Chiến thắng ở trận chung kết play-off cuối tháng 5 giúp Brentford tạo nên một dấu mốc trong lịch sử kéo dài 132 năm của đội bóng này. Sau đúng 10 lần tranh vé vớt, không đội nào từng trải qua nhiều trận play-off thất bại như họ, Brentford lần đầu tiên xuất hiện ở giải Ngoại Hạng Anh.
Đêm qua thầy trò HLV Thomas Frank ghi dấu sự kiện đặc biệt này theo cách đầy ấn tượng, khi mọi ánh nhìn của người hâm mộ Ngoại Hạng Anh đổ dồn vào trận khai mạc trên sân Brentford Community. Dẫu biết rằng Arsenal đang trong cơn khủng hoảng, việc họ bại trận 0-2 trên sân của đội bóng mới chân ướt chân ráo lên giải đấu khốc liệt hàng đầu thế giới vẫn là một cú sốc.
Sau trận đấu đêm qua, không chỉ có thầy trò HLV Thomas Frank được ca ngợi mà tên tuổi của vị chủ tịch CLB Brentford cũng được nhắc đến. Matthew Benham, một chuyên gia về cá cược thể thao, thắng ván cược lớn nhất của mình khi mua lại đội bóng mà ông yêu thích cách đây 12 năm.
Benham tốt nghiệp Đại học Oxford, chuyên ngành Vật lý, nhưng ông chọn lĩnh vực tài chính để bắt đầu sự nghiệp. Đến năm 2001, ông chuyển sang làm cho một công ty cá cược thể thao và đây là bước ngoặt biến nhân vật này trở thành triệu phú. Nhưng Benham kiếm tiền không phải nhờ chơi cá cược mà là tạo ra những hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ dân chơi và nhà cái của môn này.
Ván cược thành công nhất của Benham được thực hiện vào năm 2009, khi ông bỏ ra 700 nghìn Bảng cho Brentford vay, sau đó mua lại để trở thành ông chủ của CLB. Thời điểm Brentford đánh bại Arsenal, đội bóng này được định giá khoảng 300 triệu Bảng.
Tất nhiên Benham cũng đổ vào Brentford số tiền lên đến trăm triệu Bảng, nhưng chỉ riêng trận thắng chung kết play-off đủ để bù lại con số đó. Deloitte ước tính đội bóng tân binh của Ngoại Hạng Anh thu về không dưới 280 triệu Bảng từ việc giành quyền tham dự giải Ngoại Hạng Anh lần đầu tiên.
Điều đáng chú ý nhất ở Brentford là cách đội bóng này được vận hành và đi đến thành công.
“Benham nói với các cổ động viên khi tiếp quản đội bóng rằng ông ta có một chiến lược và kêu gọi họ đồng hành. Trừ kỷ lục đá tranh vé vớt, Brentford đã làm tốt", Kieran Maguire, một diễn giả môn tài chính bóng đá ở Đại học Liverpool, chia sẻ trên Bloomberg.
Benham đổ vào đội bóng khoảng 100 triệu Bảng trong vòng 12 năm, nhưng không chỉ là chiêu mộ cầu thủ và trang bị cho đội bóng. Trên thực tế, ngân quỹ chuyển nhượng của Brentford chưa đến 30 triệu Bảng, đứng thứ 14 ở giải Championship mùa trước.
Vốn là một chuyên gia về cá cược, từng viết một cuốn sách về lý thuyết các cược dựa trên phân tích dữ liệu, ông chủ của Brentford đầu tư một khoản đáng kể để làm bóng đá theo cách này.
Đội bóng có biệt danh "bầy ong" được xem là một ví dụ đời thực của "Moneyball", một bộ phim về thể thao từng được đề cử Oscar. Chiến lược của Brentford là dựa vào mô hình toán học và các con số thống kê. Benham cũng áp dụng cách làm này cho một đội bóng khác của ông, CLB Midtjylland của Đan Mạch.
Đội chủ sân Brentford Community tuyển mộ những chuyên gia trong lĩnh vực toán học và dữ liệu, phục vụ mọi hoạt động của CLB. Bộ phận này phát huy hiệu quả trực tiếp trong việc mua bán cầu thủ. Họ dựa vào thống kê để tìm những cầu thủ tiềm năng để mua về rồi bán lại. Brentford kiếm được không dưới 70 triệu Bảng từ cách này, trong đó có những cầu thủ đáng chú ý như Neal Maupay, Said Benrahma hay Ollie Watkins.
"Phần lớn triết lý bóng đá của Benham hình thành từ lĩnh vực kinh doanh còn lại của ông ta, một công ty cá cược rất thành công", một cổ đông lớn của CLB Swansea, đội bóng bị Brentford đánh bại trong trận chung kết play-off lên Ngoại Hạng Anh, trận đấu được coi là cơ hội đổi đời lớn nhất của bóng đá thế giới.
Bình luận