• Zalo

Chuyện chưa biết về tài sản khủng của Viettel

Kinh tếThứ Sáu, 31/05/2013 11:35:00 +07:00Google News

Từ 2,3 tỷ đồng vốn ban đầu, đến nay Viettel đã có tổng tài sản lên tới 5 tỷ đô la.

Với lợi nhuận đạt từ 20-25% trên doanh thu, Viettel đã và đang là doanh nghiệp quân đội đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước và ngân sách quốc phòng.





Nhiều người đã biết Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam với mạng lưới phủ đến từng ngôi nhà ngõ xóm, là một trong những tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn nhất, hoạt động hiệu quả nhất cả trong nước và đầu tư nước ngoài… Thế nhưng ít người biết đến các hoạt động kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng của tập đoàn này.

Mạng thông tin quân sự thứ hai của Quốc gia

Năm 1997, đóng góp đầu tiên của Viettel đối với hạ tầng quân sự quốc gia là tập trung khảo sát, thiết kế, xây dựng tuyến cáp quang Bắc-Nam 1A với gần 2000km. Với đường trục này, Viettel đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới SDH ghép bước sóng trên một sợi quang, tốc độ 5GB/s, qua đó nâng dung lượng lên gấp 2 lần (từ 2 sợi lên tương đương 4 sợi), đã làm thay đổi một bước quan trọng về chất mạng thông tin quân sự.

Tiếp ngay sau đó, Viettel thực hiện liên kết với ngành Đường sắt xây dựng đường trục cáp quang 1B dọc tuyến đường sắt Bắc-Nam, liên kết với ngành Điện lực xây dựng tuyến cáp quang 1C trên cột cao áp (dung lượng gấp 80 lần tuyến cáp quang 1A) và các tuyến cáp quang về đến các huyện, xã.
Sản xuất thiết bị thông tin quân sự ở Viettel
Sản xuất thiết bị thông tin quân sự ở Viettel 
Đến nay, Viettel đã xây dựng được 4 tuyến đường trục cáp quang, tạo thành “xa lộ” thông tin với công nghệ tiên tiến, là mạng truyền dẫn lớn nhất Việt Nam cả về dung lượng, số trạm nhiều nhất; vùng phủ sóng lớn nhất, tới cấp xã trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Mạng Viettel đã cung cấp cho mạng thông tin quân sự hàng ngàn ki-lô-mét sợi quang, hàng trăm luồng truyền dẫn đến những nơi mà mạng thông tin quân sự chưa vươn tới.

Mạng lưới của Viettel đã trở thành hạ tầng thứ hai của mạng thông tin quân sự quốc gia, thực hiện vu hồi trong thời bình và sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong mọi tình huống.

Doanh nghiệp nhưng lợi nhuận không phải tất cả

Là doanh nghiệp, lẽ thường phải đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Nhưng với một doanh nghiệp quân đội thì không phải vậy. Viettel phải cùng lúc đảm nhiệm cả 2 nhiệm vụ: Phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng. Bởi vậy, nếu chỉ vì lợi ích kinh tế, sóng của Viettel đã không ra biển khơi, đến với quần đảo Trường Sa và vùng khai thác dầu khí, phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ quốc phòng-an ninh tại địa bàn chiến lược này.

Còn nhớ, cách đây 20 năm, lần đầu tiên tôi được ra Trường Sa, chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn của quân, dân trên quần đảo này.

Tôi nhớ mãi lời nói của Thiếu úy Nguyễn Tiến Huy thuộc Lữ đoàn 146 Hải quân, quê ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng): “Ước mơ của em lúc này là được nói chuyện với mẹ em ở quê nhà”. Nay thì sóng của Vietel đã phủ Trường Sa. Quân và dân huyện đảo có thể nói chuyện với đất liền thỏa thích. Không những vậy, họ còn ngắm nhìn người thân ở đất liền qua mạng Internet do Viettel lắp đặt.

Còn một lần ra thăm giàn khoan Công nghệ Trung tâm số 2 (mỏ Bạch Hổ), Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng, 41 tuổi, quê ở Thái Bình cho biết: Trước kia, việc liên lạc với đất liền rất khó khăn, bây giờ thì sóng Viettel đã phủ kín các nhà giàn, ngoài việc liên lạc trực tiếp với người thân, có sóng Viettel, việc bảo vệ nhà giàn cũng tốt hơn.

“Khi phát hiện tàu lạ gần khu vực giàn khoan, chúng tôi có thể gọi điện thoại ngay cho lực lượng bảo vệ và bộ đội hải quân” - Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. Tôi để ý thấy trên bảng tin của giàn khoan, ai đó đã viết lên câu thơ rất xúc động “Viettel kết nối yêu thương/ Viettel kết nối đại dương-đất liền”.

