng, cuộc bầu cử sắp tới sẽ chứng kiến “sự gian lận lớn nhất trong lịch sử chính trị”. Ở một khía cạnh nào đó, có thể ông Trump nói đúng. Tuy nhiên, sự gian lận lại không liên quan đến những gì ông Trump và các đồng minh của ông tuyên bố khi nước Mỹ dự kiến sẽ ghi nhận con số kỷ lục các cử tri bỏ phiếu qua thư do đại dịch COVID-19: sự gian lận, giả mạo phiếu bầu và các vấn đề gian dối khác.
Các chuyên gia bầu cử nói rằng, các trường hợp gian lận bỏ phiếu qua thư và gian lận bầu cử nói chung, là cực kỳ hiếm ở Mỹ. Các nỗ lực tìm cách gian lận phiếu bầu qua thư trước đây đều tương đối nhỏ, chỉ ở các cuộc bầu cử địa phương và cũng thường thất bại do không qua được các biện pháp bảo vệ nhằm ngăn chặn và phát hiện gian lận.
Tuần trước, các quan chức tình báo cũng đưa ra tuyên bố trái ngược với Tổng thống Trump, nói rằng họ không có bằng chứng nào cho thấy Nga hay các nước khác đang tìm cách sản xuất lá phiếu giả hay nói cách khác là tìm cách tác động tới việc bỏ phiếu qua thư trong cuộc bầu cử Mỹ.
Những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm
Ông Trump phản đối việc bỏ phiếu qua thư và cho rằng điều này có lợi cho đảng Dân chủ. Suốt tháng 8, khi đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 6 triệu người mắc bệnh trong đó hơn 184.000 người tử vong tại Mỹ, ông Trump vẫn không ủng hộ ý tưởng được các quan chức bầu cử nêu ra rằng, bỏ phiếu qua thư sẽ giúp bảo vệ cử tri và các nhân viên bầu cử khỏi phơi nhiễm COVID-19.
Các quan chức bầu cử và các nhà phân tích nói với CNN rằng, họ nhận thấy có mối đe dọa lớn đối với cuộc bầu cử từ chính các thông tin sai lệch của Tổng thống ông Trump về việc bỏ phiếu qua thư.
Hôm 2/9, ông Trump nói rằng cử tri ở Bắc Carolina nên bỏ phiếu "2 lần", một lần qua đường bưu điện và sau đó trực tiếp tới kiểm tra lại hệ thống bỏ phiếu.
Người Mỹ chỉ được phép bỏ phiếu một lần duy nhất trong một cuộc bầu cử. Người đứng đầu cơ quan tư pháp Bắc Carolina nói rằng những gì Trump đang đề xuất sẽ “vi phạm pháp luật”.
CNN cũng nêu ra một số ví dụ mà cáo buộc gian lận qua thư mà Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông đã từng nói đến là sai lầm hoặc gây hiểu lầm:
- Los Angeles, California, tháng 2/2020 – Tổng thống Trump nói rằng: “Họ đã tìm thấy 1 triệu lá phiếu gian dối” ở Los Angeles.
Tuy nhiên sự việc trên thực tế là sau một vụ kiện, hạt Los Angeles đã đồng ý thông báo cho 1,5 triệu cử tri vắng mặt rằng họ có thể bị gạt khỏi hệ thống bỏ phiếu nếu họ không phản hồi hoặc bỏ phiếu trong 2 cuộc bầu cử liên bang tiếp theo. Không có bằng chứng nào cho thấy có sự gian lận lá phiếu liên quan đến các cử tri vắng mặt này cả, trong đó bao gồm những người có thể đã chuyển đi hoặc đã qua đời.
- Khu vực bầu cử thứ 12 ở New York, bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, tháng 6/2020. Vào tháng 8, ông Trump nói về cuộc bầu cử sơ bộ này rằng: “Tôi nghĩ các anh phải làm lại cuộc đua đó, bởi vì nó là một mớ hỗn độn. Không ai biết điều gì đang xảy ra với những lá phiếu, những lá phiếu bị mất và những lá phiếu gian lận, Tôi đoán thế”.
Một phần do số lượng phiếu bầu gửi qua thư khá cao, cuộc bỏ phiếu mất tới 6 tuần để kiểm phiếu; nhưng các quan chức bầu cử và các ứng cử viên cho biết không có bằng chứng về bất kỳ gian lận nào.
- Paterson, New Jersey, cuộc bầu cử hội đồng thành phố, tháng 5/2020 - Ông Trump và một số nhân vật thân cận cho rằng 3.190 lá phiếu bầu qua thư (tương đương 19% số phiếu bầu) đã bị Hội đồng bầu cử Quận Passaic từ chối và bị coi là “gian lận”.
Tuy nhiên luật sư Scott Salmon, người đại diện cho thành viên hội đồng lâm thời của thành phố nói rằng, phần lớn trong số 3.190 lá phiếu bị hủy bỏ vì các lý do không liên quan đến gian lận, như không ghi thời gian. Theo ông này, khoảng 900 lá phiếu (khoảng 5% tổng số phiếu bị hủy bỏ) có khả năng bị gian lận.
