Đó là ấn tượng của Chương trình thăm lại: “Chiến trường xưa” trên đất bạn Campuchia, do hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia tổ chức, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (7/1/1979 - 7/1/2019).
Vượt qua hàng ngàn km trong hành trình “Về nguồn – thăm lại chiến trường xưa”, các đại biểu từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân những người có công…, đã bắt đầu cuộc hành trình sang đất bạn Campuchia vào những ngày đầu năm 2019.
Những cái bắt tay bịn rịn, vui mừng, hồ hởi khi được gặp lại những người bạn thuở nào đã làm cho thời gian như ngừng lại và đưa trở về những ngày xưa bom đạn bởi những câu chuyện kể đầy cảm động. Nhớ về những ngày đầu mới giải phóng thủ đô Phnom Penh khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cựu chiến binh Lê Thành Tạc cho biết: Thời kỳ chiến đấu trên chiến trường Campuchia đầy gian khổ, hy sinh nhưng lại đầy nghĩa tình với những người dân Campuchia.
“Người dân vừa thoát khỏi cuộc sống tập thể nên khi gặp những người lính tình nguyện Việt Nam thì họ mừng lắm, mừng như sống lại được. Mới đầu họ cũng ngại ngùng, một lúc sau thì cử một hai người cầm cái thau, vật dụng bé tới nói: Mấy chú bộ đội ơi, cho tôi ít gạo về nấu. Mình là chỉ huy ở đó nên mình có nói: Bà con cứ chia nhau đi, mỗi người một ít sao cho ai cũng có. Họ lấy gạo xong, đến tối cũng có người đến hỏi xin đường, tôi nói bà con cứ chia nhau thôi", cựu chiến binh Lê Thành Tạc chia sẻ.
Gần như khắp nơi trên đất nước Chùa Tháp đều có ký ức những đoàn quân tình nguyện Việt Nam. Một cuộc chiến khốc liệt đã làm cho hàng vạn chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam mãi mãi nằm lại nơi đất khách. Và cũng từng ấy chiến sỹ đã phải bỏ lại một phần thân thể của mình, tất cả những anh hùng này sẽ mãi được lịch sử công nhận, và người dân Campuchia khắc ghi. Bởi họ đã cứu vớt cả một dân tộc có nền văn minh Ăngkor lẫy lừng, làm hồi sinh một dân tộc có nền văn hóa Phật giáo lâu đời. Như lời tâm sự của ông Vông Sa Khon ( Vong Sakhon) – 56 tuổi, tại thủ đô Phnom Penh về các người lính, chuyên gia người Việt Nam thì đó là những người anh hùng, những người bạn của mỗi người dân Campuchia:
“Khi được gặp những người lính tình nguyện Việt Nam, tôi rất vui mừng vì đó là những người tốt, thẳng thắn. Tôi cảm ơn những người lính tình nguyện Việt Nam đã sang giải phóng chúng tôi khỏi chế độ diệt chủng Pon Pot. Tôi hi vọng rằng mối quan hệ Campuchia – Việt Nam ngày càng tốt đẹp’’.
Những năm tháng chiến tranh qua đi, không chỉ để lại trong tâm khảm của những người dân Campuchia những hình ảnh đẹp về những người lính Cụ Hồ, mà ngay cả những người lính đó cũng không thể nào quên được tình cảm mà người dân Campuchia dành cho mình và đồng đội. Ông Lê Hồng Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Phía Nam BCHTW Hội Hữu nghi Việt Nam - Campuchia, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia, trưởng ban tổ chức chương trình thăm lại: “Chiến trường xưa” trên đất bạn Campuchia cho biết: Chương trình xuất phát từ những tâm tư, nguyện vọng của mọi người, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho các thành viên tham gia.
Ông cho biết: “Nhân kỷ niệm 40 năm, chúng ta chiến thắng chiến dịch bảo vệ phía Tây Nam của tổ quốc, cùng với nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, và tạo điều kiện cho những người đã từng kề vai sát cánh với nhân dân, quân đội Campuchia trước kia được thăm lại và nhìn thấy những thành quả phát triển ổn định, vững chắc của đất nước chùa Tháp.”
Sự xúc động hiện trên từng gương mặt của những thành viên tham gia chương trình, chuyến đi như sự hòa quyện một mạch dài tiếp nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Đọng lại trong mỗi người tham dự, cũng như trong ký ức những người dân Việt Nam và Campuchia là những ấn tượng khó quên về bài học lịch sử, về truyền thống cách mạng, về tình đồng đội, nét nhân văn cao đẹp của những người cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong ngày ấy.
Bình luận