Video: Những lý giải ban đầu về khẩu Thần công ở Quan Lạn
Liên quan đến vụ việc đào được súng thần công hơn 200 năm, đem bán lấy 900 nghìn đồng, những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất, PV VTC News lặn lội ra xã đảo Quan Lạn, để đi tìm lời giải về sự xuất hiện của khẩu súng Thần công vừa được phát hiện ở Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh).
Nếu chậm 15 phút…
Vẫn nhớ như in ngày súng Thần công được phát hiện ngay trước nhà, ông Lý Quốc Chiến (SN 1961, thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn) bồi hồi nhớ lại từ ngày còn nhỏ, ông vẫn thấy còn vài trăm mét thành đồn (nơi đồn trú, phòng ngự của binh lính các triều đại phong kiến), còn thành đồn ở đây có từ bao giờ thì không ai hay biết.
Vị trí phát hiện khẩu súng thần công nằm đúng bên trái cổng thành đồn xưa kia. Hai bên là 2 ụ tre gai kéo dài nằm trên nóc thành đồn. Năm 1995-1996, khi Xí nghiệp 48 Quân khu 3 mở đường xuyên đảo phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và dân sinh, khu vực cổng thành đồn với những lũy tre gai bị phá bỏ.
Khoảng 11h ngày 19/12/2017 (tức 2/11 Âm lịch), đúng ngày đại lễ đền Vân Sơn (thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn, nơi thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư và 3 anh em nhà họ Phạm, tướng dưới trướng của Trần Khánh Dư), ông Chiến đang đứng trước cửa nhà, chuẩn bị lên đền làm lễ thì thấy máy xúc của đơn vị thi công đường nước cẩu lên một vật bằng sắt khá giống với một quả bom hoặc tên lửa thời chiến tranh quân đội Mỹ thả xuống khu vực này còn sót lại.
Hoảng sợ, ông Chiến bỏ chạy thục mạng một đoạn sang bên kia vệ đường xuyên đảo, chỉ thò mỗi cái đầu lên ngó xem có phát nổ hay không.
Tuy nhiên, sau một hồi không thấy nổ, những người có mặt cạo dần từng lớp đất xung quanh, lộ ra nguyên hình một khẩu súng Thần công, ông Chiến mới dám quay lại.
Đến nơi, ông Chiến đã thấy tốp công nhân vừa đào được đang liên hệ với chủ đại lý thu mua sắt vụn bán lấy 900 nghìn đồng. Lát sau, khẩu Thần công được chuyển về cơ sở thu mua sắt vụn trên địa bàn xã.
Lập tức, ông Chiến điện báo cho ông Lưu Thành Viên – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã và ông Bí thư Chi bộ Sơn Hào, tìm biện pháp thu hồi, nếu không khẩu Thần công bị vận chuyển vào đất liền thì khó có thể tìm lại được.
“Chậm 15 phút nữa là mất” – ông Chiến nói.
Ông Lưu Thành Viên – Phó Bí thư, Thường trực Đảng ủy xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết, khoảng hơn 11h ngày 19/12/2017, trong lúc gia đình đang chuẩn bị ăn cơm, nhận được tin báo từ ông Lý Quốc Chiến, ông bỏ dở bữa cơm xuống thôn Sơn Hào.
Ông Viên cùng với cán bộ văn hóa đến gặp trực tiếp Phạm Văn Cương (chủ cơ sở thu mua phế liệu), người vừa mua lại khẩu súng Thần công để kịp thời có biện pháp xử lý.
Sau khi xác định được đó là khẩu Thần công, ông Viên báo cáo qua điện thoại với lãnh đạo huyện Vân Đồn xin ý kiến chỉ đạo. Khi ông Viên đến nơi cũng là lúc ông Cương đang chuẩn bị vận chuyển khẩu Thần công xuống tàu, đưa vào đất liền tiêu thụ với mức giá có thể gấp nhiều chục lần so với giá ông Cương mua trước đó.
