• Zalo

Chuyện chưa kể về 2 phi công tiêm kích Su-30MK2 mất tích trên biển

Thời sựThứ Sáu, 17/06/2016 16:54:00 +07:00Google News

Thượng tá Khải và Thiếu tá Cường - phi công điều khiển “hổ mang chúa” Su-30MK2 đều là những người con ưu tú của mảnh đất Bắc Giang anh hùng.

Ngày 17/6, công tác tìm kiếm, cứu nạn Thượng tá Trần Quang Khải (SN 1971) Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 vẫn đang được triển khai với tinh thần tập trung cao độ nhất của toàn lực lượng.

Ngay sau khi trở về đất liền an toàn, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (SN 1977, Phó Phi đội trưởng Phi đội bay Su – 30MK2, Trung đoàn 923) đã đến gặp Ban chỉ huy tìm kiếm để trực tiếp cùng tham gia công tác tìm đồng đội còn đang mất tích. Tại đất liền, hai gia đình anh Cường và anh Khải cùng chung một tâm trạng.

13453972_914503232005294_175732598_n

Gia đình phi công Cường trắng đêm chờ tin tức tìm kiếm đồng đội của anh Cường - Thượng tá Trần Quang Khải.

Vợ anh Cường, chị Yến chia sẻ rất vui khi biết tin chồng còn sống, nhưng trong niềm vui còn có cả nỗi buồn. Bởi ở ngoài kia, anh Khải, đồng đội chồng chị vẫn chưa được tìm thấy. 2 ngày vừa qua, chị và mọi người trong gia đình rất nóng ruột, không tài nào ngủ được khi chưa có thông tin về anh Khải.

Nhắc đến 2 người con, ông Nguyễn Hữu Ngọ (bố anh Cường) tâm sự, cả 2 anh đều là người con sinh ra ở mảnh đất Bắc Giang. Tuy khác huyện nhưng anh em cùng đơn vị, cùng bay trên một chuyến bay và gặp nạn.

May mắn hơn đôi chút khi con ông, anh Cường đã được tìm thấy. Dù không phải ruột thịt, nhưng thâm tâm ông coi anh Khải như con, 2 ngày qua, ông luôn theo dõi tin tức từng phút mong chờ tin tốt lành sẽ đến.

Video: Phi công Nguyễn Hữu Cường kể phút bung dù, tiếp nước

Nhắc đến 2 anh, cả huyện Lục Ngạn và Lạng Giang hầu như ai cũng biết. Bà Lương Thị Bích Đài (mẹ Thiếu tá Cường, quê thôn Minh Khai, xã Nghĩa Hồ, Lục Ngạn, Bắc Giang) kể, năm anh Cường đang học phổ thông thì trên huyện có thông báo tuyển phi công, chung niềm đam mê bay trên bầu trời, cùng hàng trăm thanh niên khác anh đi đăng ký khám sức khỏe.

Đợt khám ở huyện, anh Cường đủ tiêu chuẩn và được hẹn tiếp tục lên Hà Nội, khám vòng 2 tại Quân chủng Phòng không – Không quân.

Bà Đài còn nhớ như in ngày đưa con lên Hà Nội, đến trụ sở quân chủng họ bảo với bà cho anh Cường nghỉ ngơi một hôm, mai lại sức rồi hãy khám. Lo thủ tục cho con xong, bà lên xe về quê chờ tin con.

Một tuần sau, gia đình vẫn chưa thấy anh Cường về. Bà Đài chắc mẩm: “Chắc là nó đỗ rồi, vì lúc làm thủ tục người ta bảo nếu qua vòng khám sức khỏe thì phải 1 tuần mới xong.”

Qua quá trình sàng lọc, năm đó cả huyện Lục Ngạn chỉ có một mình anh Cường đủ tiêu chuẩn phi công. Sau khi học chính trị và thi văn hóa, anh được đưa đi huấn luyện.

Bà Đài vẫn còn nhớ, thời điểm anh vào quân ngũ là tháng 9/1996.

13454102_914500935338857_177857132_n

Bà Đài cầm trên tay tấm hình anh Cường chụp khi huấn luyện bay chiến đấu. 

