Theo Sputnik, các chuyên gia Mỹ về Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thử nghiệm hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri, dù trước đó có những thông tin rằng cơ sở vật chất ở đây đang xuống cấp do dư chấn sau vụ thử ngày 3/9.
Các chuyên gia cùng với 38 North, dự án nghiên cứu về Triều Tiên tại Mỹ cho biết, tại bãi thử Punggye-ri đang có hoạt động ở mức độ cao liên tục, thể hiện trên hình ảnh vệ tinh. Hoạt động này bao gồm người và phương tiện ra vào, có thể họ đang đào và mở rộng một đường hầm.
"Dù những rung chuyển nhỏ gần núi Mantap sau thử nghiệm hạt nhân gần đây của Triều Tiên diễn ra liên tục, hoạt động trong hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri vẫn đang được thực hiện", các nhà phân tích viết.
Các trận động đất còn được cho là ảnh hưởng đến núi Paektu – một ngọn núi biểu tượng của Triều Tiên.
Những hoạt động này tập trung ở Cổng Tây, khu đường hầm phức hợp không được sử dụng nhiều, nằm cách Cổng Bắc chỉ vài trăm mét. Cổng Bắc gần như ngừng và bị bỏ hoang do thiệt hại sau thử nghiệm hạt nhân vào tháng 9 vừa qua.
Các nhà phân tích cho biết, với số lượng rung chấn diễn ra có thể thấy khu thử hạt nhân cũ đang trở nên thiếu ổn định và phải tạo nên những đường hầm mới. Theo đó khu vực Cổng Tây có thể sẽ là địa điểm diễn ra thử nghiệm hạt nhân tiếp theo nếu diễn ra trong thời gian tới.
Dù vậy, quá trình chuẩn bị thử nghiệm tiếp theo có thể mất đến 1 năm hoặc lâu hơn, chuyên gia nhận định. Hai thử nghiệm trước đó cũng được thực hiện cách nhau 1 năm.
Video: Quả bom nhiệt hạch mạnh nhất thế giới từng phát nổ của Liên Xô
Bình luận