Nhân dân đang muốn các vị tư lệnh này - những con người của hành động thì sẽ được sắp xếp vào các vị trí công tác mới để họ được tiếp tục hành động...
“Dụng nhân như dụng mộc” - từ xưa, cổ nhân đã nói về nguyên tắc sử dụng người cũng như người thợ mộc chọn gỗ làm đồ. Mỗi loại gỗ, mỗi loại cây đều có những tố chất khác nhau, cho nên phải tùy theo công năng, hình thức của món đồ gỗ đó mà chọn gỗ cho phù hợp. Và cũng phải lựa gỗ để đóng đồ, hay làm nhà cho thật hợp lý. Không thể đem cây gỗ đáng làm xà ngang lại đẽo đi, làm đòn tay…
Càng ngẫm, càng thấy ngày xưa các cụ dạy cấm có sai cái gì bao giờ.
Cuộc đời làm báo mấy chục năm, tôi đã chứng kiến nhiều người đã rất thành công khi mà họ được sắp xếp vào một vị trí lãnh đạo đúng với sở trường, sở đoản của họ, cũng như được tạo những điều kiện tối đa để thỏa sức sáng tạo, làm việc.
Từ trái qua: Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng. |
Nhưng tôi cũng đã chứng kiến, có không ít người chỉ vì sắp xếp sai mà thân bại danh liệt, thậm chí mất cả mạng. Một trong những người đó là ông Phạm Thanh Sơn, nguyên là Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang.
Vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, mảnh đất An Giang là mảnh đất dữ, trộm cướp nhiều vô kể, các băng nhóm hoành hành đến nỗi cảnh sát hình sự đi ra đường phải “úp mũ vào mặt”, vì sợ người dân nhìn thấy sẽ chửi là “ăn gì của bọn cướp mà để chúng lộng hành quá mức”.
Trong một bối cảnh như thế, Phạm Thanh Sơn được điều về làm Trưởng phòng CSHS. Chỉ trong vòng vài ba năm, Phạm Thanh Sơn và các đồng sự đã dẹp gần như sạch sẽ các băng nhóm, trong đó có các băng nhóm cực kỳ nổi tiếng từ chế độ cũ như tướng cướp Bạch Hải Đường.
Là một người có năng khiếu bẩm sinh về đánh án hình sự, cộng với sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao, Phạm Thanh Sơn đã làm được điều mà không phải ai cũng có thể. Rồi Phạm Thanh Sơn được đề bạt làm phó giám đốc Công an tỉnh, phụ trách cảnh sát.
Đến những năm bắt đầu mở cửa, đổi mới xây dựng đất nước, thì lực lượng công an cũng bắt đầu làm kinh tế. Và với suy nghĩ đánh cướp còn được, nói gì làm kinh tế, và người ta giao cho Phạm Thanh Sơn đi làm… kinh tế.
Được vài ba năm, thì lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và mắc quá nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế, Phạm Thanh Sơn bị chính Công an tỉnh An Giang khởi tố và bắt tạm giam. Chịu không nổi sự nhục nhã, Phạm Thanh Sơn đã chọn cho mình cái chết ngay trong phòng làm việc.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Nói lại câu chuyện buồn ngày xưa để thấy rằng, công tác cán bộ, công tác tổ chức bao giờ cũng là rất khó. Người ta dễ dàng nhận thấy rằng, trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay có rất nhiều những người được đào tạo bài bản, nền tảng lý luận vững chắc, nhưng những kinh nghiệm thực tế trong việc điều hành một lĩnh vực mà người đó được bổ nhiệm làm “tư lệnh” thì chưa chắc đã tốt.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã có một số “tư lệnh” ngành hành động rất giỏi. Bằng những quyết sách đúng đắn, đi thẳng vào vấn đề, sáng tạo, chủ động và đặc biệt là ở tính quyết liệt. Những vị “tư lệnh” đó đã làm xoay chuyển tình hình ở lĩnh vực mình phụ trách, thậm chí xoay chuyển cả nền nếp, tác phong làm việc.
Đó là một Đinh La Thăng - “tư lệnh” ngành Giao thông Vận tải; là bà Nguyễn Thị Kim Tiến - “tư lệnh” ngành Y tế; là Nguyễn Văn Bình - “tư lệnh” ngành ngân hàng; là Trịnh Đình Dũng - “tư lệnh” ngành Xây dựng... Những người này đã thực sự trở thành những chiếc đầu tàu cực khỏe kéo cả đoàn tàu tăng tốc trên con đường mà Nghị quyết của Đảng đã vạch ra.
Họ đã làm việc với một tinh thần, thái độ kiểu như “bát gạo cũng nấu” - nghĩa là: mọi việc cũng họ làm đều vì cái chung, mà không có một chút nào để làm đất lùi cho mình. Làm mà không sợ đụng chạm, không “đắc tội” với ai đó, và làm trong tâm thế “ngày mai về ngay cũng chơi”.
