Giọng nói hồ hởi, đầy niềm vui mừng vỡ oà, Đại tá Phan Văn Tỵ nói 'đây là chiến công chung của toàn thể lực lượng ở hiện trường. Nhưng với công binh, đó là món quà dành tặng nhân dân nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam'.
Thực hiện giải cứu…"lệnh từ trái tim"
Một trong những người đầu tiên tiếp cận, giải cứu 12 người gặp nạn là trung uý Nguyễn Văn Tiền – lữ đoàn công binh 293. Xua tan những mệt mỏi sau những ngày đêm thức trắng, trung uý Tiền kể: “Khi đào được 15m, chúng tôi thấy nước từ trong rỉ ra. Anh em biết chắc là sắp đến đích nên hô hào, quyết tâm vung những nhát cuốc cuối cùng…
Binh nhất Hoàng Văn Thao, một trong số những người đầu tiên tiếp cận nạn nhân vụ sập hầm vui mừng bên đồng đội. |
Thêm 2m nữa chúng tôi thấy có ánh sáng le lói, nước rỉ ra mạnh hơn… Chúng tôi truyền nhau báo cáo ra chỉ huy bên ngoài, một quyết định mới truyền vào, không đào hầm theo diện tích rộng nữa mà đào sâu vào trong, không cần gia cố nữa, diện tích lỗ đào chỉ vừa một người chui lọt”.
Binh nhất Hoàng Văn Thao, người vung xẻng làm sập mảng đất cuối đường hầm bên trái thông với vị trí 12 người đang bị mắc kẹt nhớ lại: “Lúc đầu đào đường hầm, khi vào thấy lực lượng khác đang gia cố như sợ… sập nữa, tôi cũng thấy lo. Thế nhưng mệnh lệnh trái tim vì sinh mạng 12 con người, thôi thúc chúng tôi. Mảng đất vừa sụp xuống, tôi run bắn người vì mừng”.
Video: Giải cứu nạn nhân mắc kẹt vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng
“Cả trăm con người bên ngoài, rồi hàng triệu người dân cả nước đang nóng lòng trông đợi từng giây, từng phút. Anh em tự dặn phải quên mình, làm nhanh nhất có thể…để đáp lại sự trông đợi đó”, anh Thao kể với giọng bồi hồi.
Trung uý Tiền nhớ lại, khi đường hầm giải cứu thông thoáng đến trong, anh hô to “có ai đó không”?. Ban đầu không có tiếng đáp trả. Anh lại hô thêm vài tiếng, bất ngờ anh và tốp chục chiến sĩ phía sau giật mình bởi tiếng đáp trả “cứu chúng tôi với”.
Thời điểm công binh giải cứu nạn nhân vụ sập hầm |
Thông tin truyền từ đường hầm phụ ra đoạn hầm chính, khiến tất trở nên nhốn nháo, ai cũng la toáng lên… vì mừng.
Trung uý Tiền, binh nhất Thao và 1 số người người chui vào trong vị trí hầm bị sập. “Họ (các nạn nhân – P.V) bật dậy vui mừng dù đã kiệt sức thấy rõ. Có người đã ngất xỉu. Hai người đàn ông đang bơi đến vị trí ống truyền thức ăn, gần lỗ hầm thông thoáng nên chúng tôi xốc nách đưa ra trước”, Thao bồi hồi kể lại giây phút khó quên trong đời.
Rồi tất cả 12 người lần lượt được công bình dìu, bế ra với một tốc độ khẩn trương trong vài phút….
Thượng uý Lưu Công Quyết – người tham gia giải cứu, khi đó mệt đờ người vì khom cúi, đào hầm. Thế nhưng khi tiếp nhận một nạn nhân vừa chuyển ra, anh ôm liền, chạy một mạch 500m ra cửa hầm, không biết đến mệt mỏi là gì.
Vừa đến cửa hầm, lực lượng y tế ùa đến, lấy chăn bông quấn quanh làm ấm. Tiếp nhận xong nạn nhân này thì cũng là lúc anh kiệt sức, quỵ người xuống.
Bộ đội Cụ Hồ đào hầm giải cứu như thế nào?
