Ngày 18/4, tại Hội nghị “Healthcare Summit (Hội nghị Sức khỏe): Năng lượng mới - Cuộc sống mới”, bác sĩ Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh Phổi, Bệnh viện Quân y 175 với chia sẻ xoay quanh chủ đề “Sử dụng thuốc lá có trách nhiệm cho cá nhân và cộng đồng”.
Những năm gần đây, Chính phủ luôn kêu gọi người dân giảm hút thuốc lá. Dù vậy, thông tin tại cuộc họp nhóm kỹ thuật về phòng chống tác hại thuốc lá do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, chủ trì cho biết ước tính số người hiện đang hút thuốc lá tại Việt Nam khoảng 15,4 triệu người.
Cuộc điều tra “Thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại thành phố Hà Nội năm 2022” của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế và Trường Đại học Y tế Công cộng cũng chỉ ra tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người dân từ 15 tuổi trở lên là 19,1%, tăng gần 3% so với năm tỷ lệ 16,4% năm 2019. Mặc dù người sử dụng biết rõ những tác hại của thuốc lá điếu, song chưa có dấu hiệu tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm xuống.
Để giảm tỷ lệ hút thuốc, Bác sĩ Nguyễn Hải Công cho rằng cần xác định trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm với bản thân.
Với cộng đồng, người sử dụng thuốc lá cần tuân thủ chặt chẽ quy định không hút thuốc tại nơi công cộng, gần trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai,... để tránh khói thuốc ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ của người khác.
Với bản thân, phương thức lý tưởng nhất là người dùng cố gắng cai nghiện thuốc lá thông qua việc hạn chế, giảm liều lượng sử dụng, bỏ hẳn hút thuốc, không sử dụng thuốc lá trong thời gian dài hoặc cân nhắc giải pháp giảm thiểu tác hại.
Hiện nay, giải pháp được coi là sự thay thế, giảm thiểu tác hại cho những người khó bỏ thuốc lá truyền thống đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng phải kể đến thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử). Các nước phát triển như Anh, New Zealand, Hoa Kỳ, Canada... cũng đã nhìn nhận về tiềm năng giảm thiểu tác hại của một số thành phần trong thuốc lá thế hệ mới, cho phép lưu hành và có những khuyến cáo người dùng chuyển dần sang các sản phẩm này vì trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu và lưu thông các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Trước bối cảnh này, Bộ Công Thương cho biết sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 67 về quản lý thuốc lá để trước mắt đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý, vì đây là sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá, phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành. Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến trái chiều và đề xuất này cần được cân nhắc cẩn trọng và kỹ lưỡng bởi nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, từ góc độ của chuyên gia y tế, hiện nay chưa có báo cáo hay nghiên cứu chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam về thuốc lá làm nóng nói riêng, hay thuốc lá thế hệ mới nói chung (như thành phần, các chất sinh ra khi làm nóng để không tạo khói, công nghệ sử dụng), cũng như chưa có thống kê và đánh giá tác động của thuốc lá thế hệ mới đối với người tiêu dùng và thị trường Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Hải Công cho rằng bất kì sản phẩm nào có tác động đến sức khỏe, dù là thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử đều cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và toàn diện, trước khi cho lưu thông.
Để hiện thực hóa điều này, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở khoa học, cơ sở kỹ thuật, cơ sở pháp lý để đảm bảo các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được quản lý một cách toàn diện, đồng bộ và phù hợp.
Kết thúc phần chia sẻ trong phiên thảo luận, Bác sĩ Nguyễn Hải Công khẳng định: “Cần có những nghiên cứu đánh giá tác động của thuốc lá thế hệ mới đến sức khỏe, kinh tế, xã hội trước khi bàn đến chuyện thí điểm cho sản xuất, mua bán, sử dụng”. Việc cẩn trọng nghiên cứu kĩ về tác động của thuốc lá thế hệ mới sẽ giúp xây dựng khung pháp lý toàn diện và hợp lý cho thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.
Bình luận