Năm 2018, cả thế giới nói về 5G – thế hệ công nghệ tiên tiến mà chỉ có các doanh nghiệp lớn nhất mới có thể cung cấp. 5G được kỳ vọng sẽ đưa con người tiến tới một kỷ nguyên kết nối mới.
Với khát vọng tự làm chủ công nghệ được coi là nền tảng của xã hội số, chuyển đổi số, Tập đoàn Viettel đã tuyển dụng những kỹ sư có khả năng giúp họ thực hiện giấc mơ “làm chủ 5G”. Ông Lê Bá Tân hiện là Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và Đổi mới Công nghệ, Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNET) là một kỹ sư như vậy.
Kỹ sư này đã có thời gian nghiên cứu chuyên sâu về 5G từ cách đây gần 10 năm nhận xét: “Bây giờ là thời điểm thích hợp để công nghệ này đi vào hiện thực, tại Việt Nam”.
Chia sẻ về chiến lược với 5G, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel nói: “Công nghệ 5G rất quan trọng với sự phát triển, bởi nó tạo ra nền tảng cho chuyển đổi số, ứng dụng vạn vật kết nối (IoT) để xây dựng các thành phố thông minh, xã hội thông minh. Việt Nam không còn con đường nào khác ngoài nhanh chóng triển khai công nghệ 5G”.
Tháng 12/2018, Viettel kích hoạt thành công 30 trạm phát sóng đầu tiên cùng nền tảng triển khai dịch vụ sử dụng công nghệ NB-IoT tại Hà Nội, trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam và thuộc Top 70 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai mạng NB-IoT thương mại.
Đây là công nghệ băng hẹp chủ đạo để kết nối các vật có gắn thiết bị cảm biến, với năng lượng tiêu hao rất nhỏ, thay vì tiêu tốn năng lượng như kết nối 2G, 3G, 4G hiện tại.
Trong năm 2019, Viettel sẽ triển khai công nghệ kết nối khác là LTE -M, phục vụ cho những thiết bị cảm biến gắn trên các vật chuyển động. “Tôi nhận ra rằng sự đặc biệt của Viettel chính là không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng, luôn tiên phong làm những điều mà chưa có ai làm”, ông Tân nói
“Khi Viettel tạo ra không gian mới thì tôi, cũng như nhiều lãnh đạo trẻ khác đều được giao phó những trách nhiệm mà có lẽ nếu không ở Viettel cả cuộc đời mơ ước chưa chắc đã được làm”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Trong giai đoạn phát triển thứ tư, khi Viettel đang chuyển dịch mạnh mẽ sang một nhà cung cấp dịch vụ số, ngành viễn thông toàn cầu đi xuống và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Cũng chính vì thế, 5G là một thách thức rất lớn nhưng Viettel coi đó là “một việc phải làm và không cần bàn đến khó khăn” như chia sẻ của một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn này.
Thực tế, ngoài việc chạy đua với thời gian để có thể triển khai phát sóng 5G trong năm 2019, trước đó, Viettel đã cung cấp nhiều giải pháp điện tử cho Chính phủ, cho doanh nghiệp và dịch vụ số cho cá nhân.
Ông Tân cho biết, Viettel hoàn toàn có thể kết nối các khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông di động với nhau bằng ứng dụng thanh toán trực tuyến, tạo nên mạng lưới thanh toán tiện lợi nhất. Điều này có thể xảy ra trong tương lai rất gần khi quyết định cho phép nhà mạng dùng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ được ban hành.
“Trong giai đoạn chuyển đổi số, chúng tôi xác định phải tận dụng sức mạnh mà chỉ mình mới có, đó là hạ tầng viễn thông rộng khắp để tạo ra những sản phẩm đặc sắc, khác biệt. Cái mà người ta không thể làm được thì chúng tôi sẽ làm, cái mà họ làm rồi thì thôi”, ông Tân phân tích.
Không có gì là không thể kết nối
Sức mạnh hạ tầng của Viettel, cũng là tương lai gần của ngành viễn thông thế giới và Việt Nam, đó là các công nghệ 5G, Nb-IoT, LTE -M để phục vụ cho việc kết nối vạn vật.
Được áp dụng cho những cảm biến đứng yên, ông Tân cho biết, Viettel đã ứng dụng NB-IoT tại Tp.Hồ Chí Minh trong việc theo dõi hệ thống đồng hồ điện, nước; theo dõi độ ô nhiễm không khí, sông ngòi… Sắp tới, công nghệ này sẽ triển khai trên toàn quốc.
Năm 2019, công nghệ kết nối vạn vật khác là LTE -M vẫn đáp ứng tiêu chuẩn tiêu hao ít năng lượng tiêu hao – được áp dụng cho những cảm biến di chuyển, sẽ cho ra đời các sản phẩm như đồng hồ theo dõi sức khỏe hay thiết bị giám sát xe đông lạnh (thủy sản, hoa tươi, hàng đông lạnh…) để theo dõi nhiệt độ của các mặt hàng trong quá trình vận chuyển.
Ông Tân cho hay, về nguyên tắc, mọi vật đều có thể kết nối. Đối với vật vô tri vô giác như một cái cột, chúng ta cũng có thể biến nó thành vật thể kết nối bằng cách gắn vào đó chiếc cảm biến để theo dõi độ rung lắc trước gió, độ nghiêng, độ cao…
“Khách hàng của chúng tôi sẽ không chỉ là con người nữa, mà còn là đồ vật. Một chiếc ô tô, đồng hồ, nồi cơm điện… đều là khách hàng của tôi. Đó là tập khách hàng mà chúng tôi gọi là “Internet of everything- Internet của mọi vật”, tức là còn rộng hơn “Internet of thing” trước đây”.
Với 5G, tốc độ kết nối sẽ nhanh hơn 4G nhiều lần, đáp ứng các điều kiện ngặt nghèo về độ trễ thời gian. Từ đó, công nghệ này sẽ cho phép tạo ra các dịch vụ mới giúp cho cuộc sống tiện lợi hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn.
Ông Tân chia sẻ: “Với trách nhiệm của nhà mạng tiên phong, chúng tôi phải xây dựng nên một hệ sinh thái số cho người Việt, góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta thông minh hơn, nhưng phải rẻ để phù hợp với thu nhập của người Việt. Và sau đó, chúng tôi mang đến các quốc gia kém phát triển khác”.
Bình luận