Theo thống kê của Google, tính đến năm 2018 Việt Nam có 64 triệu người kết nối Internet, chiếm 66% dân số, trong số này, có đến 62 triệu người Việt sử dụng Internet có mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter, Instagram…
Chính vì vậy, trong buổi học của “Học viện Tiểu thương VPBank” diễn ra vào tối 14/4 vừa qua, các chuyên gia và giảng viên đã cung cấp cho người học rất nhiều những bí quyết, cách thức tưởng chừng đơn giản nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ người nào khi đặt chân vào “thế giới” bán hàng online.
Theo anh Nguyễn Thăng Long, Admin Group Digital Marketing Việt Nam, chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử , câu hỏi được các học viên đặt ra nhiều nhất là ngoài kỹ năng đặt tên tài khoản, hình ảnh đại diện, thì làm thế nào để tăng tương tác và giữ khách hàng luôn nhớ đến mình. Câu trả lời đó là: “Không cần đăng bài, chỉ cần chấm và thả tim”.
Kỹ thuật này áp dụng với những khách hàng đã biết đến Facebook, đã biết đến mặt hàng của bạn nhưng ít nói chuyện hoặc mua hàng. Và để nhắc khách hàng về sự hiện diện của bạn, chỉ cần mỗi khi khách hàng đăng bài trên Facebook, bạn vào “chấm”, đồng thời “thả tim” hoặc biểu tượng cảm xúc dựa theo nội dung. Khi đó, Facebook ngay lập tức sẽ thông báo về sự tương tác của bạn, thương hiệu sản phẩm của bạn từ đó cũng in vào trí nhớ của khách hàng nhanh hơn.
Bên cạnh tuyệt chiêu “chấm”, bạn cũng có thể “comment” bằng câu hỏi như hay bằng một tấm ảnh cá nhân, gia đình, hoạt động thể thao kèm tên thương hiệu. “99% người dùng Facebook sẽ trả lời những câu hỏi vui nhộn hoặc có xu hướng thích hình ảnh, do đó việc tương tác sẽ tăng vọt bất ngờ”, anh Thăng Long bật mí.
Cũng trong khuôn khổ buổi học, chuyên gia Nguyễn Thăng Long đã hướng dẫn thêm cho các học viên cách tự tạo “group” (nhóm) trên Zalo để bán hàng và nhân 10 lần số lượng khách.
Bắt đầu, bạn phải làm quen với càng nhiều tiểu thương bán hàng trên Zalo càng tốt. Sau đó, qua quá trình trò chuyện, bạn chọn ra 10 tiểu thương thân thiết nhất, đề nghị cùng tạo một nhóm Zalo chung để bán hàng. Mỗi tiểu thương sẽ thêm vào đó 10 khách hàng tin tưởng của mình và cùng chăm sóc số lượng khách này.
Như vậy, trong nhóm Zalo của bạn đã có tổng cộng 100 khách hàng với vô số nhu cầu khác nhau. Áp dụng kỹ thuật trên, bạn có thể tận dụng lượng khách của nhau, bán chéo các loại mặt hàng như hoa quả kết hợp với thực phẩm, quần áo kết hợp bán mũ nón, trà sữa kết hợp gói giảm cân… từ đó vừa gia tăng giá trị cho người mua vừa tạo thu nhập cho bản thân.
Nhờ những kinh nghiệm thực tế, minh họa phong phú cùng nội dung thú vị, hơn 1.700 tiểu thương đã liên tục theo dõi và tạo ra gần 3.200 lượng tương tác trên Facebook trong suốt 3 tiếng đồng hồ của buổi học hôm thứ Ba, 14/4/2020.
Chuyên gia Nguyễn Thăng Long cho biết: “Sự tham gia đông đảo của mọi người chứng tỏ một điều nhu cầu học hỏi kiến thức kinh doanh online trong cộng đồng tiểu thương là vô cùng lớn. Tôi hy vọng những chia sẻ của tôi phần nào giúp các tiểu thương thực hành, vận dụng được ngay trong thực tế”.
Đại diện VPBank vui mừng trước những chào đón nhiệt tình của học viên và bày tỏ sẽ tiếp tục đầu tư nội dung, quy trình tổ chức cũng như các phần quà đi kèm để tăng chất lượng bài giảng, giúp các khách hàng tiểu thương thêm động lực chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Học viện Tiểu thương VPBank” là chương trình đào tạo trực tuyến của VPBank, với mục tiêu đưa 50.000 hộ kinh doanh, tiểu thương toàn quốc từ mô hình từ hoàn toàn phụ thuộc vào kênh truyền thông offline lên bán hàng đa kênh. Việc này sẽ giúp tiểu thương tăng doanh thu và linh hoạt hơn trước các rủi ro kinh doanh. Song song với các buổi học online trên Facebook, đội ngũ kinh doanh của VPBank sẽ tổ chức hỗ trợ từng tiểu thương theo mô hình 1:1 để tiếp tục giải đáp thắc mắc, ghi nhận những khó khăn nhằm lên phương án hỗ trợ cụ thể sau này.
Bình luận