"Nhốt" nhựa vào bê tông
Chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Xuân tại xưởng của ông thuộc xã Vĩnh Thạnh (TP Nha Trang, Khánh Hòa) vào một buổi trưa muộn. Với nụ cười niềm nở, ông Xuân đưa chúng tôi đi tham quan từng ngóc ngách trong khu vườn đầy sinh động của mình.
Tại đây trưng bày rất nhiều sản phẩm như: bàn, ghế, chai lọ, viên gạch… đầy màu sắc. Thoạt nhìn, nhiều người dễ nhầm tưởng các sản phẩm này được làm hoàn toàn từ đá granite, nhưng khi tận mắt chứng kiến quy trình chế tác của ông Xuân, mới nhận ra chất liệu của nó là từ bê tông và rác thải nhựa.
Là một kĩ sư điện, sau khi về hưu, ông Xuân đã sử dụng các kiến thức vật lý của mình và tự nghiên cứu thêm để thực hiện ý tưởng tái chế rác thải nhựa thành vật dụng có ích.
“Bê tông là sản phẩm được sử dụng khá phổ biến trên thế giới. Rác thải nhựa cũng có mặt khắp nơi. Do đó, giải quyết được bài toán về bê tông cùng rác thải nhựa thành công sẽ bảo vệ môi trường rất hữu hiệu” - ông Xuân nói.
Sau khi hình thành ý tưởng, ông Xuân bắt tay vào nghiên cứu với nhiều phương pháp khác nhau. Đầu tiên, ông sử dụng các phương pháp nhiệt phân, hóa dẻo sau cùng mới đến phương pháp bê tông rác thải nhựa. Chính phương pháp bê tông rác thải nhựa hay còn gọi là “nhốt nhựa vào bê tông” đã giúp ông thành công khi tính toán giá cả đầu vào, đầu ra hợp lý và có lãi.
Nói về công thức “nhốt nhựa vào bê tông”, ông Xuân chia sẻ chỉ cần kết hợp các hạt nhựa cùng bê tông được sản xuất từ xi măng, cát, đá, cốt liệu, nước... Tuy nhiên, nhựa với thuộc tính trơn, rất khó kết dính bền với xi măng nên bê tông với nhựa không đạt được cường độ chịu nén cần thiết. Do đó, ông Xuân đã tìm ra giải pháp thêm chất phụ gia phù hợp để kết nối các vật liệu với nhau.
“Chất phụ gia được đội ngũ kỹ sư của công ty nghiên cứu, phối thuộc và chính chất phụ gia này tạo nên sự kết dính giữa bê tông và nhựa”, ông Xuân chia sẻ bí quyết.
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này làm bê tông từ rác thải nhựa là không gây ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đã được xử lý nguội bằng nghiền nát. Cùng với đó, máy nghiền có thể xử lý mọi loại rác thải nhựa mà không phải phân loại như những phương pháp tái chế nóng khác.
Để có nguồn rác thải nhựa tái chế, ngoài việc thu gom trong gia đình và hàng xóm, ông Xuân còn đặt mua thêm từ các vựa mua bán phế liệu.
Theo tính toán của ông Xuân, để làm ra một chiếc ghế đá có trọng lượng 150 kg cần 50 kg nhựa, so với ghế đá được làm bằng bê tông 100% sẽ rẻ hơn từ 20 - 30%.
Ông Xuân chia sẻ thêm, để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh như hiện nay, ông đã mất hai năm nghiên cứu, tìm tòi. Ngoài công dụng bảo vệ môi trường, bê tông rác nhựa có thể làm hàng nội ngoại thất, vật liệu xây dựng hoặc làm đường có tải trọng thấp.
Sẵn sàng chia sẻ công nghệ
Mặc dù các sản phẩm của ông Xuân hiện nay mang nhiều ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường, nhưng chưa được người tiêu dùng chú trọng, nhiều người còn tâm lý e ngại sản phẩm làm ra từ rác.
Điều khó khăn nữa là đầu vào rác thải nhựa chưa thực hiện được phân loại sạch, rác nhựa trộn hỗn hợp với rác hữu cơ làm cho quá trình nghiền nát, trộn không hiệu quả, dẫn đến tốn kém chi phí. Mặc khác, việc cạnh tranh thị trường với dòng sản phẩm truyền thống cùng loại cũng rất khó khăn.
Mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông Xuân luôn đau đáu với công việc bảo vệ môi trường. Điều ông mong muốn nhất bây giờ là có thêm nhiều đơn vị, cá nhân cùng tham gia tái chế rác thải nhựa. Ông và các cộng sự sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao công nghệ miễn phí hoặc hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm…
“Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm vững bước trên con đường mình đã chọn. Để góp phần làm sạch môi trường, chúng tôi rất cần sự đồng hành của tất cả người dân trong việc phân loại rác thải nhựa”, ông Xuân tâm huyết.
Nói về những dự định trong tương lai, ông Xuân mong muốn sử dụng các sản phẩm bê tông rác thải nhựa để tạo thành các rạn san hô nhân tạo, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản và làm đê chắn sóng ngầm bảo vệ bờ biển từ xa.
“Nghe có vẻ viển vông nhưng dự án này là điều mà tôi ấp ủ đã từ lâu, hy vọng 5 năm nữa giải pháp này sẽ thành hiện thực”, ông Xuân cười.
Bình luận