• Zalo

Chuyên gia an ninh mạng lý giải vì sao hàng triệu người Việt Nam dễ bị đe dọa trên mạng

Kinh tếThứ Sáu, 03/11/2017 19:00:00 +07:00Google News

Chuyên gia cho rằng, môi trường Internet không an toàn, vấn đề an ninh mạng không đảm bảo đã và đang là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến lợi ích và chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

An ninh mạng đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm trong những năm gần đây, nhất là số lượng các vụ tấn công mạng của hacker nhắm vào các cơ quan nhà nước đang có xu hương ngày một gia tăng.

PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Duy Tảo (chuyên gia an ninh mạng, Phó Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam) để làm rõ hơn vấn đề trên.

- An toàn cho Internet và người dùng Internet đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông đánh giá thế nào về thực trạng sử dụng Internet ở Việt Nam hiện nay?

Thực ra, vấn đề an ninh mạng chúng ta nói đến chậm hơn rất nhiều so với việc Internet thâm nhập vào Việt Nam. Số người sử dụng Internet ở Việt Nam phát triển với tốc độ rất nhanh.

Tuy nhiên, do ban đầu mang tính tự phát nên nhiều người không quan tâm đến vấn đề an ninh, đặc biệt là vấn đề an ninh thông tin cá nhân; nhiều người còn cho rằng, đó là chuyện cá nhân nên không có gì phải giữ gìn bí mật nên vô hình trung đã tạo ra những lỗ hổng về an toàn mạng.

IMG_20171103_102656

Ông Bùi Duy Tảo, chuyên gia an ninh mạng. 

Năm 1986, khi tôi còn làm lãnh đạo tại một tỉnh, bản thân tôi cũng đã phải đi học về máy tính. Lúc bấy giờ, máy tính còn là một cái gì đó cảm thấy mới mẻ và học về máy tính rất khó, phải học về cơ bản. Giờ đây thì tình hình này đã được cải thiện nhiều. Việc sử dụng điện thoại thông minh hiện nay đã cho thấy công nghệ mạng phát triển như thế nào.

Về thực trạng sử dụng Internet của người dùng ở Việt Nam hiện nay phải nói là kỹ năng rất thấp. Người dùng đã không hiểu về kỹ năng, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý an toàn, an ninh mạng của các doanh nghiệp Việt Nam.

An ninh mạng và sử dụng mạng cho sản xuất kinh doanh của ta hiện nay rất là thấp. Công nghệ kém đã đành mà quan trọng hơn là vấn đề an ninh mạng cũng rất ít được quan tâm.

- Số liệu của Bộ Công an cho thấy, chỉ tính trong vài năm trở lại đây đã có tới hơn 44% các trang website của nhà nước bị tin tặc tấn công, hàng nghìn tài liệu mật, tuyệt mật bị lộ, lọt ra ngoài. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Số liệu mà Bộ Công an đưa ra là hoàn toàn có cơ sở. Đó là một thực tế ở mức báo động cao đấy.

Như tôi đã nói ở trên, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do người dùng Internet, trong đó có cả các cơ quan nhà nước, rất ít quan tâm đến vấn đề an ninh mạng.

Cho nên việc lộ lọt thông tin của các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước ra bên ngoài do tin tặc tấn công hoặc do vô ý để lộ, lọt ra bên ngoài là điều dễ hiểu.

Để khắc phục tình trạng trên, tôi cho rằng, chúng ta phải tiến hành các giải pháp từ căn bản. Vấn đề cấp bách đặt ra cho chúng ta hiện nay là chúng ta phải đào tạo được hệ thống cán bộ quản lý, phụ trách về an ninh mạng.

Hệ thống này ngoài cơ quan nhà nước cũng cần phải đào tạo cho các cơ quan, các doanh nghiệp để họ có thể tự bảo vệ mình.

Thực tế cho thấy, những nơi có những thông tin quan trọng rất cần phải bảo vệ, tuy nhiên, hiện nay những cơ quan, đơn vị này lại không có cán bộ an ninh mạng. Vì thế, chúng ta phải đào tạo những cán bộ chuyên về an ninh mạng, nhưng để làm được điều này thì cần phải có lộ trình, thời gian, giáo trình, chuyên gia..., tất cả phải được chuẩn bị chu đáo.

Nếu ta phổ cập được hệ thống được hệ thống cán bộ an ninh mạng thì từ đó nó cũng sẽ truyền tải được ra cho cộng đồng, dân chúng là phải bảo vệ mình trên Internet.

- Trong hơn chục năm trở lại đây, người ta bắt đầu nói nhiều đến khái niệm “chiến tranh mạng”. Việt Nam cần làm gì để ứng phó với “cuộc chiến” mới đang diễn ra từng ngày, từng giờ này?

Vấn đề chiến tranh mạng người dân ít quan tâm đến. Nhưng đối với vấn đề an ninh quốc gia, chủ quyền đất nước thì đặc biệt quan trọng. Nếu chúng ta không cảnh giác, những thông tin liên quan đến chủ quyền quốc gia sẽ bị lộ, lọt, bị đánh cắp.

Thông qua chiến tranh mạng, các thế lực bên ngoài sẽ nắm được chúng ta rất dễ dàng.

Những thông tin của đất nước, những tin hệ trọng rất dễ bị lộ, lọt ra ngoài, ảnh hưởng đến chủ quyền, độc lập của đất nước.

Thực tế, qua các vụ việc hacker tấn công đã cho thấy, chủ quyền quốc gia bị đe dọa do môi trường Internet không an toàn ở Việt Nam là một sự thực đang hiện hữu.

Việt Nam còn đứng đầu thế giới về nguy cơ bị nhiễm mã độc, phần mềm độc hại cục bộ (qua USB, thẻ nhớ…) với gần 70% người dùng máy tính có nguy cơ cao bị lây nhiễm, đây là điểm yếu mà chúng ta cần phải khắc phục.

Hiện nay, các nước có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển đã bắt đầu coi “chiến tranh mạng” như là một bộ phận của tổng thể chiến lược quốc phòng chung. Việt Nam cũng đã và đang từng bước để xây dựng năng lực phòng thủ trong an ninh mạng cho mình.

- Ông đánh giá thế nào về những điều khoản quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng đang được trình Quốc hội xem xét?

Tôi hoàn toàn ủng hộ Luật An ninh mạng. Thực tiễn, đòi hỏi chúng ta cần phải có luật để cụ thể hóa các vấn đề nảy sinh. Thực ra, luật chúng ta làm hơi muộn, nhiều nước trên thế giới họ đã có từ rất lâu rồi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Video: Bộ Công an: Hơn 44% các trang website của nhà nước Việt Nam bị tin tặc tấn công

Lưu Thủy
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn