• Zalo

Chuyện chưa kể về ca sinh 4 'chấn động' được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đỡ đầu

Thời sựThứ Bảy, 25/04/2015 01:15:00 +07:00Google News

Gần 2 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận đỡ đầu cho một ca sinh tư và đặt tên là Bắc - Nam - Thống - Nhất

(VTC News) – Gần 2 năm sau ngày thống nhất đất nước, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận đỡ đầu cho một ca sinh tư được coi là chấn động thời bấy giờ và đặt tên cho những đứa trẻ lần lượt là Bắc - Nam - Thống - Nhất.

Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã ghé thăm gia đình bà Bùi Thị Hương trong căn hộ nhỏ ở khu tập thể Yên Ngưu, Thanh Trì, Hà Nội.

Từ 38 năm về trước, bà Hương là một trong những trường hợp sinh 4 đầu tiên được đông đảo người dân biết đến tại Việt Nam. 4 người con của bà khi đó đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận đỡ đầu và đặt tên lần lượt là Bắc - Nam – Thống – Nhất.

 

 Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh cùng cặp sinh 4. Ảnh do gia đình cung cấp
Chia sẻ với phóng viên về cuộc đời mình, bà Hương cho biết, năm 1945, khi nạn đói kinh hoàng đang hoành hành tại các tỉnh thành phía Bắc thì bà được sinh ra ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó nhiều người thân lần lượt mất, bà phải đi giúp việc hết nhà này tới nhà khác để mưu sinh.

Năm 22 tuổi thì bà xây dựng gia đình rồi chuyển sang làm nhân viên bán hàng thực phẩm tại chợ Hôm.

Năm 1970 Bà Hương sinh con gái đầu lòng. Tới năm 1977, bà mang thai lần thứ hai và hạ sinh cùng lúc 4 người con gái tại Bệnh viện C, nay là Bệnh viện Phụ sản Trung Ương. Kể từ đây, bà được nhiều người biết đến. Gia đình bà từng được nhiều tờ báo đăng tải, là khách mời của chương trình truyền hình Chuyện lạ Việt Nam.
Gia đình cặp sinh 4. Ảnh do gia đình cung cấp 

Bắc, Nam, Thống, Nhất thời còn là học sinh. Ảnh do gia đình cung cấp 
“Tôi sinh thường vào lúc 7h30 sáng 17/4/1977. Trưa ngủ dậy đã thấy cả bệnh viện xôn xao cả lên. Các nhà báo cũng về đưa tin. Ngay hôm đó, bác Phạm Văn Đồng đã gọi điện đồng thời cử cán bộ xuống bệnh viện thăm nom, đặt tên cho các con tôi là Bắc, Nam, Thống, Nhất”, bà Hương nói.

Bà Hương chia sẻ, trường hợp sinh tư như bà vào thời điểm đó là rất hiếm gặp. Năm đó, đất nước cũng mới thống nhất, kinh tế khó khăn, việc nuôi một người con cũng đã rất vất vả, huống hồ bà lại sinh cùng lúc 4 đứa. Tính thêm con gái cả thì bà đã có 5 con. 

 Từ trái sang phải Nhất, Bắc, Nam, Thống. Bắc và Thống một khuôn mặt, Nam và Nhất giống nhau như đúc. Ảnh do gia đình cung cấp 
“Các con tôi có ngày hôm nay cũng là nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của bác Phạm Văn Đồng”, bà Hương chia sẻ.

Nói về người đỡ đầu cho 4 con gái của mình, bà Hương cho hay: “Sau khi sinh, mẹ con tôi phải nằm viện vài tháng mới được về nhà. Đúng sáng mùng 2 Tết năm đó, không hề báo trước, ô tô đã chở bác Phạm Văn Đồng đến thăm gia đình tôi ở tập thể Trung Tự.

Tôi hết sức bất ngờ và cảm động. Tôi không dám nghĩ tới việc một vị Thủ tướng như bác lại dành sự quan tâm đặc biệt tới gia đình mình như vậy. 

Khi đó, bác đã hỏi thăm, động viên và cho sữa, đường, quần áo. Mỗi tháng cho mỗi cháu 5 hào, sau tăng lên mấy trăm nghìn đồng cho đến khi các con tôi 18 tuổi. 

 Ngay từ khi ra đời, cặp sinh 4 đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. Ảnh do gia đình cung cấp 
Bản thân tôi được hưởng 2 lương và nghỉ làm để nuôi con cho tới khi các cháu tròn 6 tuổi. Thỉnh thoảng bác Phạm Văn Đồng vẫn cho người đón mẹ con tôi vào văn phòng làm việc của bác chơi”, bà Hương kể.

Kể về quãng thời gian mang bầu 4 đứa con, bà Hương cho biết, khoảng tháng thứ 3, bà thấy bụng mình to khác thường. Khi chụp phim bác sỹ bảo có 8 chân, 2 đầu, lúc siêu âm lại thành 8 chân, 3 mình. 

“Thời đó điều kiện khoa học kỹ thuật còn hạn chế, lại hiếm có trường hợp nào sinh 3, sinh 4. Có lẽ vì vậy mà các bác sỹ không thể ngờ là tôi đang mang trong bụng 4 đứa trẻ. Khi đó, các sỹ còn đoán là quái thai, nguyên nhân có thể do tôi bán hàng thực phẩm bị nhiễm phóng xạ. Bác sỹ khuyên tôi bỏ thai nhưng tôi không đành lòng.

