Kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày năm nay diễn ra trong đợt cao điểm Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành trên cả nước ứng phó với dịch bệnh COVID-19, nghiêm ngặt thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng. Chính bối cảnh đặc biệt này đã tạo nên những kỷ niệm khó quên với nhiều người.
Không đi du lịch, cắm trại tại vườn đón Quốc khánh
“Công ty thông báo: Nghỉ lễ - Tết Độc lập từ ngày 2/9 đến hết ngày 3/9, sau nghỉ lễ quay trở lại nghỉ dịch bình thường”, đây là dòng thông báo ngắn gọn, đầy tính hài hước mà anh Giang Văn Quyết - Giám đốc một công ty luật đăng tải trên trang Facebook cá nhân.
Anh Quyết chia sẻ rằng, mặc dù dịch bệnh khiến anh có nhiều thứ phải lo lắng: lo lắng cho đời sống của nhân viên công ty, lo lắng với những khoản tiền không nhỏ cần chi trả hàng tháng để duy trì văn phòng, trụ sở nhưng anh Quyết vẫn ủng hộ chính sách chống dịch bệnh của thành phố. Do đó, anh và đồng nghiệp yên tâm làm việc ở nhà và liên lạc với nhau từ xa.
Tại căn nhà nhỏ nằm cách TP Hà Nội khoảng 50km về phía tây, người đàn ông 34 tuổi này bắt đầu lên kế hoạch cho một “chuyến du lịch” với gia đình vào dịp nghỉ lễ 2/9 để người thân được quây quần với nhau mà vẫn đảm bảo an toàn giữa mùa dịch.
Tận dụng khoảng vườn trống cạnh nhà, với một đống lửa nhỏ, củi khô có sẵn, rau củ trong vườn, gà thì trong chuồng, một chiếc lều nhỏ, thêm việc thời tiết ủng hộ, gia đình anh Quyết đã có thể thực hiện một chuyến dã ngoại “hoàn hảo”.
Hai bé nhà anh tỏ ra vô cùng thích thú với chuyến dã ngoại trong vườn có đầy đủ cả lều trại, bếp lửa, đồ nướng và âm nhạc: “Bố nướng gà bên bếp lửa, bà nội và mẹ thì chuẩn bị hoa quả, còn các cháu nhỏ nô nức chơi đùa xung quanh. Khoảnh khắc vui vẻ này thật đáng quý và không phải lúc nào cũng có được”, anh Quyết vui vẻ chia sẻ.
Mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt trong cuộc sống, anh Quyết vẫn đầy lạc quan: "Nếu như không phải ở nhà vì dịch bệnh thì hiếm khi cả nhà có dịp quây quần, dành thời gian ở bên nhau và có lẽ 2 bé không biết đến bao giờ mới được tận hưởng chuyến dã ngoại vui vẻ như thế này trong cuộc sống".
Cũng như anh Quyết, chị Thu Hương ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, đã lâu lắm rồi nhà chị mới không đi du lịch vào kỳ nghỉ lễ 2/9. Mọi năm, dù kỳ nghỉ có ngắn ngày thì vợ chồng chị cũng xin nghỉ phép thêm vài ngày để tổ chức đi du lịch cùng hai con. Nhưng năm nay, hứa hẹn với con hết từ dịp 30/4 đến nghỉ hè và bây giờ là 2/9, chuyến du lịch ấy cũng vẫn không thể thực hiện được.
"Dù tiếc nuối nhưng hai con của tôi cũng biết đó là do tình hình bất khả kháng nên cũng không đòi hỏi nhiều. Cả nhà đều mong dịch bệnh sớm kết thúc để đi du lịch vào dịp Tết Nguyên đán năm nay", chị Hương nói.
Lần đầu tiên không về quê dịp 2/9
Mọi năm, anh Nguyễn Duy Cảnh, kỹ sư cầu đường đang làm việc tại Hà Nội, thường ngóng chờ dịp nghỉ lễ 2/9 để tranh thủ về huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên thăm bố mẹ, gia đình. Thời điểm này cũng là lúc bố mẹ già của anh “vật lộn” với hơn 1 mẫu nhãn chính vụ đang vào mùa, vì thế anh thường xuyên về quê để đỡ đần gia đình thu hoạch.
“Từ khi ra ngoài đi làm đến nay đã khoảng 8 năm rồi, đây là lần đầu tiên dịp nghỉ lễ 2/9 tôi không có mặt ở nhà. Dù nhà tôi có thuê thêm người để phụ bố mẹ hái nhãn nhưng tôi vẫn thấy sốt ruột, lo lắng. Tuy vậy, bố mẹ tôi đã gọi điện động viên, dặn dò tôi tuân thủ quy định của thành phố, bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng nên tôi cũng nguôi ngoai nỗi nhớ nhà", anh Cảnh chia sẻ.
Bất đắc dĩ phải ở lại thành phố, anh Cảnh đang đếm từng ngày dịch bệnh được đẩy lùi, Hà Nội sớm an toàn để anh sớm được về quê thăm người thân, họ hàng.
Nghỉ lễ 2/9 vẫn không ngừng lo cạn vốn
Anh Trần Trọng Tráng (29 tuổi) chia sẻ, dù nghỉ lễ nhưng tâm trí của anh không thể nghỉ ngơi. Rời quê hương lên thành phố lập nghiệp từ năm 2014, đến năm 2020 anh mới thực hiện được ước mơ của riêng mình đó là mở được một chuỗi trà chanh “sang - xịn”. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh, nhưng quán trà chanh Phố cổ đầu tiên đã trình làng tại khu vực phường Mộ Lao, quận Hà Đông vào khoảng tháng 8/2020. Không lâu sau đó, quán trà chanh phố cổ thứ 2 cũng “chào sân” vào khoảng tháng 6/2021.
Anh muốn xây dựng một chuỗi cửa hàng trà chanh và muốn quán đầu tiên chính là “tổng bộ”, vừa là nơi bán trà chanh, vừa là nơi đào tạo nhân lực cho những nhân sự nhượng quyền mới. Đang bước vào thương trường với khí thế hừng hực đầy hoài bão thì đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hà Nội giãn cách toàn xã hội để chống dịch, quán xá đóng cửa, ai ở đâu ở yên chỗ đó.
Tính đến dịp nghỉ lễ 2/9, hệ thống quán trà chanh của anh Tráng đã đóng cửa im lìm được gần 2 tháng. tiền thuê mặt bằng, các loại chi phí vẫn tiêu tốn hàng ngày nhưng tiền thì không kiếm được đồng nào khiến người đàn ông trẻ tuổi vô cùng lo lắng.
Chỉ tính riêng tiền mặt bằng của hai cơ sở cũng đã ngốn gần 40 triệu đồng mỗi tháng. Còn chưa kể tiền lãi ngân hàng anh Tráng vay để mở rộng kinh doanh trước đó. “Toàn bộ tâm huyết, vốn liếng tôi dồn vào trà chanh. Giãn cách nên quê cũng không về được. Nghỉ lễ 2/9 thì cũng ở im trong quán, lặng yên nhìn cái không gian trang hoàng lộng lẫy này mỗi ngày đốt đi hơn cả triệu bạc trong khi chẳng kiếm được đồng nào, muốn không lo cũng không được”, anh Tráng bộc bạch.
Đại dịch COVID-19 đang tác động đến từng người dân Việt Nam, dù cho hoàn cảnh khác nhau, mức độ tác động nặng nhẹ cũng khác nhau nhưng ai nấy cũng đều có chung một ước nguyện rằng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi người được quay trở lại cuộc sống bình thường, lao động, học tập, sinh hoạt như trước khi có dịch.
Bình luận