(VTC News) - Đến thăm chị gái chữa bệnh rồi ở lại luôn bệnh viện quậy phá, nhìn bác sỹ như ma quỷ...là những chuyện ‘dở khóc, dở cười’ ở Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng.
Trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, PV VTC News có dịp được lắng nghe những chia sẻ, trải lòng của các y bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, nơi tiếp nhận, chữa trị, chăm sóc hàng ngàn bệnh nhân tâm thần và được nghe những chuyện ‘dở khóc, dở cười” từng xảy ra nơi đây.
Thăm chị tâm thần, em cũng thành “thần kinh”
Bác sỹ Trần Văn Lập - Trưởng khoa Cấp tính Nam - Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cho biết, bệnh viện có nhiều khoa khác nhau, trong số đó có 2 khoa đặc biệt nhất là khoa Cấp tính Nam và Khoa Cấp tính nữ.
Đặc thù của khoa cấp tính Nam là điều trị những bệnh nhân tâm thần cấp tính nam, là những người bệnh nặng, có nhiều hành vi nguy hiểm, cho nên việc quản lý, chăm sóc đối với những bệnh nhân này là hết sức khó khăn, vất vả và không kém phần nguy hiểm.
Bác sỹ Trần Văn Lập trò chuyện với bệnh nhân tâm thần - Ảnh MK |
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân L.C.H, SN 1975 (ở quận Lê Chân, Hải Phòng), có mẹ đẻ, chị gái đều bị bệnh tâm thần, bản thân cũng bị bệnh tâm thần trên 10 năm nay, đã được điều trị ở nhiều nơi, khi về nhà điều trị ngoại trú lại không chịu uống thuốc nên bệnh đã tái phát trở lại và có chiều hướng nặng hơn.
Thời gian gần đây, H. thường bỏ đi lang thang, quậy phá, gây gổ đánh nhau với những người xung quanh. Đầu tháng 12/2014, H. vào thăm chị gái đang điều trị bệnh tại Khoa cấp tính nữ Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng và ở lại luôn trong bệnh viện không về nữa.
Cũng từ đó, H luôn quậy phá, đe dọa, hành hung nhân viên y tế nữ của bệnh viện, nếu ai can ngăn lập tức bị anh ta ‘tấn công”, buộc lực lượng bảo vệ và nhân viên nam phải can thiệp, khống chế để cưỡng bức điều trị.
Các bác sỹ phải cố định H. tại giường bệnh, sử dụng thuốc an thần. Sau vài ngày điều trị, H. dần ổn định tinh thần trở lại và tiếp tục điều trị. Khoảng 1 tháng sau, H. đã tỉnh táo, sinh hoạt bình thường như những bệnh nhân nhẹ khác.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Lập, đối với loại bệnh này cần phải điều trị lâu dài. Do vậy, người nhà và bệnh nhân phải tuân thủ hướng dẫn điều trị của thầy thuốc mới có khả năng nhanh phục hồi, sớm ổn định tinh thần trở lại với cộng đồng.
Các y bác sỹ chăm sóc bệnh nhân ăn trưa - Ảnh MK |
Nhìn bác sỹ như ma quỷ
Mới đây nhất là một trường hợp bệnh nhân Đ.N.C, SN 1985 (ở Sở Dầu, Hồng Bàng, Hải Phòng), nhập viện từ đầu tháng 1/2015.
Bệnh nhân C. bị bệnh tâm thần phân liệt nhiều năm, đã từng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, sau đó điều trị ngoại trú tại cộng đồng, nhưng C. bỏ thuốc không uống nên khoảng 1 tháng sau bệnh tái phát trở lại với mức độ nặng hơn.
Những biểu hiện bệnh lý của C. như nhìn mọi người xung quanh như ma quỷ đáng muốn giết hại mình, C. nghe thấy trong đầu có tiếng đe dọa, xui khiến mình, nên có xu hướng muốn tấn công lại những người xung quanh. Đây là bệnh lý và hành vi hết sức nguy hiểm cho những ai tiếp xúc với C..
“Khi bệnh nhân C. tỉnh lại kể, lúc đấy cháu nhìn thấy các cô, các chú như ma quỷ, có người xui khiến cháu nên cháu phải chiến đấu lại. Giờ cháu tỉnh lại cháu xin lỗi các cô, các chú” - bác sỹ Lập kể lại.
Theo bác sỹ Lập thì đây là trường hợp bệnh nhân bị ảo giác chi phối các hành vi nên họ có những hành vi hết sức nguy hiểm mà những người xung quanh không thể lường trước được.
Đặc biệt là người thân trong gia đình cần hết sức cảnh giác và nếu phát hiện có những biểu hiện như trên phải kịp thời đưa đến bệnh viện điều trị ngay, tránh để ở nhà gây hậu quả khôn lường.
Đặc biệt là người thân trong gia đình cần hết sức cảnh giác và nếu phát hiện có những biểu hiện như trên phải kịp thời đưa đến bệnh viện điều trị ngay, tránh để ở nhà gây hậu quả khôn lường.
Ngoài hai trường hợp bệnh nhân nêu trên, thì hầu hết các bệnh nhân nam vào viện đều có những hành vi nguy hiểm do rối loạn tâm thần gây ra. Trong đầu họ luôn nghĩ có người theo dõi, tấn công gia đình, hãm hại bản thân nên những bệnh nhân này luôn có hành vi phòng bị hoặc tấn công những người tiếp xúc với họ.
Cũng theo bác sỹ Lập, mỗi năm Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng tiếp nhận và điều trị khoảng trên 2000 lượt bệnh nhân, trong đó riêng khoa cấp tính nam tiếp nhận khoảng trên 500 lượt bệnh nhân, đa số họ đều có những biểu hiện, hành vi như đã nêu trên.
“Nhiều y bác sỹ, nhân viên y tế bị đánh sưng mày, sưng mặt, chửi bới hàng ngày, tuy nhiên do hiểu loại bệnh này nên anh chị em chỉ biết cười vui vẻ và tận tình chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân sớm khỏi bệnh mà thôi” - bác sỹ Lập trải lòng.
Bệnh nhân chơi thể thao phục hồi chức năng sau điều trị - Ảnh MK |
Cũng theo bác sỹ Lập, hiện nay, đa số các bệnh tâm thần nói chung, giới y học thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Chính vì vậy, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn và chưa giải quyết tận gốc mà hầu hết hiện nay mới chỉ giải quyết phần ngọn của loại bệnh này.
Loại bệnh này thường hay tái phát bởi một số lý do như: Sau thời gian điều trị tích cực tại bệnh viện, thì bệnh nhân tiếp tục phải được điều trị lâu dài tại cộng đồng.
Tuy nhiên, do thời gian điều trị dài dẫn đến không kiên trì sử dụng thuốc; các thuốc sử dụng tại cộng đồng là những thuốc an thần kinh cổ điển, rẻ tiền, có nhiều tác dụng phụ cho nên khi bệnh nhân dùng thuốc có biểu hiện khó chịu nên sợ uống thuốc.
Khi bệnh nhân bỏ thuốc ít ngày là có thể tái phát trở lại, nếu không kịp thời đến bệnh viện điều trị mà để ở cộng đồng thì bệnh nhân lại trở lại trạng thái bệnh nặng như ban đầu và có chiều hướng bệnh nặng hơn.
Minh Khang
Bình luận