Điểm đặc biệt ở giải bóng đá dành cho cán bộ công nhân viên Tập đoàn Viễn thông Quân đội trên toàn cầu là có đến 10 đội nước ngoài tham dự. Điều hành những trận đấu giữa các đội nước ngoài là trải nghiệm khá mới mẻ với các thành viên CLB trọng tài Đại học TDTT Bắc Ninh.
Đây là những sinh viên chuyên sâu bóng đá đang theo học tại nhà trường và đam mê với nghề trọng tài. Được đào tạo kỹ lưỡng về chuyên môn, lại có điều kiện thực hành thường xuyên tại các giải đấu phong trào nhưng điều lo nhất của những ông vua áo đen lại là vấn đề ngôn ngữ.
“Tôi và các bạn đã từng điều khiển ở nhiều giải đấu, nhưng chưa bao giờ gặp tình huống cả 22 cầu thủ trên sân đều là người nước ngoài, không ai nói được tiếng Việt. Trước giải, tất cả đều rất lo vì không biết sẽ phải làm sao để giao tiếp được với các cầu thủ, đặc biệt là khi có tình huống tranh cãi”, trọng tài Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
10 trong số 17 đội bóng đến từ nước ngoài nên hầu như ngày nào cũng có trận đấu mà trên sân toàn cầu thủ ngoại. Bất đồng ngôn ngữ khiến các vị vua áo đen gặp không ít chuyện hy hữu trong quá trình điều hành giải.
Ở những trận đấu của đội Mytel (thị trường Myanmar của Viettel), cả 11 cầu thủ của đội bóng này đều là người bản địa và không ai biết tiếng Anh. Vì thế dù đã chuẩn bị chút vốn liếng ngoại ngữ nhưng tất cả những gì mà các trọng tài có thể làm chỉ là hành động bằng ngôn ngữ cơ thể để cho cầu thủ hiểu.
Qua những trận đấu như vậy, các ông vua sân cỏ lại có thêm kinh nghiệm và sáng tạo thêm những ký hiệu để cầu thủ dễ hiểu. Chỉ sau vài trận đấu, có thêm nhiều ký hiệu bằng tay, thậm chí cả chân được các trọng tài sử dụng.
“Khi chúng tôi gạt tay hình chữ X nghĩa là cấm các cầu thủ thực hiện hành vi, ép 2 bàn tay xuống là muốn họ giảm nhiệt hoặc khi trọng tài đưa tay lên miệng và gạt hình chữ V là nhắc cầu thủ không được phàn nàn nhiều”, trọng tài Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ.
Ở phía ngược lại, các cầu thủ muốn khiếu nại cũng gặp không ít trở ngại mà ngay cả ngôn ngữ hình thể cũng không thể diễn tả hết được. Trong những tình huống như thế, cả cầu thủ và trọng tài đều hiểu và thông cảm cho nhau nên những nụ cười hay những cái vỗ vai để bỏ qua là hình ảnh thường thấy ở giải đấu lần này.
Giảng viên Lê Ngọc Tùng của Bộ môn Bóng đá, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh cho biết quá trình tập huấn 2 tuần giúp ích nhiều cho các trọng tài về phương pháp giao tiếp với cầu thủ, nhưng thực tế trên sân rất đa dạng nên càng làm nhiều, đội ngũ cầm cân nảy mực càng vỡ ra nhiều điều.
Theo ông Lê Ngọc Tùng, điều khiển các trận đấu có những đội châu Phi là khó khăn nhất với đội ngũ trọng tài vì họ rất khỏe nên đá nhanh và mạnh nên thường có tranh chấp.
“Các cầu thủ lục địa đen nói nhiều và rất hay có những khiếu nại quyết liệt với các trọng tài. Đa phần dùng tiếng Anh nhưng có lúc họ nói tiếng Pháp, có người lại dùng tiếng bản địa khiến chúng tôi thực sự không hiểu họ nói gì”, ông Lê Ngọc Tùng chia sẻ.
“Đây là giải đấu cho cán bộ công nhân viên trong cùng tập đoàn nên tất cả đều tự ý thức được thái độ thi đấu, những khiếu nại nếu có cũng chỉ là lời nói, cử chỉ đúng mực chứ không thái quá”, ông Võ Khắc Hải, đại diện Trung tâm thể thao, đơn vị tổ chức giải cho biết.
Một cái khó nữa của đội ngũ trọng tài là đòi hỏi thể lực ở giải này rất cao. Giải năm nay có tới 6 đội bóng đến từ châu Phi và châu Mỹ, những châu lục mà các cầu thủ có thể lực và tốc độ cực tốt. Vì thế, trong suốt 90 phút thi đấu, các vua sân cỏ phải di chuyển không ngừng nghỉ.
Trọng tài Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ: “Các cầu thủ châu Phi chạy rất nhanh nên tốc độ luân chuyển bóng cũng chóng mặt. Điều này khiến trọng tài rất mệt, nhưng vui vì có cơ hội rèn luyện tốt về thể lực và đặc biệt là cảm giác như được điều khiển những trận đấu có tốc độ cao ở World Cup thật sự vậy”.
Bình luận