"Có một bài toán được đặt ra là ta có sử dụng mì ăn liền không, câu trả lời là có thể. Nó nhanh, đơn giản, đáp ứng được một bữa phụ, khẩu vị gắn liền với các VĐV", TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký, Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đặt vấn đề.
Mì ăn liền luôn nằm trong hành lý của các vận động viên Việt Nam mỗi khi ra nước ngoài tập luyện và thi đấu. Tuy nhiên, tính hiệu quả, lợi hại của món ăn dân dã này đối với sức khỏe, thể trạng của VĐV vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ. TS.BS Trương Hồng Sơn đưa ra câu trả lời về vấn đề này.
"Các vận động viên ăn nhiều mì ăn liền có hại không? Khoảng 10 năm nay, ngành sản xuất mì ăn liền rất tiến bộ. Dầu sử dụng cho mì ăn liền có chất béo dạng trans bằng không, tốt hơn nhiều so với đồ ăn ở nhà. Về khẩu phần và tính cân đối, trước đây mì ăn liền chủ yếu là bột thôi nhưng bây giờ lượng protein tương đương 30g thịt, có thêm vi khoáng nữa và đặc biệt là an toàn thực phẩm", Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam phân tích.
Dù vậy, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng mì ăn liền nên được sử dụng như một bữa phụ và cần được bổ sung bằng một số loại đồ ăn kèm khác để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng. TS. BS Trương Hồng Sơn cũng cho biết hiện nay trên thị trường đã có các loại mì ăn liền được bổ sung chất dinh dưỡng dành cho các vận động viên.
TS. BS Trương Hồng Sơn nói thêm: "Để hợp lý, nên sử dụng mì ăn liền cho bữa phụ và cố gắng thêm rau vào. Quan trọng là phải có vitamin và chất xơ. Mì ăn liền chịu trách nhiệm quá lớn trên vai vì người ta muốn nó trở thành bữa hoàn chỉnh. Mì kết hợp với rau, trứng có thể trở thành một món ăn chấp nhận được trong các đợt thi đấu".
TS. BS Trương Hồng Sơn là khách mời trong tọa đàm "Cân bằng dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao". Trong cuộc trò chuyện có sự góp mặt của HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam Mai Đức Chung và tuyển thủ Hoàng Thị Loan, TS. BS Trương Hồng Sơn đưa ra những tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho VĐV nói riêng và cộng đồng tập luyện thể thao ở Việt Nam nói chung.
Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, một người bình thường cần 1800 kcal mỗi ngày. Tuy nhiên, các VĐV tiêu thụ năng lượng lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là giai đoạn thi đấu và tập luyện. Có một nghiên cứu chỉ ra rằng một tay đua tham dự giải xe đạp Tour de France trung bình cần đến 12.000 kcal mỗi ngày.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho các VĐV không hề đơn giản, bởi cơ thể từng người lại có những đặc điểm riêng về cân nặng, độ tuổi. Ngoài ra, mỗi môn thể thao lại có đòi hỏi về thể chất khác nhau, có môn tập trung nhanh, cường độ cao trong thời gian ngắn nhưng có môn cần sức bền. Dù vậy, trong dinh dưỡng thể thao, các chuyên gia có những nguyên tắc chung.
"Lưu ý đầu tiên là phải duy trì chế độ ăn không bỏ bữa. Thông thường đối với VĐV chúng tôi đề nghị có 3 bữa chính, 2 bữa phụ. Bữa sáng cung cấp 20-25% năng lượng trong ngày, bữa trưa cao hơn, khoảng 30-35%. Thêm bữa chiều và có 2 bữa phụ là đủ 100% năng lượng", TS. BS Trương Hồng Sơn nói.
"Điểm thứ hai là chế độ ăn uống vừa phải đảm bảo cho thi đấu đồng thời cũng phải xem xu hướng của VĐV. Ví dụ VĐV cần tích lũy, thể trạng cần lên cân một chút hoặc xuống cân thì ta phải điều chỉnh tổng năng lượng bằng cách đo cá thể từ các chỉ số chuyển hóa cơ bản, cân nặng, chiều cao để tính VĐV đấy cần lên điểm nào là phù hợp nhất, đủ sức mạnh mà không bị ỳ.
Ngoài ra, chúng ta phải tính đến thời điểm. Đối với những môn thể thao đỏi hỏi cơ bắp tốt, giai đoạn trước khi thi đấu phải giảm tinh bột, đẩy lên thịt, dầu mỡ để tạo ra khoảng trống tinh bột nhưng trước khi thi đấu khoảng 3 ngày phải đẩy tinh bột lên để tạo ra tình trạng vượt ngưỡng glucose. Lúc đấy tích lũy tại gan và cơ bắp, đến ngày thi đấu đây là sự dự trữ năng lượng rất tốt để VĐV khỏe khoắn hơn".
Vị chuyên gia đang đảm nhiệm vai trò Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của các loại vi khoáng. Đây là những chất mà cơ thể đòi hỏi hàm lượng không cao, nhưng chỉ thiếu một chút cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến thể lực và khả năng vận động.
"Có một con số giật mình là theo một nghiên cứu gần đây tại TP.HCM, 18% vận động viên nữ chúng ta bị loãng xương, thiếu canxi.
VĐV nguy cơ gãy xương rất cao, hơn người bình thường gấp 3, gấp 3,5 lần. Người có mật độ xương thấp phục hồi rất khó. Vì vậy ta phải kiểm tra vấn đề loãng xương và bồi phụ canxi trong sữa, trứng và thực phẩm khác", TS. BS Trương Hồng Sơn nêu ví dụ.
"Việc này còn phức tạp ở chỗ canxi còn liên quan vitamin D, vitamin D lại liên quan đến dầu mỡ. Ta bổ sung canxi mà thiếu vitamin D thì không hấp thụ được. Không ăn dầu mỡ thì không hấp thụ được vitamin D. Sự liên quan này được gọi là giao hưởng vitamin. Có một vấn đề là VĐV thường ngại mỡ. Ăn vào béo lên, sức nhanh mất đi. Thế nên phải tính toán thế nào cho đủ, dẫn đến không có vấn đề loãng xương, thiếu máu, thiếu vitamin.
Các vi khoáng rất quan trọng. Tôi lấy ví dụ như ma giê, liên quan đến testosterone ở VĐV nam, liên quan đến vấn đề tim mạch, tạo ra sức bền cho VĐV. Tôi nói với VĐV năng lượng là một chuyện nhưng vi khoáng cũng rất quan trọng. Trong thể thao hơn nhau một chút mới có đủ sức để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật".
Bình luận