• Zalo

Chuyện chưa kể vụ buôn lậu làm lung lay chế độ Sài Gòn

Thời sựThứ Tư, 08/05/2013 07:00:00 +07:00Google News

Năm 1974, gần một năm trước ngày chính quyền Sài Gòn sụp đổ, có một vụ buôn lậu bị bắt tại tỉnh Long An, sau đó là một “phiên tòa đặc biệt” ở Sài Gòn xét xử.

Vào năm 1974, gần một năm trước ngày chính quyền Sài Gòn sụp đổ, có một vụ buôn lậu bị bắt tại tỉnh Long An, sau đó là một “phiên tòa đặc biệt” ở Sài Gòn xét xử.

Vụ buôn lậu được báo chí thời đó gọi là “vụ còi hụ Long An”, vì hàng lậu được chở trên xe “nhà binh” có xe quân cảnh hụ còi dẫn đường. Những người “thi hành công vụ” bắt được đoàn xe buôn lậu thay vì được thưởng, họ đều bị tống giam, cách chức, trả thù...

Nguyên nhân thật đơn giản: Đoàn xe buôn lậu ấy của chính bà Nguyễn Thị Mai Anh - “đệ nhất phu nhân”, vợ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.


Buôn lậu có xe quân cảnh dẫn đường

Khoảng 3 giờ chiều ngày 31.1.1974, có một đoàn xe “nhà binh” (xe GMC) phủ bạt bịt bùng, dù ban ngày vẫn mở đèn, chạy ào ào từ TP.Mỹ Tho (tỉnh Định Tường -Tiền Giang ngày nay) theo lộ 4 (QL1A ngày nay) về hướng Sài Gòn.

Chuyện chưa kể vụ buôn lậu làm lung lay chế độ Sài Gòn
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân tổng thống Thiệu tại bệnh viện Vì Dân

Thời ấy, xe “nhà binh” chạy bạt mạng trên đường là hình ảnh thường thấy, người và phương tiện giao thông khác trên đường phải biết “nhường”, nhất là khi dẫn đầu đoàn xe lại là chiếc Jeep của Quân cảnh có treo cờ 3 que, hụ còi inh ỏi. Đích thân viên đại úy quân cảnh tên Nhiều (tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân cảnh thuộc Biệt khu Thủ đô) ngồi trên xe Jeep.

Khi đoàn xe chạy qua thị xã Tân An (tỉnh Long An), đại úy Nhiều cho xe chạy chậm lại và thò đầu ra chào mấy người lính trực ở trạm kiểm soát, rồi tăng tốc chạy tiếp qua cầu Tân An. Một sự cố đã xảy ra: Hai viên trung sĩ quân cảnh mới ra trường về trạm nhận nhiệm vụ, không biết đại uý Nhiều, nên thổi còi bắt dừng xe, nhưng đoàn xe cứ phóng thẳng.


Hai viên trung sĩ chợt nhớ tới lời đồn thổi sắp có “đảo chánh” nên sợ trách nhiệm, liền cấp tốc điện thoại báo cho chỉ huy của họ là trung uý Thọ rằng có đoàn xe lạ tiến về Sài Gòn, nghi là lực lượng đảo chánh. Viên trung uý trưởng đồn đang nhậu, thất kinh hồn vía, liền điện báo lên đại tá Lê Văn Năm, tỉnh trưởng Long An. Đến lượt đại tá Năm hoảng sợ, liền điện thoại cho quận trưởng Bến Lức, nhưng đoàn xe “nhà binh” đã vượt khỏi trạm kiểm soát Bến Lức (cách thị xã Tân An hơn 10km).

Càng lo sợ, đại tá Năm điện cho quận trưởng Gò Đen (cánh thị xã Tân An 20km) bằng mọi giá phải chặn đứng đoàn xe. Viên quận trưởng Gò Đen ra lệnh dựng chướng ngại vật giữa lộ. Không thể vượt qua rào cản, đại úy Nhiều dừng xe dọa: “Tôi là đại úy Nhiều thuộc Biệt khu Thủ đô có công tác đặc biệt. Đoàn xe GMC đi sau là của biệt khu đang đi làm nhiệm vụ, không ai được làm chậm trễ”. Viên quận trưởng Gò Đen không dám có ý kiến, liền điện báo cho đại tá Năm. Đại tá Năm cấp tốc lên thẳng Gò Đen để giải quyết.

Nếu diễn biến bình thường, tức đại tá Năm đến Gò Đen nhận ra đại úy Nhiều thuộc Biệt khu Thủ Đô, mọi chuyện sẽ êm xuôi, đoàn xe tiếp tục lên đường. Nhưng có một chuyện tình cờ làm cho vụ việc trở nên “lớn chuyện”.

Một đại đội “địa phương quân” hơn 100 quân đóng gần đó, thấy chuyện lùm xùm, bu lại coi. Mấy người lính tò mò vén tấm bạt phủ xe “nhà binh”, thấy chất đầy rượu ngoại, thuốc lá thơm (những thứ rất đắt tiền thời ấy), nên la lên: “Đồ lậu!”. Tức thì, cả trăm tên lính xông vào cướp hàng trên xe.

