• Zalo

Chuyên gia 'bật mí' kênh đầu tư sinh lời năm 2014

Kinh tếThứ Năm, 12/12/2013 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Với nguồn tiền nhàn rỗi trong dân lên tới 50 tỷ USD, đầu tư vào đâu sinh lời nhất là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

(VTC News) - Với nguồn tiền nhàn rỗi trong dân lên tới 50 tỷ USD, đầu tư vào đâu sinh lời nhất là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2014?

Tùy "khẩu vị" nhà đầu tư

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ có sự phục hồi, nhưng chưa đủ mạnh. Đối với Việt Nam, vẫn tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và dành nhiều nguồn lực cho tái cấu trúc.

Võ Trí Thành
Ông Võ Trí Thành 
Chính vì vậy, rất khó có một sự hứng khởi quá đà, nhìn dưới góc độ các tài sản, tài chính, bất động sản, những lựa chọn tùy thuộc "khẩu vị" nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần phải lưu tâm một số vấn đề.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn tạo độ hấp dẫn hơn cho người gửi tiền đồng so với gửi bằng USD (không chỉ với chênh lệch lãi suất mà còn với cam kết điều chỉnh tỷ giá trong một biên độ đủ nhỏ). Tuy nhiên, rủi ro vẫn có thể có, ở việc nỗ lực phục hồi thông qua tăng đầu tư công, nếu không được quản trị phối hợp chính sách tốt, vẫn sẽ là nhân tố tiềm tàng gây bất ổn. Điều đó làm giảm sự hấp dẫn của đồng tiền trong nước.

Thứ hai, với việc phục hồi kinh tế ít nhiều, nhất là của các nền kinh tế phát triển, và với việc Mỹ có thể dừng gói QE 3 làm tăng giá đồng USD, độ hấp dẫn của vàng vẫn chưa hẳn là cao. Sự rủi ro được gây ra chủ yếu bởi các bất ổn chính trị.

Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam khó có khả năng khởi sắc tăng vọt, tuy nhiên, có một số nhân tố có thể tác động tích cực đến hoạt động của thị trường này. 
Một là, tiến trình cổ phần hóa nhà nước được đẩy mạnh hơn, kể cả đối với một số doanh nghiệp lớn. Hai là, việc cam kết các hiệp định thương mại tự do cùng với việc tiếp tục duy trì ổn định và cải cách của Việt Nam cũng có thể tạo thêm độ hấp dẫn cho dòng vốn ngoại. 
Bên cạnh đó, cũng có thể có một số cải cách của bản thân thị trường chứng khoán, ví dụ nới room cho nhà đầu tư ngoại...

Thứ tư, đối với thị trường bất động sản, một số phân khúc, ví dụ nhà ở, vị trí tốt, đã hoàn thành, du lịch,... đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc cuối năm 2013. Diễn biến này vẫn có thể tiếp diễn trong năm tới. 
Về tổng thể, do vấn đề nợ xấu lớn và khả năng xử lý chưa hình thành, chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn rất thận trọng để duy trì kinh tế vĩ mô, cho nên sự đi lên ít nhiều có thể có, nhưng để được gọi là bùng nổ hay hồi phục rõ rệt thì còn khó khăn.

Dịch vụ giáo dục có tương lai tốt


Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2014, doanh nghiệp vẫn cần thận trọng với những diễn biến kinh tế chung, chưa nên lạc quan quá sớm khiến việc sử dụng vốn có thể bị lỡ thời cơ trong tương lai khi nền kinh tế có nhiều tín hiệu rõ ràng hơn.

Ông Nguyễn Đức Thành
Ông Nguyễn Đức Thành 
Thêm vào đó, cần phải đặt năm 2014 trong một tiến trình chung, chứ không chỉ nghĩ đến một loại hình hoạt động nào đặc thù, riêng biệt cho 2014.


Từ kinh nghiệm hạn chế của tôi, tôi thấy hoạt động kinh doanh dịch vụ trong ngành giáo dục, đào tạo, tư vấn có một tương lai tốt vì đây là cái Việt Nam rất thiếu trong quá trình hội nhập với thế giới và khu vực.

Ngoài ra, trong mỗi ngành đều có những cơ hội riêng mà chỉ người rất có kinh nghiệm trong ngành mới biết được. Nhưng dù thế nào, việc kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng, có bài bản, tính toán lâu dài, dựa vào uy tín, tôn trọng các chuẩn mực quốc tế vẫn sẽ là chiến lược để thích nghi trong tương lai.

Đầu tư chứng khoán

TS. Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, với mỗi người dân có tiền tiết kiệm thì lựa chọn khả thi nhất với họ là gửi tiết kiệm, mua bất động sản hay đầu tư chứng khoán hoặc các kênh khác như vàng, đô la...

