• Zalo

Chuyện cây táo linh thiêng rỗng gốc 100 tuổi trong chùa cổ

Thời sựThứ Tư, 21/09/2016 07:17:00 +07:00Google News

Người dân địa phương cho biết, những năm 1945 - 1946 phía trước cây táo có một căn hầm là nơi giặc Pháp dùng để tra tấn và chôn người tập thể.

Cây táo nằm trong khuôn viên chùa Hội Phước (tổ dân phố 2, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) có tuổi đời khoảng 100 năm tuổi.

Những năm 1945 phía trước cây táo có một căn hầm được cho là nơi giặc Pháp tra tấn và chôn người tập thể nên xung quanh cây táo cổ thụ nhuốm màu huyền bí cùng nhiều lời đồn “rợn tóc gáy”. Thực hư sự việc thế nào rất cần một nhà khoa học lý giải tránh những lời đồn thổi gây mê tín dị đoan.

2 (1)

Dân địa phương dựng tượng địa tạng vương bồ tát trước cây táo và lập bàn thờ để cúng bái "ngài táo".

Theo quan sát, cây táo cổ thụ kể trên cao chừng 5 mét, cánh lá xum xuê và có tán rộng chừng 20 mét vuông. Gốc cây táo có một lỗ rỗng lớn. Theo một số dân địa phương thì cây táo có tuổi đời ít nhất 100 tuổi.

Ông Trần Mậu Đồng (71 tuổi, làm vườn ở chùa Hội Phước) thông tin: “Hồi nhỏ đi chăn trâu thì tôi thấy cây táo đã có trái rồi. Có khi tuổi đời của nó còn cao hơn tôi rất nhiều. Cũng không biết ai trồng hay nó tự mọc nữa”.

Theo những bậc cao niên ở địa phương thì từ khi có chùa thì đã có cây táo này. Táo có trái to, ăn rất giòn và ngọt lịm nên đã có nhiều đứa trẻ chăn trâu trèo lên hái trái ăn và đến tối liền bị đau bụng. “Mỗi khi trái táo chín thì không ai dám trèo hái ăn đâu do sợ bị ngài trách phạt”, ông Đồng cho hay.

Ông Đỗ Vĩnh (81 tuổi, người dân tổ dân phố 2, phường Hương Văn) cho biết, khoảng năm 1945-1946, trước cây táo có cái hầm là nơi giặc Pháp dùng để tra tấn và chôn người tập thể. Căn hầm dài chừng 2,5 mét và rộng 2 mét và hiện không còn nữa.

3 (1)

Phần gốc của cây táo bị rỗng tạo thành một lỗ sâu 

“Lúc tôi khoảng 10 tuổi đi học về ngang thì thấy rất đông người tập trung trước cây táo nên vào xem. Tới nơi thì thấy nhiều người đến xin nhận xác người thân về chôn. Có thể vùng đất này nhuốm màu máu của những oan hồn nên trở nên linh thiêng”, ông Đỗ Vĩnh nói.

Theo Đại đức Thích Hoàn Tịnh – Trụ trì chùa Hội Phước thì, sau khi đất nước giải phóng, vẫn còn một vài người ở Sơn Công (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) có người thân chết lên chùa để xin hài cốt về quê nhà chôn cất. Hiện một vài người làng Vân Cù (huyện Quảng Điền) có người thân chết cũng hay lên chùa cúng bái.

4 (1)

Theo dân địa phương, những năm 1945 - 1946 phía trước cây táo có một căn hầm là nơi giặc Pháp dùng để tra tấn và chôn người tập thể. 

Vì cây táo gắn liền với những câu chuyện tâm linh nhuốm màu huyền bí mà dân địa phương coi nó như “thánh” và dựng tượng địa tạng vương bồ tát, lập bàn thờ phía trước “ngài táo” để cúng bái. Thậm chí, dân địa phương còn lấy hẳn ngày 4/1 âm lịch là ngày “kỵ (dỗ - PV) ngài táo” để cúng bái.

Hàng ngày, các phật tử và du khách đến vãn cảnh chùa Hội Phước đều ra đứng trước cây táo cúng bái và thắp nhang. Những người đang tu hành trong chùa luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cây táo. Theo Đại đức Thích Hoàn Tịnh, hàng đêm mọi người trong chùa đều cúng cháo thánh trước cây táo cổ thụ.

5

Cây táo có tán rộng xum xuê và cho nhiều quả ngọt nhưng tuyệt nhiên không ai dám trèo lên hái quả hoặc bẻ cành. 

Vì những lời đồn thổi cùng những câu chuyện nhuốm màu huyền bí từ hầm chôn người tập thế của giặc Pháp nên vào ban đêm nhiều người không dám bước ngang qua khu vực cây táo, ban ngày đi ngang thì phải cất nón cúi chào.

Ông Trần Hưng Khôi (85 tuổi) cho hay: “Xưa nay người dân trong khu vực này đều biết được sự linh thiêng của cây táo nên không ai dám trèo lên hái táo hoặc bẻ một nhành cây”.

Ông Lê Tựu - Tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Hương Văn thông tin, cây táo nói trên đã có từ xưa đến nay, khu đất có cây táo khi xưa khá hoang vắng và bị giặc pháp chiếm đóng. Ông Tựu cũng thừa nhận những chuyện tâm linh mà người dân đồn thổi nhưng đúng hay sai thì ông này không rõ.

Video: Kỳ lạ cây táo có 250 giống táo khác nhau của một người nông dân ở Vương quốc Anh

Tuấn Hiệp
Bình luận
vtcnews.vn