Cũng như vậy, trên đất liền, sóng Viettel cũng đã phủ sắp các dải biên cương của Tổ quốc. Cứ có đồn biên phòng, dù xa xôi đến mấy cũng có trạm Viettel. Biên giới đến đâu là có sóng di động ở đó.

Từ năm 2007 đến nay, Viettel đã đóng góp cho ngân sách quốc phòng tới 1,5 ngàn tỷ đồng, chiếm tới 2/3 tổng nộp ngân sách quốc phòng của hơn 100 doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý.

Từ 2,3 tỷ đồng vốn ban đầu, đến nay Viettel đã có tổng tài sản lên tới 5 tỷ đô la.
Chắc hẳn ai đó có nói, phủ sóng đến đâu là có khách hàng ở đó, cũng mang lại doanh thu cho Viettel chứ? Nhưng nếu biết rằng, kinh phí để xây dựng một trạm phát sóng ở những nơi đặc biệt này có thể gấp 3 đến 5 lần kinh phí xây dựng một trạm thông thường, kinh phí vận hành cho các trạm biển đảo lên đến hàng chục tỷ đồng một năm mà chỉ có vài chục thuê bao hoạt động thường xuyên (đối với các trạm thông thường, con số này là khoảng 2000 thuê bao) mới thấy rằng, đó cũng là một cách Viettel đang góp phần không nhỏ cho an sinh xã hội và đồng thời tăng cường tiềm lực cho an ninh quốc phòng đất nước.


Từ 2,3 tỷ đồng, quân đội có khối tài sản hàng tỷ đô la

Việc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng ở Viettel còn được thể hiện qua việc sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, tạo nguồn thu lớn, thực hiện tái đầu tư xây dựng cơ sở nội lực và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc phòng, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Quy mô sản xuất kinh doanh của Viettel không ngừng phát triển; năng lực về vốn, công nghệ tăng gấp nhiều lần; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Theo đà tăng trưởng doanh thu, hằng năm, Viettel thực hiện tái đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở nội lực, nhất là mua sắm bổ sung trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho phát triển các dịch vụ viễn thông, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện các chính sách của Bộ Quốc phòng và Nhà nước...

Với lợi nhuận đạt từ 20-25% trên doanh thu, Viettel đã và đang là doanh nghiệp quân đội đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước và ngân sách quốc phòng.

Từ năm 2007 đến nay, Viettel đã đóng góp cho ngân sách quốc phòng tới 1,5 ngàn tỷ đồng, chiếm tới 2/3 tổng nộp ngân sách quốc phòng của hơn 100 doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý. Từ 2,3 tỷ đồng vốn ban đầu, đến nay Viettel đã có tổng tài sản lên tới 5 tỷ đô la.

Đây thật sự là một nguồn tài nguyên kinh tế lớn của quân đội. Năm 2012 nguồn tài nguyên ấy đã tạo ra gần 7 tỷ đô-la doanh thu, hơn 1,3 tỷ đô-la lợi nhuận.

“Kho” dự trữ nhân lực cao cho quốc phòng

Ngay từ buổi đầu bước vào thị trường viễn thông sôi động, Viettel đã chủ động, nhạy bén “đi tắt, đón đầu”, mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhất của thế giới vào xây dựng hệ thống hạ tầng mạng lưới, phát triển các loại hình dịch vụ. Đến nay, nhiều thiết bị quân sự hiện đại đã được chế tạo tại Viettel.

Trong quá trình phát triển, bên cạnh việc tạo ra tiềm lực vật chất, Viettel đặc biệt quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, coi đó là yếu tố quyết định sự phát triển hiện tại và lâu dài; đồng thời là lực lượng dự bị sẵn sàng bổ sung cho quân đội khi có nhu cầu.

Đến nay, Viettel đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng ngàn cán bộ, nhân viên có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ và sử dụng thành thạo các trang bị tiên tiến, hiện đại nhất của thế giới.

Trong 3 năm qua, Viettel đã thu hút hơn 100 nhân sự có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó, nhiều người đã từng làm việc tại các vị trí quan trọng của các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới về làm việc và giao các trọng trách trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển của tập đoàn. Trong tổng số 25 ngàn lao động của Viettel, 60% có trình độ đại học và trên đại học.

Đặc biệt, Viettel đã thu hút và thông qua thực tiễn đào tạo được hơn 4000 kỹ sư, trong đó có hơn 100 kiến trúc sư trưởng, kỹ sư đầu ngành có khả năng khai thác làm chủ công nghệ, có khả năng nghiên cứu, sản xuất và làm chủ thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị quân sự.

Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, quyết định sự phát triển hiện tại và lâu dài của Viettel, đồng là “kho” dự trữ nguồn lực nhân lực cao cho quân đội, sẵn sàng phục vụ mỗi khi đất nước có yêu cầu.


Theo QĐND

Bình luận
vtcnews.vn