(VTC News) – Sở dĩ người Việt từ già tới trẻ, từ nông dân chân lấm tay bùn đến trí thức cao cấp… như con thiêu thân vào “vũng bùn” của đa cấp đều bắt nguồn từ lòng tham và cả sự suy đồi của đạo đức, sự xuống cấp của xã hội đã “đẻ” ra những con người chỉ thích “ăn không ngồi rồi”.
Đa cấp “đánh” vào gốc sâu sa của con người - lòng tham
Còn nhớ vào năm 2011, công ty đa cấp đầu tiên sụp đổ ở Việt Nam – công ty TNHH Agle khiến “thế giới ngầm” kinh doanh đa cấp lung lay. Hàng nghìn thành viên của công ty này bỗng dưng rơi vào cảnh trắng tay.
Không dừng lại ở đó, năm 2015, công ty Focus Việt Nam bị cơ quan Quản lý thị trường phạt tiền 80 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh đa cấp “ma”. Mới đây, nhiều công ty đa cấp cũng bị Bộ Công thương “tuýt còi”. Đặc biệt, vụ công ty Liên Kết Việt lừa 60.000 người dân Việt với tổng thiệt hại lên tới 1.900 tỷ đồng khiến nhiều “con nghiện” kinh doanh đa cấp giật mình, run rẩy sợ hãi.
Nhưng những bài học nhãn tiền đó dường như chưa giúp nhiều người dân Việt tỉnh ngộ. Không ít người vẫn lao vào vòng xoáy “tiền – tiền – tiền” theo kiểu kinh doanh đa cấp “ảo” để rồi sau đó ngập trong nợ nần, lao đao khi không thể rút được chân ra.'Bầy đàn' bán hàng đa cấp: 'Yêu' như thời nguyên thủy
Sức tàn phá, “càn quét” của các công ty giả danh đa cấp khủng khiếp tới mức TSKH Đoàn Hương từng phải thốt lên: “Tôi phải gọi đó là cơn bão đa cấp”.
Hàng trăm nghìn người dân Việt, trong đó, không chỉ có những người nông dân “chân lấm tay bùn” mà còn có cả những người học thức cao từ doanh nhân, bác sỹ, quan chức về hưu cho tới các giáo sư, tiến sỹ cũng bị dụ dỗ, bị u mê, mụ mị, lao vào đa cấp như “con thiêu thân”.
Lý giải cho nguyên nhân của sự cám dỗ này, Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Quý, Giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội cho rằng những người bán hàng đa cấp luôn đánh thẳng vào lòng “tham, sân, si” của con người, nhắm trúng vào tâm lý của người dân Việt bởi những người nghèo thì muốn có tiền còn những người giàu thì lại muốn giàu thêm nữa. Đa cấp lừa được nhiều người Việt vì luôn đánh trúng vào lòng tham của con người. Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Quý, Giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội
“Anh nào tham mà không biết thức tỉnh thì sẽ bị mê hoặc, lôi cuốn vào vì đồng tiền quá hấp dẫn, anh không mất gì cả mà lại được lãi nhiều. Nếu con người tỉnh táo, có nhận thức thì sẽ thấy ngay: Trong xã hội văn minh, phát triển không thể nào có chuyện lãi cao một cách vô lý như vậy!” – TS. Quý nói.
Theo TS. Quý lòng tham và sự kém hiểu biết đã khiến nhiều người dân rơi vào vũng lầy của đa cấp lừa.
“Đa cấp quá kinh khủng! Họ sẵn sàng đổ tiền của ra để đầu tư, mời mọc mình đến, chọn người hoạt ngôn, rất lễ phép, săn đón mình từ bãi đỗ xe, từ ngoài đường vào, rồi đến nhà làm quen và được đào tạo bài bản.
Những người thật thà, dễ tin, họ sẽ tiếp cận theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, mỗi ngày tác động một ít. Ban đầu là mời tới dự các buổi giới thiệu tại trung tâm, mời đi du lịch, đi ăn uống, cho khách mời hưởng thụ.
Họ cố tạo ra một hình ảnh ảo, giới thiệu những nhân vật “người thật, việc thật” đã thành công, giàu có nhằm tạo lòng tin cho đối phương, khơi gợi, kích thích lòng tham” - TS Quý bóc mẽ một trong những “chiêu lừa” thường sử dụng của đa cấp.
