• Zalo

Chuyện đưa 5.000 con lừa ra trận đêm Noel năm 1971

Thời sựChủ Nhật, 25/12/2011 05:05:00 +07:00Google News

Cách nay vừa đúng 40 năm, cũng vào dịp lễ Noel năm 1971, để chuẩn bị cho chiến dịch “81 ngày đêm hoa lửa”, Đoàn 808 được giao một nhiệm vụ đặc biệt.

Cách nay vừa đúng 40 năm, cũng vào dịp lễ Noel năm 1971, để chuẩn bị cho chiến dịch “81 ngày đêm hoa lửa” ở mặt trận Quảng Trị, Đoàn 808, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) đã được giao một nhiệm vụ đặc biệt.

Anh Mai Huy Tân (bìa phải) chụp ảnh kỷ niệm với gia đình trước khi nhận nhiệm vụ áp tải 5.000 con lừa vào chiến trường. 
Đó là lặng lẽ hành quân đến ga Đồng Đăng, tỉnh lạng Sơn để tiếp nhận sau đó áp tải 5.000 con lừa do Chính phủ Mông Cổ gửi tặng nhân dân ta để tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm và vũ khí, đạn dược vào chiến trường. Một trong những cựu binh ngày ấy được giao thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này là Tiến sĩ Mai Huy Tân.

40 năm trôi đi, song những gì diễn ra trong thời khắc lịch sử ấy vẫn là những ký ức sôi động trong anh. Theo Tiến sĩ Mai Huy Tân, nguyên chiến sĩ Đoàn 808 thì ngày ấy sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh được điều về công tác tại Bộ Điện và Than. Công việc còn chưa ấm chỗ, theo tiếng gọi của chiến trường, anh lên đường nhập ngũ.

Trải qua ba tháng huấn luyện, Mai Huy Tân cùng các cán bộ, sỹ quan Đoàn 808 được giao nhiệm vụ đặc biệt. Thời điểm này, theo sự thỏa thuận của hai bên trên bàn Hội nghị Paris, Mỹ buộc phải tạm dừng ném bom các tỉnh miền Bắc. Nhân cơ hội này ta tập trung lực lượng để khôi phục và sửa chữa hệ thống đường xá, đặc biệt là đường sắt từ biên giới phía Bắc đến tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Sát ngày lễ Noel, thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh biên giới phía Bắc rất lạnh, nhất là về đêm, nhưng khi nghe cấp trên nói: Đây là nhiệm vụ đặc biệt nên ai cũng háo hức. Chỉ đến khi hành quân đến ga Đồng Đăng, mọi người mới rỉ tai nhau: Nhiệm vụ đặc biệt mà cấp trên giao cho họ là tiếp nhận 5.000 con lừa do Chính phủ Mông Cổ tặng nhân dân ta, sau đó áp tải số lừa này vào phục vụ chiến trường.

Anh Mai Huy Tân (bìa phải) chụp ảnh kỷ niệm với gia đình trước khi nhận nhiệm vụ áp tải 5.000 con lừa vào chiến trường.

Sau này khi hoàn tất nhiệm vụ, những người lính áp tải lừa mới hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Thì ra trước đó, Đoàn đại biểu Chính phủ ta do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu sang thăm Mông Cổ. Trong thành phần của đoàn có Trung tướng Đinh Đức Thiện, khi đó là Chủ nhiệm Hậu cần, Bộ Quốc phòng.

Khi hội đàm với đoàn đại biểu Chính phủ Mông Cổ, tướng Đinh Đức Thiện đặt vấn đề: Để ngăn chặn các chuyến hàng chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam, có một số cung đường từ Quảng Bình vào chiến trường, địch đánh phá quá ác liệt phá hủy các tuyến đường huyết mạch. Do vậy việc vận chuyển các nhu yếu phẩm, vũ khí vào miền Nam bằng xe cơ giới gặp rất nhiều khó khăn.

Trung tướng Đinh Đức Thiện đề nghị Chính phủ Mông Cổ viện trợ cho Việt Nam 5.000 con lừa để làm nhiệm vụ vận chuyển hàng vào chi viện cho chiến trường. Sau khi nghe tướng Thiện đặt vấn đề, bạn đồng ý cấp ngay cho Việt Nam 5.000 con lừa, coi đây là quà tặng của Chính phủ và nhân dân Mông Cổ.

Sau khi hiệp định được ký kết, 5.000 con lừa to và khỏe được tuyển lựa kỹ càng theo tàu hỏa vượt qua đất nước Trung Quốc rồi tập kết tại nhà ga tàu hỏa Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, các chú lừa được chuyển tiếp lên các toa tàu hỏa Việt Nam. Khi Mai Huy Tân và các đồng đội của anh đến ga Đồng Đăng thì 5.000 con lừa đã yên vị trên các toa tàu.

