Video: Cô giáo Nguyễn Thị Hội như "người mẹ thứ hai" của học sinh tại trường Tiểu học Sơn Lạc
Cô giáo như “người mẹ thứ hai”
Tới trường Tiểu học Sơn Lạc (Yên Sơn, Tuyên Quang), tôi gặp và trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Hội – giáo viên phụ trách lớp học khuyết tật và thiểu năng trí tuệ.
Cô Nguyễn Thị Hội cho biết, trong lớp có 12 học sinh, mỗi em một dạng khuyết tật, em thì bị câm điếc, em bị hội chứng Down, bị tim bẩm sinh, huyết tán rồi có em lại không có cơ vòng hậu môn, khó khăn hơn nữa là lại bị liệt,… Tuy vậy, cô luôn cảm thấy vui vẻ và yêu công việc giảng dạy mỗi khi bên các em.
Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, cô Hội tâm sự: “Năm 1989, sau khi tốt nghiệp sơ cấp Sư phạm, tôi bước chân vào nghề dạy học. Lúc đó, tôi dạy tại trường Tiểu học Sơn Phú (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang)".
Thời gian này, cô cho biết gặp khá nhiều khó khăn khi dân cư ở đây chủ yếu là dân tộc ít người, cơ sở vật chất thiếu thốn. Sau đó, được sự giúp đỡ, động viên của gia đình nên cô đã cố gắng vừa dạy vừa học thêm thời gian hè hoàn thiện kỹ năng sư phạm và đạt trình độ chuẩn giáo viên Tiểu học.
Đến năm 2004, cô chuyển về trường Tiểu học Sơn Lạc công tác, môi trường mới, cuộc sống mới, mọi điều cô lại phải học hỏi lại. Khi mới về, cô chủ nhiệm lớp 2 tại phân hiệu Nông Lâm.
"Năm 2008, tôi về Trung tâm dạy kèm và hỗ trợ lớp khuyết tật. Vì không được đào tạo chuyên môn, chưa từng dạy trẻ khuyết tật nhưng với tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cũng như sự đồng cảm với các em nên tôi cố gắng làm việc tận tụy", cô giáo Nguyễn Thị Hội chia sẻ.
"Năm học 2011 – 2012, tôi đã nhận dạy lớp khuyết tật của trường Tiểu học Sơn Lạc. Trong thời gian dạy các em có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có và tất cả đều đáng nhớ", cô Hội nói.
Công việc chăm sóc và dạy bảo các em đòi hỏi sự nhẫn nại và cả nỗ lực. Trong những năm gắn bó với các em, cô luôn giành tình thương, chăm sóc, dạy bảo các em, coi các em như con của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Hội được mọi người ví như người mẹ thứ hai của lớp học sinh khuyết tật. Cô luôn chăm lo các em từ việc học, vui chơi, đi lại, vệ sinh....đến việc học cách tự phục vụ, kỹ năng sống hòa nhập cộng đồng.
Cô Hội cho biết: “Là dạy chính trong lớp học khuyết tật nên tôi tự tìm tòi các phương pháp học tập phù hợp với từng em. Khó khăn nhất là khi giao tiếp đối với trẻ vừa câm vừa điếc, vì không được tham gia bất kỳ lớp tập huấn nào dạy trẻ khuyết tật nào nên bản thân tôi luôn phải tìm tòi, học hỏi kỹ năng và phương pháp dạy các em. Với tình thương và lòng yêu nghề cùng sự giúp đỡ của Ban giám hiệu trường Tiểu học Sơn Lạc nên tôi thấy hạnh phúc hơn khi làm một công việc có ý nghĩa”.
Đối với cô Hội, việc dạy học sinh khuyết tật rất vất vả, vì vậy, yêu cầu giáo viên phải kiên trì, phải có tấm lòng, có tình yêu thương, sự thông cảm... đối với các em.
Video: Lớp học khuyết tật tại trường Tiểu học Sơn Lạc có 12 học sinh
10 năm tình nguyện gắn bó với trẻ khuyết tật
Biết bao khó khăn vất vả trong 10 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, (4 năm làm công tác dạy, hỗ trợ lớp khuyết tật; 6 năm chủ nhiệm trực tiếp dạy và chăm sóc các em), nhưng cô Hội vẫn tận tụy với nghề.
Trong cô luôn hy vọng một ngày không xa, với tình cảm tương thân, tương ái và những hành động đẹp được lan tỏa, các em sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Năm học mới đã đến, cô giáo Nguyễn Thị Hội hy vọng các đồng nghiệp, các tổ chức xã hội chung tay cùng nhà trường sửa sang lại phòng học khang trang, có thêm trang thiết bị phục vụ hỗ trợ cho các em học sinh vận động và vui chơi.
Tuy có nhiều vất vả và khó khăn, nhưng cô Hội cũng thường xuyên nhận được sự chia sẻ, động viên của phụ huynh học sinh.
Mẹ của một học sinh trong lớp khuyết tật cho biết: “Khi con đến tuổi vào lớp 1, tôi đưa con ra trường nhập học. Lúc này, cô Hội và nhà trường nhận cháu vào học. Tôi thấy may mắn khi trường có lớp dành cho trẻ khuyết tật. Chính cô Hội đã mở lối cho con tôi vào đời. Gia đình tôi đã mang ơn cô và nhà trường rất nhiều”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lạc cho biết, nhà trường hiện có 22 giáo viên (cả kế toán), lớp khuyết tật có cô Nguyễn Thị Hội phụ trách và 1 cô hỗ trợ.
Trước đó, nhà trường có hai giáo viên được cử đi tập huấn dạy lớp câm điếc, tuy nhiên, hai cô nay đã nghỉ hưu. Hiện tại, cô Hội là giáo viên chính phụ trách lớp học đặc biệt của trường. Tại đây, cô Hội không soạn theo phương pháp dạy cụ thể mà dạy theo cách nhận biết, nhận thức của các em.
Cô Thảo cho biết thêm: “Năm ngoái, lớp học khuyết tật có 15 học sinh. Năm nay, do hai học sinh ra trường và một em mất nên lớp còn lại 12 học sinh".
Theo cô Nguyễn Thị Thảo, học sinh khuyết tật của trường được miễn học phí hoàn toàn, không phải đóng góp bất kỳ khoản nào.
Bình luận