Dĩ nhiên, không phải chỗ nào cũng đã hoàn hảo, không phải mọi quyết sách đã đạt được sự đồng thuận cao. Nhưng rõ ràng, những gì họ đã làm được không những được Đảng, nhân dân ghi nhận, mà còn được thế giới đánh giá cao.
Người ta bảo rằng, 5 năm làm tư lệnh ngành giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ, mà nếu như trước - có khi 15 năm không xong. Bà Kim Tiến cũng vậy, mặc dù ngành Y tế chưa thực sự chuẩn mực cao, hoặc chưa đạt được sự hài lòng cao của người dân, nhưng cũng không thể phủ nhận những gì bà đã làm được.
Đặc biệt là thay đổi quan điểm của đội ngũ thầy thuốc với người bệnh, đó là phải coi người bệnh như thượng đế. Xưa kia, chúng ta quen thói, người nhà nước ban ơn cho dân bằng việc này, việc khác. Nhưng đến bây giờ, với bà Kim Tiến, ngành Y tế sẽ phải coi người bệnh là thượng đế.
Hoặc như Thống đốc Nguyễn Văn Bình, chỉ trong 5 năm, ông đã làm được những điều chưa từng có: kiềm chế được lạm phát, dẹp loạn thị trường vàng, nâng dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay, sức mạnh của đồng nội tệ được nâng cao, hạn chế đô-la hóa nền kinh tế… rồi ông đã cứu được một loạt các ngân hàng, thực chất là cứu người dân khỏi mất tiền, cứu nhà nước khỏi bị sụp đổ lòng tin…
Nhưng, với những vị “tư lệnh” này, họ cũng đã từng nói thẳng rằng: những việc họ làm không phải cái gì mới mẻ, không phải sáng tạo cái gì ghê gớm, mà đó đều là những việc đã có từ lâu, có nhiều người đề xuất - nhưng không ai làm.
Họ chỉ là người nắm bắt được những ý tưởng đó, sáng kiến đó, sửa đổi, chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn, rồi bằng sự quyết liệt để ép một guồng máy thực hiện cho đúng. Nếu nói một cách không ngoa thì chính các vị “tư lệnh” này đã tạo nên một bộ mặt kinh tế mới cho Việt Nam trong những năm qua.
Và điều thật đáng mừng, những kết quả công tác của họ đã được Đảng, nhân dân ghi nhận và nhiều người đã được tín nhiệm, giao cho trọng trách lớn hơn rất nhiều.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Dư luận đang rất phấn khởi khi Đinh La Thăng đang từ “tư lệnh” ngành giao thông lại trở thành “tư lệnh” của một địa phương có tầm quan trọng bậc nhất đất nước. Rồi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trở thành “tư lệnh” của Hà Nội. Thời gian mới chỉ tính bằng ngày, mà các vị “tư lệnh” này đã có những quyết đáp, hành xử và phát ngôn khiến người dân hết sức đồng tình và ủng hộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chúng ta hoàn toàn có đủ niềm tin rằng các vị “tân tư lệnh” này sẽ huy động được sức mạnh của nhân dân, của toàn Đảng bộ vào thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII.
Sự sắp xếp cán bộ vào các vị trí lãnh đạo “tư lệnh” lần này xem ra đang có hiệu quả và tạo được sự hưởng ứng đồng thuận không chỉ của cán bộ, Đảng viên mà còn của người dân, đó thực sự là điều đáng mừng.
Người dân cũng đang mong mỏi là những vị “tư lệnh” mà đã đóng được dấu ấn quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong 5 năm qua thì sẽ tiếp tục được giao phó cho những trọng trách mà đó là quản lý, điều hành các lĩnh vực mà họ đã có rất “thuộc vai”. Và nói theo cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì: “Làm gì cũng phải đúng vai”.
Đã có một thời, chúng ta phân công việc cho lãnh đạo theo tư duy “đã vào cấp ủy thì làm gì cũng được”. Chính vì vậy, nhiều ngành nghề đòi hỏi người lãnh đạo phải rất am hiểu, rất giỏi chuyên môn, thì lại đưa những người được cơ cấu trong cấp ủy điều hành.
Và thế là dẫn đến tình trạng cái gì cũng nói chung chung, không dám quyết định, đặc biệt là trước những sự phức tạp nảy sinh, thì không biết đằng nào mà chỉ đạo. Loại cán bộ “giỏi chỉ tay năm ngón”, thực chất cũng là do dốt chuyên môn mà ra.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa…. của đất nước. Trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập một cách sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đang xây dựng một nền kinh tế thị trường đích thực thì càng phải có những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là nhà chuyên môn giỏi để điều hành, quản lý các lĩnh vực kinh tế.
Hơn lúc nào hết nhân dân đang muốn các vị tư lệnh này - những con người của hành động thì sẽ được sắp xếp vào các vị trí công tác mới để họ được tiếp tục hành động.
Đó là mong muốn chính đáng.
Nguồn: Petrotimes
Bình luận