TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ với VTC News kỷ niệm đáng nhớ nhất dịp Tết khiến chị không thể nào quên.
Ai cũng vậy, cả năm tháng làm ăn vất vả, mọi người đều mong một cái Tết an lành, đầm ấm. Ai ai cũng sợ nhất những cái Tết có sự cố. Tôi cũng vậy. Thế nhưng, tôi đã từng phải đón nhận một cái Tết thật sự khó quên.
Năm đó, 2011, cả nhà quyết định sẽ lên Bờ Hồ đón Giao thừa rồi qua nhà ông bà ngoại gần đó để ngủ, hôm sau Mùng 1, đi chúc Tết một vòng xong mới về.
Quyết định vậy nên cả nhà nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa sau bữa tiệc tất niên, thắp thêm tuần nhang mới rồi nhanh nhẹn khóa cửa lên khu phố cổ.
Khi cả nhà lên đến Bờ Hồ được hơn 2 tiếng, sắp sửa quay về nhà bà ngoại, tôi nhận được điện thoại, một cú điện thoại với số rất lạ:
- Alo, dạ tôi nghe.
- Chị là chị Hương có phải không ạ?
- Vâng, tôi đây. Ai đấy ạ?
- Dạ, tôi là công an phường khu vực nhà chị ở. Chị đang đi đâu, về ngay nhé, nhà chị đang cháy.
Cháy? Cái gì? Nhà tôi? Không khủng khiếp đến vậy chứ?
Tôi rụng rời chân tay nhìn mọi người. Ai cũng tái mét hết cả mặt, con gái tôi bật khóc vì sợ hãi.
Thế rồi, nhanh chóng, tôi vội vàng tìm xe taxi để phóng về nhà. Ngồi trên xe, tôi bần thần cả người.
Nhà tôi làm sao? Cái căn hộ tập thể cũ tôi thuê lại đó, sao lại cháy? Đã dập tắt được lửa chưa? Có cháy nhiều không? Hàng xóm có ai bị làm sao không?
Quãng đường chưa tới 5km từ Bờ Hồ về mà sao xa đến thế. Tôi sốt ruột vô cùng. Tuy chấn an lẫn nhau nhưng cả nhà tôi ai cũng lo sợ cuống cuồng.
Bác tài xế taxi cũng hiểu ngay vấn đề, phóng như bay trên đường phố vắng ngắt. Tới nơi, bác còn bảo chúng tôi xuống xe, bác mừng tuổi tiền phí taxi coi như an ủi xả xui.
Nói rồi, bác nhanh chóng quay lại Bờ Hồ, nơi đang dần dần đông hơn những gia đình đi hái lộc Giao thừa.
Nhà tôi đây mà, không có vẻ gì là lửa khói cả. Cửa vẫn đóng im ỉm mà. Tôi ngạc nhiên đẩy nhẹ cánh cửa. Cửa bật mở mà không cần mở khóa. Tôi chuẩn bị nhón chân bước vào nhà thì nghe tiếng gọi của anh công an khu vực.
- À, đây rồi, chủ nhà đây rồi. May cho chị nhé. Tôi là người vừa gọi điện cho chị đấy. Bác tổ trưởng phát hiện ra đám cháy nhà chị nên đã lập tức gọi cho chúng tôi.
Chúng tôi phải cưa khóa nhà chị ra để vào dập lửa. Chị vào xem nhà có mất mát gì không nhé.
Tôi nhón chân bước vào nhà. Mùi khét lẹt xông lên cùng khói mịt mù báo hiệu nhà tôi vừa cháy thật. Tôi hỏi kĩ bác tổ trưởng và anh công an khu vực rồi mới rón rén bật đèn lên. Căn nhà tan hoang, lem luốc, muội bám đen kịt cả tường nhà.
Tôi kiểm tra nhà cửa rồi kí giấy đảm bảo gia đình không mất mát gì và cùng cả nhà bắt tay vào dọn dẹp. Đang dọn dở chừng, bác tổ trưởng gọi tôi ra bảo:
- Nhà cô may nhé. Tôi tranh thủ lúc bà nhà đang sắp lễ, lượn một vòng khu phố để tuần tra. Đi qua nhà chị, tôi thấy cửa khóa ngoài, cửa bên trong không đóng, đèn tắt bớt nhưng trong nhà lại le lói ánh lửa. May thay mà chị không đóng cánh cửa bên trong nên tôi nhìn rõ là ánh lửa le lói.
- Vậy hả bác? Mà làm sao nhà cháu lại cháy vậy bác?
- Chị vào nhìn kĩ mà xem, cháy từ trên bàn thờ xuống. Có lẽ là tàn hương rơi xuống giấy rồi cháy hoặc chị quên tắt nến. Bàn thờ cháy hết, lan xuống tủ lạnh và rơi xuống cả thảm. Thảm nhà chị cháy gần hết còn gì.
- Vâng ạ, sợ quá. Cháu cũng đoán vậy vì bình ga vẫn còn nguyên. Hú hồn hú vía bác nhỉ.
- Quá may ấy. Bình ga ngay gần đó. May mà tôi phát hiện ra kịp.
- Vâng, may sao hôm nay cháu lại quên khóa cửa trong bác nhỉ.
- Ừ, may quá rồi. Cũng may là phát hiện kịp.Thôi, xui xẻo đi cùng năm cũ rồi, cô vào dọn dẹp cùng cả nhà đi. Còn 30 phút nữa là Giao thừa rồi.
Dọn nhanh mà đón Giao thừa. Chúc nhà cô năm mới may mắn nhé.
Cảm ơn bác tổ trưởng xong, tôi phải vào nhà vệ sinh ngồi khóc một lúc cho nguôi cơn lo lắng, mệt mỏi. Hít một hơi lấy lại bình tĩnh, tôi chạy ra cùng cả nhà dọn dẹp. Cả nhà xúm tay vào nên cũng vừa kịp thời khắc Giao thừa.
Năm đó, do các bác tổ trưởng, tổ phó dân phố, công an khu vực và tổ tuần tra cưa phá khóa để vào chữa cháy cho nhà tôi, cả nhà đã không còn khóa để khóa cửa.
Bác tổ trưởng cho tôi mượn một thanh sắt để chốt tạm bên trong nhà. Vì thế, cả Tết nhà tôi ở nhà suốt. Một phần vì quá sợ hãi, chúng tôi không dám rời khỏi nhà đi đâu.
Đến mùng 5 Tết, khi các cửa hàng mở lại, chúng tôi mới mua được khóa mới và cũng lúc đó mới hoàn hồn để đi ra khỏi nhà. Thật là một cái Tết hú vía.
Tết, đó là dịp của bánh chưng, bánh dày, của thịt mỡ, dưa hành, cây nêu, cành đào. Ngày Tết cũng là dịp để bàn thờ của các gia đình sáng đèn suốt đêm ngày.
Vậy nhưng, theo tôi, việc cũng lễ cũng nên cẩn trọng và điều tiết. Việc sử dụng nến hay cúng vàng mã cần tính toán và trông coi cẩn thận. Đừng để Tết phải hoảng hốt, lo lắng và mệt mỏi như Tết 2011 của tôi.
Bình luận