Khi tỉnh trưởng Lê Văn Năm đến hiện trường thì mọi việc đã rồi, hơn phân nửa số hàng lậu trên xe bị cướp mất. Sáng hôm sau báo chí Sài Gòn loan tin ầm ĩ về vụ buôn lậu có xe quân cảnh hụ còi mở đường, khiến cả Sài Gòn xôn xao.


Tổng thống “xuống tay”

Tình thế buộc Tổng thống Thiệu phải ra lệnh thành lập uỷ ban điều tra, cùng lúc ra lệnh tống giam tất cả những ai dính líu vào vụ việc, từ kẻ đi buôn lậu tới kẻ bắt buôn lậu, chỉ trừ đại tá tỉnh trưởng Lê Văn Năm. Số hàng lậu còn lại được áp tải về một kho hàng của Hội Cô nhi quả phụ tử sĩ ở Chợ Lớn. Đây là tổ chức do bà Thiệu lập và thực chất là làm bình phong cho việc buôn lậu.

Báo chí Sài Gòn được dịp vạch trần đường dây buôn lậu do bà Thiệu cầm đầu. Thật ra, chuyện này ở Sài Gòn thời đó ai cũng biết, nhưng hàng lậu của bà Thiệu mà bị bắt thì quả là “động trời”! Thời ấy ở miền Nam không có buôn lậu qua biên giới Tây Nam, con đường nhập hàng lậu chủ yếu là từ tàu biển đậu ở ngoài khơi đem vào đất liền.

Bà Mai Anh vợ Nguyễn Văn Thiệu quê ở Mỹ Tho, một con đường vận chuyển hàng lậu được bà và gia đình tổ chức thật chặt chẽ: Từ biển Gò Công, hàng lậu được đoàn “giang thuyền” của tỉnh Định Tường chở vào TP.Mỹ Tho, từ đó theo lộ 4 đưa về Chợ Lớn bằng xe “nhà binh” có quân cảnh dẫn đường.


Bức xúc vì chuyện làm ăn của gia đình bị đám "con nít" làm đổ bể, lại bị báo chí “bới móc tùm lum”, Nguyễn Văn Thiệu đã hành xử một cách mất khôn, càng gây phẫn nộ trong dư luận. Theo luật quan thuế thời đó, ai có công bắt buôn lậu đều được thưởng trên tỉ lệ phần trăm giá trị hàng lậu bắt được.

Hai viên trung sĩ quân cảnh ở thị xã Tân An, trung uý Thọ, đại tá Năm và thiếu tá quận trưởng Gò Đen đáng lẽ phải được thưởng công. Nhưng ngược lại, ngoài đại tá Năm, tất cả đều bị tống giam và sau đó bị đem ra toà xử phạt rất nặng.


Vụ án không cần điều tra, phiên tòa không có tranh luận, không cho luật sư bào chữa. Tất cả đều bị truy tố 2 tội danh: 1. Đã để cho những chính phạm và nhân chứng dân sự trong vụ buôn lậu tẩu thoát mất dạng, gây trở ngại cho cuộc điều tra của nhà chức trách; 2.Đã để thất thoát một số hàng hoá, gây thiệt hại lớn lao cho công quỹ.

Trung uý Thọ, trưởng đồn Quân Cảnh Long An, bị giam một thời gian, rồi bị đẩy ra vùng chiến sự ác liệt, sau đó được thông báo “mất tích”! Hai viên trung sĩ thuộc trạm kiểm soát Long An cũng bị giam một thời gian, bị chuyển lên Pleiku, rồi cũng bị chết một cách bí ẩn. Đại tá Lê Văn Năm, tỉnh trưởng Long An bị giáng cấp xuống đại uý và bị thuyên chuyển ra Sư Đoàn 21 đóng ở Chương Thiện. Thiếu tá quận trưởng Gò Đen cũng bị tước quân hàm, trở thành lính thường.


Tất nhiên, Thiệu không thể không nặng tay với những “đàn em” đã làm hỏng việc, vừa để xoa dịu dư luận. Ba sĩ quan có dính líu tới chuyến buôn lậu, trong đó có đại úy Nhiều, đều lãnh án “20 năm khổ sai”, đày ra Côn Đảo. Còn đám lính xông vào cướp số hàng lậu nói trên thì khỏi phải nói, một số lãnh án, một số bị tụt lon, đày ra chiến trận.

Dư luận ở Sài Gòn được một phen bàn tán xôn xao, cho rằng đây là một vụ án cực kỳ bất công. Báo chí tố cáo đích danh thủ phạm vụ buôn lậu “động trời” là do vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu tổ chức với sự cộng tác của vợ chồng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm.

Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm lo sợ từ hậu quả của vụ buôn lậu này sẽ dẫn tới đảo chánh nên càng siết chặt quân đội. Thế nhưng, như chúng ta đều biết, chính quyền Sài Gòn với tất cả sự phản động, thối nát vốn có chỉ có thể trụ được chưa đầy một năm nữa!



Theo Lao động



Bình luận
vtcnews.vn