Những ngày đầu của chiến dịch không kích trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, Mỹ đã nỗ lực dò tìm và tung đòn tấn công trực diện vào Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Nỗ lực này dựa trên niềm tin rằng việc loại bỏ được ông Saddam sẽ mang lại 2 hiệu ứng: (1) Cấu trúc quân sự Iraq sẽ rơi vào hỗn loạn và (2) giới lãnh đạo Iraq còn lại sẽ ngoan ngoãn hơn trong việc chấp nhận đàm phán.
Giai đoạn đó Mỹ theo đuổi mục tiêu “hành quyết” thủ lĩnh đối phương, coi đó là một chiến lược chính trị-quân sự. Việc cố gắng sát hại Tổng thống Saddam chỉ là một chương trong chiến lược này.
“Đánh rắn dập đầu”
Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ phải đối mặt với một số phần tử khủng bố và một số thủ lĩnh “ương ngạnh” và độc đoán trong mắt họ. Giới lãnh đạo Mỹ cho rằng “đánh nát đầu rắn” sẽ khiến cho mọi việc đơn giản hơn, không cần phải tiêu diệt toàn bộ cơ thể con rắn, và do đó hạn chế được đáng kể những sự tàn phá và thương vong dân thường.
Các cuộc tấn công nhằm thẳng vào ông Saddam trong năm 1991 và 2003 đều thất bại. Một câu hỏi được đặt ra là chuyện gì sẽ xảy đến nếu các cuộc tấn công này thành công? Đợt tấn công năm 1991 đáng chú ý hơn vì vào năm 2003 ông Saddam không kháng cự đáng kể về mặt quân sự nữa. Vậy nếu nỗ lực của Mỹ triệt hạ ông Saddam vào năm 1991 mà thành công thì sự tương tác giữa Mỹ và Iraq sẽ khác đi như thế nào trong giai đoạn 1991-2015?
Thuyết “5 vòng”
Về mặt lịch sử, Mỹ thường nỗ lực đánh giá các lãnh đạo mà họ coi là độc tài. Nói dễ hiểu hơn, chính phủ Mỹ có xu hướng đánh giá cao tác động từ các lãnh đạo chế độ (như là Saddam Hussein) và đánh giá thấp cấu trúc rộng lớn hơn của quyền lực chế độ. Họ cho rằng có thể tạo ra các nền dân chủ bằng việc loại bỏ các kẻ độc tài.
Điều này dẫn tới một học thuyết sức mạnh oanh kích phi cổ điển phổ biến trong Không quân Mỹ những năm 1980 – học thuyết “5 vòng” của John Warden. Thuyết “5 vòng” cho rằng tấn công các mục tiêu trọng yếu ở trung tâm chế độ (bao gồm lãnh tụ tối cao của chế độ dó và các phương tiện bảo đảm sự kiểm soát về mặt chính trị và quân sự) có thể dẫn tới sự sụp đổ chế độ. Warden lập luận rằng Mỹ nên tránh tấn công lực lượng quân đội Iraq được triển khai, mà nên ưu tiên tấn công các mục tiêu trọng yếu của chế độ. Warden tin rằng tự bản thân quân đội Iraq có thể quay trở lại vãn hồi trật tự ở Iraq sau khi Mỹ đã trừ khử xong Tổng thống Saddam và lực lượng tay chân chóp bu của ông này.
Tiến trình Chiến tranh
Nếu Mỹ khử được ông Saddam thì điều này ảnh hưởng ra sao đến tiến trình cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh 1991? Nếu cái chết của ông Saddam dẫn tới một ban lãnh đạo Iraq mới sẵn sàng đàm phán và chấp nhận đầu hàng rồi rút quân khỏi Kuwait thì có lẽ đã tránh được chiến tranh.
Tuy nhiên, khả năng này dường như không dễ xảy ra. Việc xâm lược Kuwait có cơ sở quần chúng tương đối rộng rãi ở Iraq. Nhiều người dân Iraq khi đó nghi ngờ sâu sắc về tính hợp pháp của nhà nước Kuwait. Giới quân sự và chính trị Iraq cũng rất muốn chiếm Kuwait (và sáp nhập vào lãnh thổ Iraq với tư cách là một tỉnh của Iraq – ND).
Mặc dù Saddam nỗ lực kiểm soát chặt các hoạt động quân sự của Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh, người ta không rõ trong trường hợp giả định, người kế vị ông có hành động khác biệt một cách đáng kể hay không? Ít có khả năng để nghĩ rằng Mỹ sẽ tiến thẳng về Baghdad nếu ông Saddam thiệt mạng ngay trong những giờ đầu của cuộc Chiến tranh.
Tác động lên Iraq
Câu hỏi đáng bàn hơn là nền chính trị Iraq sẽ tiếp tục ra sao sau cuộc Chiến tranh 1991? Sự thiếu vắng Saddam sẽ được cảm nhận rõ ngay sau cuộc chiến này, khi chính phủ Iraq phải đương đầu với các cuộc nổi dậy ở phía bắc và phía nam. Bất cứ người nào kế vị ông Saddam chắc hẳn đều phải xuất thân từ đảng Baath cầm quyền, từ tầng lớp tinh hoa Sunni và đều có chung mối quan tâm đến việc trấn áp các cuộc nổi dậy. Mặt khác, một chế độ thiếu vắng Saddam có thể sẽ linh hoạt trong hoạt động đối ngoại và cách xử trí với lực lượng đối lập trong nước.
Bên trong Iraq, cấu trúc quyền lực của đảng Baath về cơ bản sẽ vẫn còn nguyên. Có thể xảy ra cuộc đấu đá giữa các nhân vật mới (bao gồm các con trai của Saddam), và điều này có nguy cơ tạo ra bất ổn ở Iraq và tạo thêm cơ hội cho các cuộc nổi dậy ở phía bắc và phía nam. Tuy nhiên, không nhận được sự ủng hộ quốc tế thì các cuộc nổi dậy đều không đủ sức lật đổ chế độ.
Cái chết của ông Saddam (vào năm 1991) có thể sẽ khiến cộng đồng quốc tế linh hoạt hơn trong cách “quản lý” Iraq.
Việc xuất hiện một lãnh đạo Iraq mới, không cứng rắn tới mức độ của Saddam Hussein, có thể sẽ làm giảm sự nghi ngại của quốc tế đối với các tuyên bố của Iraq về vũ khí giết người hàng loạt. Đặc biệt, một lãnh đạo Iraq nắm bắt tốt hơn “thời tiết chính trị quốc tế” sau loạt tấn công khủng bố 11/9/2001, biết cách ứng phó hợp lý thì có thể sẽ khiến cho chính quyền Bush khi đó khó lôi kéo sự ủng hộ cho một cuộc xâm lược Iraq.
Nói tóm lại trong trường hợp Mỹ ám sát thành công Tổng thống Iraq Saddam Hussein vào năm 1991 thì điều này sẽ có ít tác động đến tiến trình Chiến tranh Vùng Vịnh và những gì diễn ra sau chiến tranh. Tuy nhiên theo thời gian, việc thay thế Saddam Hussein có thể có những tác động lớn đến cả hai phía trong quan hệ Washington-Baghdad.
Bình luận