Theo các chuyên gia Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), diễn biến trên thị trường trong phiên đầu tuần cho thấy áp lực bán còn rất lớn. Hàng loạt các cổ phiếu nằm sàn la liệt chờ khớp thuộc nhiều nhóm ngành như bất động sản, xây dựng, hóa chất, bán lẻ, dầu khí, chứng khoán… khiến tâm lý của giới đầu tư não nề.
"Rõ ràng là áp lực bán giải chấp vẫn còn chưa xong nên khả năng hồi phục của thị trường rất khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy dù xuất hiện mẫu hình nến đảo chiều, song chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng, chờ thêm những tín hiệu tích cực hơn, trước khi mở vị thế mua. Có lẽ điều đáng chú ý nhất hiện nay là khi nào áp lực bán giải chấp sẽ được giải quyết, thì khi đó khả năng cao thị trường sẽ ngừng rơi", báo cáo của CSI nêu.
Chứng khoán Asean (Asean SC) cũng cho rằng việc thị trường giảm điểm cho thấy áp lực giải chấp vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên lực cầu bắt đáy đã xuất hiện ở một vài cổ phiếu riêng lẻ, trong bối cảnh thanh khoản giảm khá, và thấp cao trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy sự giằng co của bên mua và bên bán, và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
"Chúng tôi cho rằng khả năng thị trường sẽ cần phải tích lũy thêm trước khi có xu hướng rõ ràng hơn. Dự báo trong phiên giao dịch tới, sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 930 – 940 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 950 – 960 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày", chuyên gia tại Asean SC nhận định.
Tương tự, chuyên gia thuộc Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng áp lực giảm điểm vẫn chiếm ưu thế. Theo BSC, chỉ số VN-Index giảm trong phiên hôm nay khi các tin đồn rủi ro lan tỏa trên thị trường. VN-Index có 18/19 ngành giảm điểm với ngành tăng điểm duy nhất là thực phẩm và đồ uống. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 131 mã sàn.
"Tâm lý thị trường suy yếu, hoạt động giải chấp và tín hiệu kỹ thuật tiếp tục suy yếu cho thấy áp lực giảm điểm vẫn chiếm ưu thế. BSC duy trì quan điểm thận trọng và hạn chế giao dịch trong các phiên tới", BSC khuyến nghị.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), chỉ số VN-Index chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá kéo dài. Diễn biến thị trường vẫn tiêu cực với nhiều mã tiếp tục chịu áp lực bán mạnh, giá sàn, độ rộng tiêu cực. Áp lực giải chấp vẫn gia tăng đối với nhà đầu tư, cũng như đối với cả cổ đông lớn nhiều doanh nghiệp.
Xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn chưa thực sự tích cực khi giá đáy sau vẫn thấp hơn đáy trước. VN-Index cũng chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá kéo dài nối các đỉnh giá cao nhất tháng 8, 9 và 11 cho đến nay. SHS cho rằng nhà đầu tư duy trì tỷ thấp, chờ thị trường chung ổn định trở lại và thoát khỏi xu hướng hiện nay. Có thể xem xét, lên lại danh mục theo dõi đầu tư, ưu tiên các mã cơ bản tốt, tỉ trọng tiền mặt cao.
Vẫn dưới góc nhìn thận trọng, các chuyên gia tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định nhịp giảm chưa thể kết thúc khi sự tiêu cực của thị trường vẫn đang ở mức cao và tâm lý bi quan của nhà đầu tư chưa thể được cải thiện.
Bên cạnh việc 2 chỉ báo MACD và RSI hướng xuống xóa đi cơ hội tạo phân kỳ dương 3 đoạn, chỉ báo ADX và DI- đồng loạt hướng lên báo hiệu việc nhịp giảm chưa thể kết thúc. Mốc 900 điểm tương đương với thang đo Fibonacci 1.0 sẽ là vùng điểm mà VN-Index có thể hướng đến trong ngắn hạn.
"Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm, khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường, kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn", chuyên gia VCBS quan điểm.
Chốt phiên 14/11, VN-Index giảm 13,49 điểm xuống 941,04 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 666 triệu đơn vị, tương ứng gần 9.449 tỷ đồng. Toàn sàn có 86 mã tăng giá, 370 mã giảm giá và 49 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 6,36 điểm xuống 183,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 66,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 762,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 37 mã tăng giá, 170 mã giảm giá và 24 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 1,81 điểm xuống 66,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 66,81 triệu đơn vị, tương ứng trên 449,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 69 mã tăng giá, 217 mã giảm giá và 31 mã đứng giá.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, dầu khí, hóa chất, xây dựng và vật liệu... đua nhau giảm sàn.
Bình luận