Đại tá Tỵ, Phó cục trưởng cục cứu hộ - cứu nạn, Bộ Quốc phòng cho hay, kinh nghiệm của ông trong các vụ việc, xử lý sự cố có tính chất tương tự là phải có sự thống nhất về chỉ huy thì việc cứu hộ - cứu nạn mới đạt hiệu quả cao.
Lực lượng khác hỗ trợ công binh chuyển đất đá vừa đào xong ra ngoài tại vị trí hầm bên trái – đường hầm giải cứu được 12 nạn nhân |
Chiều 18/12, khi họp bàn tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thông qua phương án đào hầm thứ hai, bên trái và giao quyền chỉ huy trong hầm cho công binh của quân đội thì đúng 24h sau, lực lượng công binh đã làm nên chuyện thần kỳ…
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng – Phó tổng tham mưu trưởng binh chủng, công binh, Bộ Quốc phòng, người được giao nhiệm vụ chỉ huy cao nhất đối với các lực lượng làm nhiệm vụ trong hầm nhớ lại, khi đó là 16h10 ngày 18/12, công binh bổ nhát cuốc đầu tiên, đào đường hầm bên trái. Mỗi tốp 10 chiến sĩ thay phiên nhau đào, mỗi ca như thế diễn ra 2 tiếng rưỡi.
“Kiểu đào hầm truyền thống của bộ đội Cụ Hồ, của cha ông vẫn phát huy tác dụng tốt, hiệu quả cao” - đại tá Hùng khẳng định.
Theo đó chỉ bằng cuốc, xẻng nhà binh, các công binh đào thủ công, dựa vào sức người. Ngoài ra công binh đã huy động máy móc chuyên dụng đến hiện trường và đưa vào bên trong hầm như: bộ dò tìm tổng hợp Search Cam, kích chống, cưa xích, máy khoan cắt bê tông…
“Máy móc dù hiện đại nhưng không có tính toán của con người cũng không đạt hiệu quả cao”, đại tá Hùng khẳng định.
Theo lý giải của đại tá Hùng, qua kiểm tra vị trí sập, địa chất của khu vực, lực lượng công binh thống nhất phương án đào thẳng chứ không đào vòng như đường hầm bên trái. Cứ đào khoảng 30cm, công binh lại dùng thiết bị chèn, những đoạn gỗ thông chuyền từ bên ngoài vào nhằm chống đỡ.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng – người chỉ huy cao nhất đối với các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ - cứu nạn trong hầm. |
“Vô số những khó khăn, vụ sập đã làm cho địa chất ở quanh hiện trường bị phá vỡ, tiềm ẩn những rủi ro. Nước rỉ từ trên xuống, lạnh thấu xương rồi đường hầm nhỏ hẹp, vướng víu…nhưng không gì có thể cản bước bộ đội Cụ Hồ” - đại tá Hùng quả quyết.
Chiến sĩ Nguyễn Vũ Linh và Nguyễn Chí Lâm - hai trong số chiến sĩ của lữ đoàn công binh 25, di chuyển từ Biên Hoà, Đồng Nai lên kể: “Đất bùn đào ra nhão nhoẹt. Anh em nào mệt thì lùi ra sau làm việc khác nhẹ hơn, anh em khác lên trước tiếp tục, không nghỉ phút nào”.
Tính đến chiều 18/12, chỉ huy tại sở chỉ huy cứu nạn nhận định, phải 2 - 3 ngày mới đào thông đến vị trí 12 người mắc nạn. Đến sáng 19/12, có nhận định có thể là trong đêm hoặc vào sáng hôm sau. Nhưng chỉ vài giờ khi những nhận định đó truyền đi, lực lượng công binh đã làm nên điều thần kỳ.
24h sau khi triển khai phương án, công binh đã giải cứu an toàn cho tất cả các nạn nhân.
Đó là bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ thời bình. Không có món quà nào ý nghĩa bằng kỳ tích giải cứu sinh mạng cho 12 con người. Sắp tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, lực lượng công binh đã đánh dấu bằng kỳ tích nức lòng dân đó…
Theo VNN
Bình luận