Bà Bùi Thị Hương cùng con gái út trò chuyện với phóng viên. 
Sang tháng thứ 4 thì tôi bị băng huyết. Đi khám, bác sỹ lại nói là thai bị chết lưu và phải nạo bỏ. Khi chuẩn bị nạo thì tôi bị chóng mặt do chưa ăn sáng nên bác sỹ bảo đi ăn trước rồi trở lại phá thai. Trong lúc tội chạy ra ngoài mua xôi ăn thì gặp một bà lão. Biết chuyện của tôi, bà lão này bảo tôi chỉ bị động thai, chỉ cần ăn ngải cứu để cầm máu.

Nghe vậy, tôi trốn về nhà và làm theo lời bà lão thì thấy không còn bị ra máu, cân nặng lại tăng lên nhanh chóng”, bà Hương kể.

Theo bà Hương, càng gần tới ngày sinh thì bụng bà càng to khác thường, đi lại khó khăn, cơ thể bị phù nề. Trước khi sinh khoảng 1 tháng, bà đã phải vào nằm hẳn trong bệnh viện.

 
“Cho tới lúc tôi lên bàn đẻ thì cũng không ai biết là tôi sinh tới 4 con. Thế rồi cứ lần lượt đứa thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba, thứ tư ra đời. Mỗi đứa chào đời cách nhau 10 phút. Riêng cô út thì ra chậm hơn các chị 5 phút. Các y tá khi đó cứ tưởng là hết rồi nên suýt bỏ quên cô này. Chính vì thế, nước ối tràn vào mắt và làm cô út bị đục thủy tinh thể từ đó”, bà Hương cho biết.

Không chỉ vất vả mang nặng đẻ đau, bà Hương cũng phải chật vật hơn người trong quá trình nuôi 4 cô con gái.

“Bắc, Nam, Thống, Nhất cứ ốm cùng ốm, đau cùng đau, đói thì cùng nhau khóc đòi ăn. Để đủ sữa cho các con, bản thân bà phải ăn uống gấp đôi người thường. Ngoài sữa, tôi cũng phải nấu cháo, dùng sữa bò cho các con ăn thêm”, bà Hương nói. 

Cũng theo bà Hương, một thời sau khi sinh, sức khỏe ổn định thì bà lập tức tranh thủ trồng rau, nuôi gà để có thêm thu nhập nuôi con.

“Dù tôi được hưởng hai suất lương, nhưng chừng đó là không đủ để nuôi các con. Bởi vậy, ngay khi sức khỏe ổn định trở lại sau sinh, tôi cũng tranh thủ trồng rau, nuôi gà… để có thêm thu nhập, cùng chồng nuôi nấng các con. 

Năm 1991, thì tôi về hưu, suốt một thời gian dài sau đó, tôi cũng nhận trông giữ trẻ cho bà con hàng xóm để kiếm thêm thu nhập cho các con mình ăn học”, bà Hương kể.

Nói về tính cách của các con, bà Hương tự hào cho biết, các con bà đề ngoan ngoãn, hiếu thảo. Được biết, ngoài tên do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt cho, 4 cô con gái út của bà Hương còn được gia đình gọi bằng tên khác đó là Thủy – Chung – Hiếu – Thảo.

Video: Cặp song sinh nắm tay nhau lúc chào đời

quocte/2014/05/13/Video-cap-song-sinh-nam-tay-luc-chao-doi-1399969262.mp4&stream=pseudo" src="https://vtcnews.vn/static/swf/player.swf" type="application/x-shockwave-flash" height="350" width="500">

Hiện các cô con gái của bà đều đã có gia đình riêng, chỉ riêng cô út - Nguyễn Thị Như Nhất vẫn chưa lập gia đình và đang ở với mẹ. 

“Ngoài cô út thì các cô khác đã có gia đình ổn định. Hiện tôi đã có 10 cháu ngoại, cháu lớn nhất đã trở thành một giáo viên”, bà Hương vui vẻ nói về các con cháu mình.

Ở lứa tuổi 71, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, bản thân lại đang bị bệnh về tim mạch nhưng bà Hương vẫn cảm thấy mình là người phụ nữ may mắn vì bà đã nuôi nấng được các con khôn lớn, trưởng thành.

Chia sẻ về tâm nguyện của mình trong những năm tháng sau này, bà Hương cho hay, bà không mong muốn gì hơn là con cháu mình được mạnh khỏe, hạnh phúc. Bên cạnh đó, bà cũng hy vọng tìm lại được người chị gái ruột duy nhất của mình.

“Chị gái tôi tên là Bùi Thị Vinh, hơn tôi khoảng 3 tuổi. Do gia đình khó khăn, ngay từ nhỏ chị đã được đưa ra Hà Nội để làm giúp việc. Trước khi qua đời, mẹ tôi có dẫn tôi ra Hà Nội tìm chị nhưng nghe nói đã có người đưa chị tôi lên Lào Cai để làm giúp việc. 

Từ đó chị em tôi mất liên lạc. Những năm qua, tôi luôn muốn đi tìm chị nhưng không biết tìm ở đâu. Muốn nhờ các cơ quan báo đài đăng tin tìm giúp nhưng tôi lại không có hình ảnh gì của chị mình cả,” bà Hương nói.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn