Phản ứng sau tiêm vaccine là điều không tránh khỏi, trong đó gồm cả hiện tượng ngất do tâm lý. Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, trẻ 12-17 tuổi là nhóm đối tượng đặc biệt, quá trình triển khai tiêm vaccine trước đây cũng thường xảy ra các phản ứng dây chuyền. Điều này chủ yếu từ tâm lý của trẻ.
"Trẻ đang trong độ tuổi có sự thay đổi tâm sinh lý lớn, dẫn đến việc khi tiêm chủng hay ngất xỉu. Hiện tượng này không liên quan đến vaccine mà là do tâm lý. Vì thế chúng ta cần phân biệt ngất do tâm lý và ngất do phản vệ. Việc này không khó nhưng cần thêm các phương tiện như đo huyết áp, máy theo dõi tình trạng sống còn thì mới phân biệt được hoàn toàn. Bác sĩ kinh nghiệm sẽ phân biệt được ngay", TS Phạm Quang Thái nói.
Trong trường hợp phản ứng do mũi tiêm thì thực hiện cấp cứu càng nhanh càng tốt sẽ quyết định việc có thể đưa đối tượng tiêm ra khỏi tình trạng phản vệ nhanh hay không.
Nhắc đến vụ hơn 100 học sinh phải nhập viện sau tiêm vaccine COVID-19 tại Thanh Hóa trong 2 ngày đầu tháng, TS Thái cho rằng, đây là trường hợp khá điển hình của phản ứng tâm lý. Vì nơi đây từng xảy ra nhiều phản ứng sau tiêm nên tâm lý người dân dễ ảnh hưởng. Do vậy, tâm lý của học sinh trong trường cũng bị tác động không nhỏ, dẫn đến phản ứng dây chuyền.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia như ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hay bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM.
"Khi vài em bị ngất xỉu thì tâm lý lo lắng dây chuyền sẽ lây sang những em khác", ông Phu nói và thông tin, hiện tượng này phần lớn xuất hiện ở trẻ 16-18 tuổi. Việc này không phải chỉ xảy ra khi tiêm vaccine COVID-19, mà trong tiêm chủng nói chung.
Ông Phu khuyên, trước tiêm, phụ huynh phải làm tư tưởng cho trẻ, cho các cháu ăn uống đầy đủ. Nếu để lo lắng, một trẻ ngất xỉu sẽ kéo theo các trẻ khác cũng ngất.
Theo các chuyên gia, khi gặp sự cố phản ứng dây chuyền sau tiêm vaccine, việc bình tĩnh xử trí trong đó nhấn mạnh giải quyết vấn đề tâm lý thông qua truyền thông và tư vấn là rất cần thiết.
Để hạn chế hiện tượng ngất dây chuyền, bác sĩ khuyên phụ huynh có thể cho các con ngậm kẹo, động viên các con thay vì nói các về phản ứng sau tiêm hoặc thái độ lo lắng quá mức.
Tâm lý có tính lan truyền rất nhanh, sự lo lắng của phụ huynh và xã hội sẽ ảnh hưởng mạnh đến trẻ. Vì thế, phụ huynh cần giải thích và động viên thay vì đưa tin sai sự thật, tin không kiểm chứng làm con càng hoang mang và dễ phản ứng.
Bình luận