Vị chuyên gia tâm lý này giải thích: Các công ty đa cấp cứ dần dần, lôi cuốn, thuyết phục đối phương từng chút một, bằng những lời lẽ ngon ngọt như: “Bác đến với cháu một tý hay “bác cứ qua tham dự thử một buổi rồi bác không tham gia cũng không sao”, hoặc mời khách đi uống nước, cà phê, tiếp bánh ngọt lịch sự, thậm chí, biếu tặng – cho không một số mặt hàng.
Những người bị mời mọc sẽ dễ bị lóa mắt, sập bẫy vào các tổ chức lừa đảo và dễ bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền rồi tự tặc lưỡi “cứ hi vọng là mình không bị lừa”. Thêm nữa, một “chiêu” mà đa cấp hay sử dụng đó là: dùng người quen để kêu gọi người quen, nói đúng hơn là khi lôi kéo thêm người vào tổ chức, thu nhập của họ sẽ cao hơn nên các “chân rết” tìm mọi cách mua chuộc người khác.
Đồng tình với quan điểm của TS Tâm lý Kim Quý, TSKH Đoàn Hương cho rằng: Sở dĩ 60.000 người dân Việt dễ dàng “ngã” vào “vũng bùn” của đa cấp lừa Liên Kết Việt, ngoài lòng tham còn bởi vì dân ta thiếu hiểu biết.
60.000 người dân Việt dễ dàng “ngã” vào “vũng bùn” của đa cấp lừa Liên Kết Việt, ngoài lòng tham còn bởi vì dân ta thiếu hiểu biết. |
Bà Đoàn Hương giải thích: Ở nước ngoài, trong chương trình phổ thông, môn học kinh tế luôn dạy rằng: Trong kinh doanh, người tham gia phải dựa vào lãi suất ngân hàng của nước ấy để đo lường, tính toán. Như một số nước Châu Âu quy định lãi suất ngân hàng là 5,5% thì trong quá trình đầu tư, chỉ cần lãi thêm được 0,5% đã là tốt.
Chính vì xã hội không cung cấp một cách đầy đủ thông tin cho người dân biết nên họ dễ bị mắc lừa khi có người dụ dỗ, đưa ra mức lãi “khủng” lên tới mấy chục %. Vì cả tin, vì thiếu kiến thức nên những người dân Việt cứ thấy có “tiền nhiều, làm giàu nhanh” là họ lao vào.
Khi nào đa cấp biến tướng hết hoành hành tại Việt Nam?
Bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh hiện đại được áp dụng thành công ở một số nước trên thế giới, Malaysia hiện có hơn 1.000 công ty kinh doanh đa cấp, Thái Lan có hơn 500 công ty, Đài Loan (Trung Quốc) có hơn 700 công ty.
Tại Việt Nam, khi đa cấp du nhập, một số công ty đã biến tướng từ hoạt động kinh doanh đa cấp thành tổ chức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia làm thành viên. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nước ta chỉ cấp hơn 100 giấy phép kinh doanh đa cấp cho các doanh nghiệp. Thậm chí, sau khi Bộ Công Thương sàng lọc thì đến nay có chính xác 65 công ty kinh doanh đa cấp hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy, chỉ 65 công ty đa cấp “chính danh” còn lại đều là các doanh nghiệp làm ăn “bất chính”. Con số 65 khá khiêm tốn này đã chứng minh cho số lượng các công ty “núp bóng đa cấp” và hoạt động biến tướng một cách tinh vi hiện nay tại Việt Nam đang quá nhiều. Nó khiến cho hàng triệu người dân Việt rơi vào cảnh điêu đứng.
Khi nhắc tới thực trạng biến tướng hiện nay của mạng lưới kinh doanh “thế giới ngầm” đa cấp, Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã bày tỏ với PV VTC News rằng: Ông rất đau lòng trước sự hoạt động kém hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, “họ đứng ở đâu mà để dân mình bị lừa như thế!”.
Đặc biệt, Cựu quan chức Quốc hội này rất thương những người nghèo, kể cả những người tàn tật cũng bị “dụ” mỗi người đóng khoảng 2 triệu đồng cho một chương trình từ thiện, nhưng sau đó hỏi ra thì số tiền này đóng vào là bị mất.
Một lễ công nhận danh hiệu của công ty đa cấp tại Hà Nội |
“Tôi nhớ trước đây có một trùm bán hàng kinh doanh đa cấp đã lừa cả thế giới hàng tỷ đô la. Tham lam là bản năng của con người, ai cũng muốn hưởng thụ, nhưng đó là bản năng xấu. Nếu nền giáo dục lành mạnh thì bản năng đó sẽ bị dập lụi, ngược lại, nếu không có giáo dục tốt, bản năng đó lại trỗi dậy” – ông Thuận nói.