"Với tình hình hiện tại, tôi nghĩ rằng kênh gửi tiết kiệm là tương đối an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản chưa nhìn rõ xu hướng tăng trưởng. Nói như vậy, để thấy là nếu chúng ta cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro thì kênh tiết kiệm có thể vẫn là kênh lựa chọn của phần đông", ông Hào phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Hào, sang năm 2014, khi mà các nỗ lực tăng trưởng kinh tế được thực thi và triển khai thì kênh chứng khoán và có thể được hưởng lợi về mặt tâm lý và tài sản các thị trường này có cơ hội tăng giá do tâm lý mặc dù nền kinh tế không thực sự tốt lên.

"Do vậy nếu nhà đầu tư thực sự là người muốn tìm kiếm các cơ hội sinh lời tốt hơn thì hai kênh này là phù hợp nhưng tôi ưa thích kênh chứng khoán hơn vì kênh này có mức thanh khoản cao hơn", ông Hào nói.

Ông Hào cho biết thêm, tôi dự kiến là sự tăng trưởng của 2 kênh chứng khoán và bất động sản không dựa trên nền tảng của nền kinh tế thực nên tác động cho nền kinh tế có thể sẽ là sự kích thích lòng tham của cá thể trong nền kinh tế và do vậy có thể chúng ta lại chứng kiến các bong bóng tài sản nhanh chóng xuất hiện và xì hơi tạo ra một làn sóng nợ xấu mới. Tất nhiên, đây chỉ là một kỳ vọng mà tôi không muốn trở thành hiện thực.

"Ăn hại còn hơn phá hoại"


Không phủ nhận thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp thà "ăn hại còn hơn phá hoại", tức là  thà ngồi im không làm gì còn đỡ thiệt hại hơn là đẩy mạnh kinh doanh, Thạc sỹ Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện cũng đã có những doanh nhân đã từ bỏ thương trường, bởi đầu tư gì trong giai đoạn này cũng khó khăn và nguy cơ mất vốn cao.

Tuy vậy, cũng có những doanh nhân lại đang âm thầm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, mở thêm các nhà máy mới hay mua lại các cơ sở kinh doanh. Trong khó khăn bao giờ cũng có cơ hội tốt cho người có nguồn lực và tầm nhìn.

"Điều tôi có cảm nhận rõ nhất có lẽ là chưa có lúc nào trong giai đoạn từ năm 2000 trở lại đây, tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp lại xuống đến vậy. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa của Việt Nam. 
Tôi cho rằng đây là điều đáng lo ngại vì chính doanh nghiệp tư nhân trong nước mới là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà trong tương lai", ông Tuấn phân tích.

Theo ông Tuấn, Nhà nước cần có những giải pháp đột phá hơn nữa về cải cách thể chế, có cơ chế tạo động lực để tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp mạnh mẽ trở lại.

Gửi tiết kiệm

Theo GS Đặng Hùng Võ, về lý thuyết đồng tiền sinh lãi lớn nhất là đồng tiền gửi vào ngân hàng bởi vì người ta cho rằng, đồng tiền đó để không, không phải làm gì mà vẫn được hưởng lãi.

GS. Đặng Hùng Võ
GS. Đặng Hùng Võ 
Thực tế thì nhiều lúc đầu tư vào bất động sản sẽ có lãi nhiều hơn gửi vào ngân hàng. Ví dụ như trước năm 2008, đầu tư vào bất động sản luôn luôn có lãi thậm chí có những lúc thu lãi tới 4 hoặc 5 lần.Trường hợp xấu nhất cũng ngang với gửi tiền vào ngân hàng.


Kể từ năm 2008 mới có chuyện lãi suất ngân hàng tăng vọt do Nhà nước áp dụng một số chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Lúc đó, doanh nghiệp, người dân mới ham gửi tiền vào ngân hàng. Đó cũng là thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu rơi vào trầm lắng do không có vốn.

Đầu tư vào tất cả các lĩnh vực khác bao giờ cũng được lãi nhiều hơn gửi vào ngân hàng. Chỉ có điều cũng có thể gặp phải rủi ro do đầu tư bị thất bại. Gửi vào ngân hàng thường thì độ rủi ro ít hơn nhiều nhất là tại những ngân hàng có uy tín lớn.

"Hiện nay đầu tư vào đâu là câu hỏi rất khó. Mỗi người có hoàn cảnh riêng sẽ phải có những quyết định phù hợp với hoàn cảnh của mình", GS phân tích.

50% ngân hàng, 50% chứng khoán

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), nếu bạn có nhiều tiền, nên để một phần ở ngân hàng, một phần đầu tư chứng khoán. Vấn đề là bạn phải biết cách để đầu tư chứng khoán có hiệu quả.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa 
Ông Nghĩa cũng cho hay, kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ cuối quý 3/2013 và khả năng phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong 2014. Biểu hiện là chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chỉ số quản lý mua hàng PMI và đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu tăng mạnh từ đó cho đến nay.


"50% gửi tiết kiệm, 50% đầu tư vào chứng khoán vì nếu kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ tăng trước, đó là cơ hội để đầu tư chứng khoán, lãi suất cũng tăng, đó cũng là cơ hội để bảo toàn vốn", ông Nghĩa cho hay.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn