• Zalo

Chuyện đời của ông chủ 'dầu tràm Cung Đình'

Kinh tếThứ Ba, 09/06/2015 12:10:00 +07:00Google News

Lăn lóc đủ nghề ở tuổi đôi mươi khi trong tay không một đồng vốn, không tay nghề nhưng bằng tinh thần cầu tiến và nỗ lực không ngừng, đến nay Ngô Văn Cường đã trở thành doanh nhân thành đạt, ông chủ thương hiệu dầu tràm Cung Đình với nhiều hoài bão lớn.

Lăn lóc đủ nghề ở tuổi đôi mươi khi trong tay không một đồng vốn, không tay nghề nhưng bằng tinh thần cầu tiến và nỗ lực không ngừng, đến nay Ngô Văn Cường đã trở thành doanh nhân thành đạt, ông chủ thương hiệu dầu tràm Cung Đình với nhiều hoài bão lớn.

Lăn lóc đủ nghề

Sau khi thi trượt đại học năm 1990, những tưởng cánh cửa vào đời không còn rộng mở với chàng trai Ngô Văn Cường (SN 1971). Song với nhiệt huyết tuổi đôi mươi, anh quyết định rời vùng quê nghèo Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế vào TPHCM lập nghiệp. Không vốn liếng, tay nghề cũng không, anh lân la đến các trường đại học mong kết bạn với các sinh viên giỏi để hướng nghiệp cho mình.

Thời gian đầu, ông Cường tiếp thị sách tại các trường cấp 3 trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Long An... Sau đó, anh tham gia các chương trình ca nhạc, tổ chức một số trận bóng đá giữa đội tuyển nữ Q1, TPHCM (nòng cốt đội tuyển nữ Việt Nam tham dự SEA Games sau này) với đội bóng nam ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Các trận cầu “đặc biệt” ấy luôn thu hút hàng chục ngàn khán giả đến sân cổ vũ. Nhờ vậy ông Cường cũng kiếm được một khoản kha khá từ tiền bán vé.
Doanh nhân Ngô Văn Cường (trái) trong một lần trao tiền cho đại diện Báo CATP để làm từ thiện - Ảnh: Kim Ngọc 

Dành dụm được số vốn nho nhỏ, ông Cường mở cửa hiệu giặt ủi Phú Cường chuyên phục vụ các nhà hàng, khách sạn. Do thiếu kinh nghiệm ông đã thất bại, phải đóng cửa tiệm sau gần một năm hoạt động. Không nản chí, ông Cường tiếp tục bươn chải gầy dựng lại từ đầu. Qua tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu giáo dục mầm non, năm 2007 ông lập Trường mầm non quốc tế Việt Mỹ tại Q.Tân Phú, thiết kế theo tiêu chuẩn môi trường học tập quốc tế trong khuôn viên rộng 1.000m2.

Trường gồm 3 tầng lầu, 2 sân chơi ngoài trời và trong nhà, được trang trí bởi những họa sĩ có tay nghề cao không khác gì khu vui chơi thu nhỏ. Nhờ trang bị đầy đủ tiện nghi cao cấp và trang thiết bị học tập hiện đại, đáp ứng tốt sinh hoạt hàng ngày của các bé, sau 8 năm hoạt động trường trở thành địa chỉ uy tín đối với các phụ huynh.

Năm 2014, ông Cường mở thêm trường thứ hai. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống Trường mầm non quốc tế Việt Mỹ đã thu hút hơn 400 bé theo học.


Ông Cường còn thành lập chuỗi 11 cửa hàng bánh mỳ Hà Nội tại các vị trí trung tâm ở TP HCM. Với phương châm “nóng giòn, thơm ngon, an toàn thực phẩm”, các cửa hàng này luôn thu hút đông đảo thực khách, nhất là nhân viên công sở bận rộn và sinh viên, học sinh cần thức ăn nhanh nhưng đảm bảo chất lượng.

Gầy dựng lại thương hiệu dầu tràm

Vùng đất Lộc Thủy, huyện Phú Lộc có làng nghề chế biến dầu tràm truyền thống nổi tiếng trước kia, chuyên cung cấp cho vua chúa, quan lại triều đình Huế. Tinh dầu tràm có tác dụng phòng ngừa gió máy, cảm mạo; dùng làm đẹp cơ thể, đặc biệt rất tốt cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, theo thời gian nguồn nguyên liệu tại địa phương ngày càng khan hiếm. Do thu nhập từ nghề này không cao nên nông dân chặt bỏ dần, vì vậy nghề chế biến dầu tràm cũng mai một.

Những dịp về thăm quê, ông Cường không khỏi nặng lòng và luôn ấp ủ hoài bão khôi phục lại làng nghề truyền thống ấy. Sau nhiều chuyến ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, năm 2011 ông Cường thành lập Công ty dầu tràm Cung Đình. Ông mời một số nghệ nhân nổi tiếng xây dựng lại lò luyện tràm, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến như thiết bị chưng cất hiện đại, đóng chai, vô trùng...

Sản phẩm dầu tràm Cung Đình ra đời đảm bảo chất lượng cao, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận.

Ông Cường cho biết thời gian tới, công ty sẽ mở rộng hệ thống phân phối trên toàn quốc và cả nước ngoài, để đưa sản phẩm đến tay người dùng, quảng bá cho làng nghề truyền thống của Phú Lộc.


Đến nay, Công ty dầu tràm Cung Đình, hệ thống Trường mầm non quốc tế Việt Mỹ cùng chuỗi cửa hàng bánh mỳ Hà Nội đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 300 lao động. Hơn 20 năm lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng, doanh nhân Ngô Văn Cường thấu hiểu khó khăn của các bạn trẻ, những sinh viên nghèo nên luôn tạo điều kiện giúp đỡ.

Ngoài việc thường xuyên hỗ trợ các mảnh đời bất hạnh, anh còn sát cánh với các cơ quan báo chí trong các hoạt động từ thiện như: tặng quà Tết cho đồng bào nghèo; trao tiền, xe đạp, tập, sách cho học sinh nghèo vượt khó; ủng hộ hoạt động của cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam...

Nguồn: Công an TP HCM
Bình luận
vtcnews.vn