“Chỉ chậm 15 phút nữa là khẩu súng thần công sẽ bị chuyển vào đất liền tiêu thụ mà chưa biết đến khi nào mới có thể tìm lại được hiện vật vô giá này” – ông Viên nhớ lại.
Sau khi phát hiện ra công nhân đào được không báo cáo lãnh đạo công ty, tự ý liên hệ bán sắt vụn lấy tiền, ông Thẩm Hồng Sơn – Giám đốc Công ty Thẩm Gia xin được bỏ ra số tiền 900 nghìn mua lại từ chủ cơ sở sắt vụn và cung tiến vào Đền Vân Sơn.
Trả giá 100 triệu quyết không bán
Được sự chỉ đạo của UBND huyện Vân Đồn, ông Lưu Thành Viên chỉ đạo lập biên bản, chuyển khẩu súng Thần công về đền Vân Sơn, giao cho chính quyền và Ban quản lý đền tạm thời trông coi, bảo vệ tài sản này.
Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, ông Viên liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại đề nghị hủy các biên bản đã lập và bán cho họ khẩu Thần công với giá lên đến 100 triệu đồng.
“Xác định đây là một tài sản vô giá, có giá trị lịch sử và văn hóa rất lớn của địa phương nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, tôi đã thẳng thừng từ chối, dù bất cứ giá nào chúng tôi cũng không chấp nhận bán khẩu Thần công này” – ông Viên chia sẻ.
Ngay sau đó, nhận thấy nguy cơ khẩu Thần công mất an toàn là rất cao, ông Viên lập tức gọi điện chỉ đạo trưởng thôn và Ban quản lý đền huy động trai tráng trong làng khẩn trương khiêng khẩu súng Thần công.
Khẩu súng có trọng lượng trên 3,6 tạ được đặt trong hậu cung đền Vân Sơn, khóa chặt cửa để đảm bảo an toàn, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện và các ngành chức năng có liên quan.
Ngay sau đó, Ban quản lý đền cùng với nhân dân vệ sinh sạch sẽ khẩu Thần công, tìm người biết chữ Hán để xác định niên đại, xuất xứ. Đồng thời, Ban quản lý xây bệ đỡ, đặt trước cửa đền hướng ra phía biển để nhân dân đến chiêm ngưỡng và các cơ quan chức năng về giám định, đồng thời, cắt cử người trông coi suốt ngày đêm.
Ông Viên cho biết thêm, đúng ngày đại lễ của đền nên đến chiều cùng ngày, sau khi khẩu Thần công được đưa về đền, nhân dân kéo đến xem khá đông trước bảo vật "xưa nay hiếm" vừa được phát hiện, coi đây là vật báu của đình làng Vân Sơn và của người dân xã đảo Quan Lạn.
Ngày 19/1, đại diện Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Ban quản lý di tích lịch sử tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Vân Đồn phối hợp với UBND xã Quan Lạn xác định niên đại để đưa khẩu súng thần công về Bảo tàng tỉnh quản lý theo quy định.
Trong chuyến tác nghiệp này, PV VTC News ghi nhận được nhiều ý kiến của người dân cũng như Ban quản lý Đền Vân Sơn, mong muốn cơ quan chức năng cho phép người dân được giữ lại và tự bảo quản tại đền Vân Sơn, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm của các bậc tiền nhân trên đảo.
Đồng thời, khẩu Thần công như một vật báu linh thiêng, được phát hiện đúng ngày đại lễ của Đền Vân Sơn, như một vũ khí tinh thần nhằm trấn giữ nơi biển đảo vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Trả lời PV VTC News, ông Kiều Đinh Sơn – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cho biết, mong muốn của nhân dân là chính đáng, tuy nhiên trước hết cần phải thực hiện theo luật.
“Luật quy định rất rõ ràng, những di vật được phát lộ dưới bất kỳ hình thức nào phải do cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực ấy quản lý” – ông Sơn khẳng định.
Ông Sơn cho rằng phải xác minh đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, khẳng định về mặt giá trị của hiện vật. Sau đó, những vấn đề liên quan đến việc bảo quản sẽ được tiếp tục nghiên cứu.
Bình luận