“Tôi không thể quên được mốc thời gian đó vì cũng trong năm 1996, tháng 1 thì con trai cả tôi cũng nhập ngũ và hiện làm lái xe tỉnh đội. Đến tháng 9 thì Cường được tuyển phi công. Trong 1 năm, cả 2 đứa con lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc” – bà chia sẻ.

Ngày anh Cường nhận thông báo trúng tuyển, bà dặn: “Con đi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của Tổ quốc, gia đình rất tự hào. Con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, khi về thì mang theo huy hiệu Đảng.”

Bà khoe rằng, cả nhà 6 người thì 5 người là đảng viên, năm tới đây bà Đài vừa tròn 50 năm tuổi Đảng.

Nghiệp lính như gắn vào gia đình anh Cường, bản thân bố anh cũng là bộ đội. Sau thời gian phục vụ quân ngũ, kết thúc chiến tranh ông Ngọ chuyển công tác sang huyện ủy rồi làm Chánh án Tòa án Nhân dân huyện cho đến lúc nghỉ hưu. Ngoài anh Cường và anh Mạnh (anh trai cả) hiện vẫn đang phục vụ quân đội, thì người anh rể cũng từng là lính tăng thiết giáp nay đã phục viên.

Với bà con hàng xóm và mọi người trong gia đình, anh Cường luôn là người con ưu tú.

“Cả huyện có mỗi mình Cường trụ lại, được tuyển làm phi công thì đáng tự hào lắm chứ” – anh Hưng (anh rể Thiếu tá Cường) nói.

Cũng như anh Cường, Thượng tá Trần Quang Khải (SN 1971, ở thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) cũng là người duy nhất của tỉnh được tuyển làm phi công năm đó.

Người nhà anh Khải cho biết, anh là một trong những người trong nhóm phi công được học và lái những chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2 hiện đại đầu tiên.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá, hai phi công Trần Quang Khải và Nguyễn Hữu Cường đều là những người dày dặn kinh nghiệm bay.

Ông Trần Văn Đạt, chú ruột anh Khải cho biết, anh Khải là niềm tự hào của cả gia đình. Từ hôm anh gặp nạn cả gia đình đều tụ tập về nhà bố đẻ anh (đã ngoài 90 tuổi) để động viên và chờ đợi tin tức tìm kiếm.

Ông cho biết thêm, ngay trong ngày 14/6, đơn vị đã cử cán bộ về địa phương để đón người thân vào Nghệ An, trực tiếp theo dõi công tác tìm kiếm, cứu nạn. Biết tin đoàn cứu hộ đã tìm thấy Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, gia đình vừa mừng cho gia đình anh Cường, vừa hy vọng anh Khải cũng sẽ an toàn trở về.

Những ngày qua, ngoài bà con trong gia đình thì người dân trên địa bàn, chính quyền địa phương, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang cũng có mặt tại gia đình để động viên.

ThuongtaKhai1_2

 Thượng tá Trần Quang Khải (đang bị mất tích) được đánh giá cao về chuyên môn, một trong những người đầu tiên trong nhóm bay, tiếp nhận tiêm kích "hổ mang chúa" Su-30MK2.

Trao đổi với báo chí, Trung tá Trần Đình Hậu (Phó Trung đoàn trưởng - Trung đoàn 923, Sư đoàn 731 thuộc Quân chủng phòng không không quân) cho biết: “Thông tin chính xác từ phi công Nguyễn Hữu Cường là cả hai đã bung dù sau khi máy bay gặp sự cố. Khi tiếp mặt nước Thiếu tá Cường còn nhìn thấy thượng tá Khải nên khả năng sống sót của đồng chí Khải là rất cao”.

Trung tá Hậu phân tích, đối với một phi đội bay như thế đều được trang bị các dụng cụ an toàn một cách tốt nhất có thể. Có nghĩa, khi gặp sự cố bất khả kháng mà không thể sử dụng các thao tác để cứu máy bay, cách còn lại phi công phải bung dù để cứu lấy chính mình.

Khi phi công đã bung dù xuống với cự ly cách mặt tiếp giáp khoảng 1.500m thì chiếc thuyền phao dưới mông của phi công sẽ tự động được bơm khí thành một thuyền phao có dây nối với chiếc dù. Trong trạng thái phi công đủ tỉnh táo thì sẽ kéo được chiếc thuyền đó về phía mình và leo lên một cách an toàn.

Video: Những vụ tai nạn của Su 30 trên thế giới

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn