Đinh lăng còn gọi là cây gỏi cá. Lá đinh lăng thường dùng để ăn gỏi cá như một loại rau, nhiều phụ huynh phơi khô lá để độn gối cho trẻ nhỏ. Rể hay củ đinh lăng được dùng làm thuốc vì thuộc họ hàng với củ nhân sâm. Trong bài viết này, Nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội sẽ chỉ ra những tác hại và lợi ích của lá, rễ đinh lăng.
Tổng quan về cây đinh lăng
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, đinh lăng nguồn gốc ở quần đảo Polynêdi, nay được trồng ở nước ta, Lào, Campuchia và ở các vùng nhiệt đới của cựu lục địa. Cây được trồng trong vườn gia đình và ở cả đình chùa, có khi trồng làm hàng rào.
Cây có lá kép, mọc so le, lá 3 lần xẻ lông chim, mép khía răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành tán. Quả dẹt, lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng. Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, là loại cây nhỏ thường được trồng làm cây cảnh trước nhà.
Cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.
Trong củ đinh lăng chứa 0,3% glucozit, alcaloit, saponin, tanin, 13 loại axit amin và vitamin B1. Đinh lăng có một số hoạt chất mang tính năng gần giống như nhân sâm.
Bộ phận dùng:
- Các lá non thường được dùng ăn gỏi cá, gói với nem, làm gia vị ăn với thịt.
- Củ, thân, lá khô dùng làm thuốc.
Tính vị:
- Lá đinh lăng: Bùi, đắng, thơm, hơi mát.
- Rễ củ đinh lăng: ngọt, nhạt, hơi đắng, tính ấm. Khi bào chế nên rút bỏ lõi.
Tác dụng:
- Lá đinh lăng: Lương huyết, giải độc, chống tanh hôi, lợi niệu, tiêu mẩn ngứa.
- Rễ củ đinh lăng: Bổ đắng, thông huyết mạch, tiêu sưng viêm, giảm đau.
Chủ trị:
- Lá đinh lăng: Chữa dị ứng, ho ra máu, kiết lỵ.
- Rễ củ đinh lăng: Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, yếu sức
Lợi ích của lá, rễ cây đinh lăng
Cây đinh lăng lá nhỏ được coi là "cây sâm của người nghèo" bởi tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của nó. Lá của cây đinh lăng thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ và làm thuốc tăng lực, chữa chứng suy nhược cơ thể.
Rễ đinh lăng vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, dẻo dai, tăng cường sức chịu đựng. Trong y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dùng rễ đinh lăng sao vàng, hạ thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.
Trong rễ đinh lăng chứa saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1, ngoài ra rễ còn chứa 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhờ đó đinh lăng còn giúp tăng trí nhớ, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Lợi ích nổi bật của lá và rễ đinh lăng
Chữa lành vết thương: Với những vết thương ngoài da bị chảy máu, chỉ cần giã nát một ít lá đinh lăng đã rửa sạch rồi đắp lên vết thương. Lá đinh lăng sẽ nhanh chóng cầm máu và giúp vết thương mau lành.
Lợi sữa: Trong những đồ uống giúp sản phụ gọi sữa về, không thể không nhắc đến lá đinh lăng. Chỉ cần rửa sạch một nắm lá đinh lăng rồi cho vào đun sôi, sau đó chắt lấy nước và uống khi nước còn ấm, nếu nước bị nguội nên hâm lại cho nóng để phát huy công dụng, chú ý tránh uống nước đã bị lạnh. Ngoài ra cũng có thể phơi khô lá đinh lăng rồi sao vàng, sau đó hãm như nước chè để uống hàng ngày.
Chữa chứng mồ hôi trộm: Trẻ nhỏ nếu thường xuyên ra nhiều mồ hôi ở đầu, dùng lá đinh lăng phơi khô rồi lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm. Sau một thời gian sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Chữa bệnh tiêu hóa: Lá cây đinh lăng đem sắc lấy nước uống dùng để chữa các bệnh tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy. Ở Malaysia, người ta thường sử dụng phương pháp chữa bệnh trĩ bằng nghiền lá cây đinh lăng thành bột mịn và vê thành thòi dài, xoa bóp trên trực tràng trước khi đi ngủ. Củ và cành đinh lăng được sử dụng để làm sạch nướu, răng và điều trị làm giảm viêm loét miệng.
Bệnh thận: Cây đinh lăng được xem là loại cây có tác dụng lợi tiểu và công dụng để điều trị bệnh thận, đặc biệt là sỏi thận. Phần lớn củ đinh lăng có nhiều lợi ích nhất. Những người mắc bệnh thận nên uống nước ép lá đinh lăng mỗi ngày giúp lọc thận hiệu quả.
Chữa sưng đau cơ khớp: Lấy khoảng 40g lá tươi giã nhuyễn, sau đó đắp trực tiếp lên chỗ sưng đau. Khi khô lại đắp lại, liên tục như vậy vết sưng đau sẽ dịu đi và mau lành.
Tác hại của cây đinh lăng nếu dùng sai cách
Theo Lương y Bùi Đức Sáng, do thành phần saponin nhiều trong rễ đinh lăng, chất này có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu, vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều đúng cách bào chế.
Không được dùng rễ đinh lăng với liều cao bởi sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy. Đặc biệt, khi sử dụng rễ đinh lăng phải dùng những cây từ 3 - 5 tuổi trở lên (tuy nhiên không nên dùng những cây quá già cỗi).
Khi bào chế một số rễ cây làm thuốc như rễ cây Dâu (Tang bạch bì), rễ cây Ba kích (Ba kích thiên)... bắt buộc phải bỏ lõi rễ (vì có tác dụng phụ không tốt, thậm trí gây thủng dạ dày). Với rễ cây đinh lăng cũng nên rút bỏ lõi, để đề phòng các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
Do ham “thẩm mỹ”, thích “khoa trương” nên nhiều người dùng toàn bộ bộ rễ cây đinh lăng (thường có khối lượng lõi chiếm tỷ trọng lớn) ngâm rượu cho “đẹp bình”. Họ coi đó như củ nhân sâm thực thụ (rất tiếc là các củ sâm thường không có lõi) để ngâm rượu “Đại bổ dưỡng” uống hàng ngày. Điều này nên cân nhắc kỹ và xem lại khâu bào chế cho đúng cách.
Bình luận