Ở một cuộc bầu cử địa phương, một số lượng nhỏ phiếu bầu gian lận cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả. “Sẽ không thực tế khi làm điều đó với quy mô của một cuộc bầu cử tổng thống. Và thẳng thắn mà nói, bạn gần như chắc chắn sẽ bị phát hiện” như trong trường hợp ở Paterson.
Gian lận bỏ phiếu qua thư là cực hiếm gặp ở Mỹ
“Tổng thống nói rằng bỏ phiếu qua thư sẽ có nhiều gian lận, đó là điều không đáng tin cậy. Không có bằng chứng nào về điều này. Không có bằng chứng nào cho thấy các bang bỏ phiếu qua thư có tỷ lệ gian lận phiếu bầu cao hơn. Trên thực tế, gian lận phiếu bầu là rất hiếm gặp ở tất cả các tiểu bang ở Mỹ”, Rick Hasen, một học giả về luật bầu cử cho biết.
Khi tiến hành nghiên cứu về các trường hợp gian lận phiếu bầu trên khắp nước Mỹ từ những năm 1970, Tổ chức Di sản (thuộc Viện Brookings) đã đưa ra tỷ lệ chưa đến 1 trên 740.000 phiếu bầu - tức khoảng 0.0001%. Còn ở Oregon, nơi chuyển sang bỏ phiếu qua đường bưu điện vào năm 1998, trong hơn 20 năm qua, tỷ lệ này là chưa đến 1 trên 1 triệu phiếu bầu.
Ông Trump cũng từng đưa ra tuyên bố tương tự về gian lận bầu cử năm 2016. Khi các cuộc thăm dò cho thấy cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton dẫn đầu, ông Trump liên tục nói rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận. Ngay cả sau khi giành chiến thắng, ông vẫn tuyên bố rằng ông đã thắng cả số phiếu phổ thông, và rằng 3 triệu người nhập cư không có giấy tờ đã bỏ phiếu cho bà Clinton - một cáo buộc mà ban tranh cử của ông không hề đưa ra được bằng chứng nào.
Trong chiến dịch tái tranh cử của mình, hồi tháng 6 vừa qua đội ngũ vận động của ông Trump đã kiện bang Pennsylvania để ngăn chặn việc sử dụng thùng phiếu (thu phiếu của những người muốn bỏ phiếu qua thư) vì cho rằng có gian lận. Nhưng khi Thẩm phán tòa án quận liên bang J. Nicholas Ranjan ngày 13/8 yêu cầu ban chiến dịch tranh cử của ông Trump và Đảng Cộng hòa đưa ra bằng chứng về sự gian lận đó, họ đã không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Charles Stewart III, một Giáo sư về khoa học chính trị và là nhà nghiên cứu bầu cử tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng các thùng phiếu là giải pháp tốt nhất ở các bang miền Tây từ lâu vốn thường xuyên bỏ phiếu qua thư.
"Nó loại bỏ các vấn đề liên quan tới dịch vụ bưu chính (như đến muộn hoặc thất lạc) hay khả năng bị trả lại lá phiếu. Điều này khiến cử tri cảm thấy yên tâm hơn khi thấy lá phiếu (vắng mặt) của họ đã được nhận”, ông Stewart nói.
Ở Nevada, ban chiến dịch của ông Trump cũng đang tìm cách ngăn chặn một đạo luật được ký vào tháng 8, theo đó kêu gọi các quan chức bầu cử gửi phiếu bầu vắng mặt cho tất cả mọi cử tri đã đăng ký trong tiểu bang.
Hôm 4/8, ông Trump đã đăng tải trên Twitter rằng “Nevada đã khiến đảng Cộng hòa không thể giành được bang này. Bưu điện không bao giờ có thể xử lý kịp khối lượng lớn lá phiếu gửi qua thư mà không có sự chuẩn bị. Dùng Covid-19 để 'đánh cắp' bang này. Hẹn gặp lại tại Tòa án”.
Jason Frierson, tác giả của luật mới và là Chủ tịch nghị viện bang Nevada, khẳng định: “Luật mới không tước bỏ quyền bỏ phiếu trực tiếp của bất cứ ai. Người dân không nên đặt tính mạng của mình vào rủi ro, khi chúng ta đã có bài học ở các bang khác về việc bỏ phiếu qua thư cũng như các lựa chọn khác đã có hiệu quả từ nhiều năm qua”.
Kết quả sẽ không có ngay trong Ngày Bầu cử
9 bang và quận Columbia sẽ áp dụng bỏ phiếu qua thư trên diện rộng cho cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Nước Mỹ dự kiến sẽ ghi nhận con số kỷ lục các cử tri bỏ phiếu qua thư. Một số bang sẽ không bắt đầu kiểm phiếu cho đến sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Vì lý do này cùng các lý do khác, có khả năng kết quả ở nhiều nơi, trong đó có cả các bang chiến địa sẽ bị chậm lại.
Myrna Perez, Giám đốc Trung tâm Brennan về chương trình bầu cử và quyền bỏ phiếu cho rằng, để đảm bảo kết quả bầu cử minh bạch và đáng tin cậy, việc kiểm phiếu không thể tiến hành một cách vội vàng.
“Người dân Mỹ và cả giới báo chí cần phải chuẩn bị tinh thần rằng chúng ta sẽ không biết ai là người chiến thắng ngay trong ngày bầu cử”, bà Perez nói.
Bình luận