Theo ông Thuận, sự suy đồi của đạo đức, sự xuống cấp của xã hội đã “đẻ” ra những con người chỉ thích “ăn không ngồi rồi”. Họ không chịu lao động chính đáng bằng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, họ tìm mọi cách để giàu lên nhanh chóng, thậm chí, mong muốn không làm gì mà vẫn được hưởng lợi.
“Người ta đi ra ngoài đường thấy nhiều người giàu lên một cách không bình thường, họ cũng mơ giàu có, họ dễ dàng cả tin và dễ bị lừa, từ đó dẫn tới con đường tội phạm, tranh thủ làm giàu bằng mọi giá. Đó là dấu hiệu sự xuống cấp của xã hội một cách trầm trọng” – ông Thuận nhấn mạnh.
Cựu quan chức Quốc hội này cũng thẳng thắn bày tỏ sự phản đối kịch liệt đối với mô hình kinh doanh đa cấp bất chính, ông gọi đó là một dạng mafia.
“Bao giờ dạng mafia này mới hết hoành hành? Tôi nghĩ, chỉ khi quản lý nhà nước, hoạt động của các đoàn thể có hiệu quả. Các cơ quan chức năng liên quan phải là những người đầu tiên cảnh báo cho người dân biết đâu là hoạt động lừa đảo. Hoạt động nhà nước phải chủ động hơn, đừng chạy theo công luận” – ông Thuận bày tỏ.
Video: Chuyên gia đa cấp lòi đuôi dối trá trên sóng truyền hìnhNgay cả như trong vụ Liên Kết Việt, khi báo chí phanh phui sự thật về hành vi lừa đảo của công ty này, Bộ Công thương mới tiết lộ rằng: Trong quá khứ, Bộ đã từng phạt hành chính công ty này, tuy nhiên, điều đáng nói là thông tin phạt này lại không được truyền thông rộng rãi để người dân cảnh giác.
Trong khi đó, lẽ ra Nhà nước cần mạnh tay truy bắt, khởi tố những tổ chức kinh doanh hàng đa cấp theo hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
“Ở Việt Nam vẫn có kiểu phạt nhưng vẫn để cho tồn tại, đây là cách hợp thức hóa cho tội phạm chứ không phải ngăn chặn hay từ bỏ, phải tuyên cho đa cấp biến tướng một cái “án tử hình” thay vì nhắc nhở, vỗ vai” – ông Thuận chia sẻ.
LS Út nói: "Lực lượng thành viên kinh doanh đa cấp hùng hậu thế mà họ không lộng hành thì mới là lạ!" |
Trao đổi với PV VTC News, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp HCM) – người đã từng làm việc ở vị trí thẩm phán nhiều năm năm tại Tp HCM cũng nêu quan điểm: Sở dĩ đa cấp biến tướng vẫn tồn tại và lộng hành tại Việt Nam, thứ nhất là bởi các quy định pháp luật về loại hình kinh doanh đa cấp của nhà nước ta vẫn còn không ít kẽ hở, sự quản lý nhà nước ở một số địa phương còn buông lỏng, trong khi đó, các hình thức tuyên truyền pháp luật về loại hình kinh doanh đa cấp của nhà nước còn chưa mạnh mẽ, phổ biến để phòng ngừa rủi ro sập bẫy lừa đảo của người dân.
Và trên hết, việc mong muốn đổi đời, muốn mau giàu thì rất nhiều người dân đều có sẵn trong tâm thức nên khi nghe lời chiêu dụ hào nhoáng là dễ dàng lao theo. Việc mong muốn đổi đời, muốn mau giàu thì rất nhiều người dân đều có sẵn trong tâm thức nên khi nghe lời chiêu dụ hào nhoáng là dễ dàng lao theo. Luật sư Phạm Công Út
Vì thế, LS Út nói: “Tôi không ngạc nhiên khi con số thống kê mà Bộ Công thương đưa ra là: Mạng lưới kinh doanh đa cấp ở Việt Nam hiện nay đã lên đến 1 triệu/90 triệu dân.
Điều đó có nghĩa là ve vãn bên cạnh 90 người, bao gồm trẻ sơ sinh và cụ già, người bệnh nằm liệt gường thì có một người đang mơ ước làm giàu bằng con đường kinh doanh đa cấp, luôn luôn chiêu dụ chúng ta đầu tư tiền vào túi họ mà không hy vọng sẽ có ngày quay lại đồng vốn của mình. Chính vì lực lượng thành viên kinh doanh đa cấp hùng hậu thế mà họ không lộng hành thì mới là lạ”.
Bình luận