Mặc dù thời điểm này, Mỹ ngừng ném bom các tỉnh miền Bắc nước ta, nhưng nhiệm vụ tiếp nhận và áp tải 5.000 con lừa vào chiến trường năm ấy được coi là việc làm tuyệt mật. Do vậy tất cả công việc đều diễn ra vào ban đêm. Còn những người được giao nhiệm vụ tiếp nhận và áp tải khi cần chỉ được phép dùng đèn pin. Khi đã yên vị người và lừa ngồi trên toa nào, biết toa ấy.

Theo sự phân công của lãnh đạo đoàn, ngoài nhiệm vụ tiếp nhận và áp tải lừa, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 808 ngày ấy còn phải lo chăm sóc sức khỏe, thức ăn, đồ uống cho lừa. Theo quy định, tàu chỉ chạy vào ban đêm, còn ban ngày đoàn tàu chở người và lừa phải tìm chỗ trú ẩn xa khu dân cư nhằm đảm bảo bí mật. Đêm đến lừa ngủ, còn người phải thức.

Sau 3 đêm hành quân xuyên màn đêm đoàn tàu chở người và lừa đến ga Cầu Giáp, tỉnh Nghệ An thì phải dừng lại, vì hệ thống đường sắt từ nhà ga này vào các tỉnh phía trong bị bom Mỹ phá hỏng. Từ đây, người và lừa phải hành quân bộ.

Cũng như cuộc hành trình bằng tàu hỏa, cuộc hành quân bộ chỉ diễn ra vào ban đêm. Do hệ thống đường xá, cầu cống bị máy bay địch tàn phá nên cả người và lừa phải leo đèo, lội suối và đi theo các đường độc đạo do giao liên dẫn đường.

Để tránh bị địch phát hiện, 5.000 con lừa được chia thành nhiều tốp. Trên đường đi, người cũng như lừa thường xuyên phải cắm cành cây để ngụy trang. Theo Tiến sĩ Mai Huy Tân thì thỉnh thoảng trên đường đi đoàn cũng gặp một số người dân ở các địa phương ven đường. Nhìn thấy bộ đội dắt lừa, họ rất ngạc nhiên. Mỗi một đêm hành quân, người và lừa thường đi được từ 20 – 25 km.

Theo quy định cứ đi 5 ngày lại được nghỉ một ngày. Thường thì địa điểm dừng chân để nghỉ là những cánh rừng. Vào những ngày nghỉ, lừa được nghỉ ngơi để dưỡng sức, còn bộ đội thì thay nhau đi lấy nước, cắt thêm cỏ và rau xanh để bổ sung, cơ số ăn cho lừa và người.

Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và gian khổ, nhất là khi gặp trời mưa, đường trơn, lầy lội, ăn uống kham khổ… đã vậy nhiều lúc cả người và lừa bị tai nạn trên đường đi; vậy nhưng ai cũng lạc quan và yêu đời. Họ động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao cho.

Sau 3 tuần hành quân, đoàn người và lừa cuối cùng cũng về tới đích. Đó là một cánh rừng ở miền Tây tỉnh Quảng Bình. Toàn bộ 5.000 con lừa được bàn giao cho Đoàn 559. Hoàn tất công việc, những người lính áp tải lừa ngày ấy được lãnh đạo Đoàn 559 dành cho một bữa ăn tươi khá tươm tất. Số lừa nói trên được bộ đội Trường Sơn sử dụng vào việc vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam.

Thường thì mỗi con lừa gùi một chuyến hàng có trọng lượng từ 150 – 200 kg, mỗi bên một bao gạo hoặc một hòm đạn. Tốc độ di chuyển của lừa khoảng 6km/giờ. 5.000 con lừa được bộ đội Trường Sơn phân làm nhiệm vụ ở nhiều cung đoạn khác nhau, song chủ yếu là các cung đoạn ở phía Tây đường Trường Sơn.

Cứ thế trải qua một thời gian dài, 5.000 con lừa đã tham gia vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực và vũ khí vào chiến trường, góp phần thắng lợi trong chiến dịch “81 ngày đêm” ở chiến trường Quảng Trị vào mùa hè năm 1972 và nhiều chiến dịch khác năm ấy.

Còn những người lính được giao nhiệm vụ tiếp nhận và áp tải lửa vào chiến trường, sau khi hoàn tất nhiệm vụ, người thì ở lại bổ sung lực lượng cho mặt trận Quảng Trị, người được điều đi nhận công tác khác.

Sau 40 năm, những người lính Bộ đội Cụ Hồ được giao nhiệm vụ tiếp nhận và áp tải 5.000 con lừa vào chiến trường ngày ấy, giờ đây mỗi lần có dịp gặp nhau, trong họ lại trào dâng ký ức và sau đó là niềm tự hào về một thời cùng lừa ra trận.

Theo Lưu Vinh/ CAND
Bình luận
vtcnews.vn