Cứ mỗi dịp đến tháng 12, tôi vẫn nói với vợ tôi: “Có lẽ bố sẽ kể lại câu chuyện về bài thơ ra đời ngay sau đêm đầu tiên giặc Mỹ dùng B52 đánh phá Hà Nội. Đây lại là bài thơ đầu tiên của bố được đăng báo…”Thế rồi công việc ngổn ngang, hết năm này sang năm khác ý định đó vẫn không thực hiện được. Năm nay, kỷ niệm tròn 40 năm, vợ tôi nhắc : “Năm nay liệu bố có thực hiện điều đó không ?”. Tôi “thề” với vợ là sẽ thực hiện.
Việc đầu tiên là tôi cùng vợ lục tìm lại bài thơ thủa ấy. Bài thơ được bố tôi cắt từ báo Hà Nội Mới ngày 31/12/1972 và ép platic rất cẩn thận. Suốt 40 năm tôi vẫn giữ, thế mà suốt mấy ngày lục tung cả nhà, chẳng thấy đâu…
Ngồi nhớ lại bài thơ thì tự dưng đến 3 câu không thể nhớ chính xác nổi, thậm chí chỉ còn nhớ âm điệu và từ kết của câu.
Dù sao cũng phải ghi lại theo trí nhớ. Một chút hy vọng rất nhỏ khi tôi nghĩ đến Thư viện Quốc gia. Điện thoại cho anh Đức, Trưởng Phòng CNTT của Thư viện, tôi nhờ anh: “ Đức ơi ! Bài thơ đó in báo Hà Nội mới ngày 31/12/2012. Cố gắng tìm cho mình nhé !”.
Sáng 18/12/1972, tôi từ nơi sơ tán của gia đình ở làng An Cự, xã An Duyên, Vụ Bản, Nam Định đạp xe đạp lên chơi với bà ngoại ở số 9, ngõ 12, Ngọc Hà, Hà Nội. Thời gian này tôi đã thi Đại học và chờ nhập hoc trường Đại học Sư phạm Vinh.
Đây cũng là thời kỳ đất khu Bốn bị giặc Mỹ đánh phá rất ác liệt nên bố mẹ tôi khuyên…cứ từ từ nhập học cũng được. Mỗi lần lên bà ngoại chơi là một lần tôi lang thang ở hiệu sách Hà Nội- Huế-Sài Gòn (góc Tràng Tiền và Ngô Quyền) để lùng mua các cuốn sách cũ về môn Toán.
Bài thơ Đêm chiến thắng của T.S Lê Thống Nhất được đăng trên Hà Nội Mới ngày 31/12/1972 |
Gần như các đợt bão động không hề đứt quãng lâu trong suốt cả đêm ấy. Hầu như tôi và mọi người đành ngủ gà ngủ gật trong hầm. Bà ngoại tôi thì thầm sau một đợt bom rền: “ Nó thả bom gần đây lắm cháu ạ !”.
Đúng như bà ngoại đoán, ngay đầu sáng mọi người được biết khu An Dương bị B52 rải thảm. Không hiểu có máu báo chí hay chưa mà tôi dắt xe đạp ra khỏi nhà và đạp lung tung khắp nơi, mặc cho bà ngoại bắt ở nhà để …ngủ bù đêm qua.
Qua các ngả đường Hà Nội, những dáng người, những khuôn mặt trông đều mệt mỏi và đặc biệt các quán bán báo số người mua đông kín. Tôi cũng mua một tờ báo Hà Nội Mới, đứng ngay tại chỗ để lướt các tin về trận đánh của Hà Nội trong đêm.
Gần trưa tôi trở về nhà bà ngoại , xin dì mấy tờ giấy và ngồi viết. Tên bài thơ được ghi ngay, không hề lưỡng lự: “Đêm chiến thắng !” và “liều” hơn, tôi nắn nót ghi ngay dưới tên bài thơ một dòng: Tặng Hà Nội kính yêu ! Nói là liều vì khi ấy tôi mới 16 tuổi…mà “dám” làm một bài thơ tặng Hà Nội !
Âm hưởng bài hát “Người Hà Nội” của bác Nguyễn Đình Thi vang lên trong tôi và những câu thơ đầu tiên chính là lời bài hát :
“Đây Thăng Long…
Đây Đông Đô…”
Mạch thơ cứ thế được viết ra và bây giờ đọc lại tôi cảm thấy hình như có nhiều câu “già” hơn tuổi mình lúc ấy. Chỉ khoảng 1 giờ là tôi viết xong. Chép lại thật sạch sẽ và tôi cho bài thơ vào phong bì, không có lựa chọn nào khác, tôi đề kính gửi: Toà soạn báo Hà Nội Mới.
Tôi còn mở tờ báo Hà Nội Mới vừa mua buổi sáng để ghi rõ ràng địa chỉ : Số 44, Lê Thái Tổ, Hà Nội. Tôi lại dắt xe đạp ra khỏi nhà và đạp xe tới tận toà soạn. Vừa đạp xe, vừa lẩm nhẩm bài thơ. Không dám vào bên trong toà soạn, tôi đi đi lại lại trước hòm thư ngay cửa và cuối cùng thả cái phong bì đựng bài thơ vào đó.
Bao nhiêu câu hỏi trong đầu tôi: Liệu bài thơ của mình có được toà soạn để ý không ? Biết bao nhà thơ nổi tiếng chắc chắn sẽ viết thơ gửi về, liệu thơ mình có ra cái gì không ? Nhưng chỉ có điều tôi khẳng định: Chắc chắn bài thơ này của mình là bài thơ gửi đến toà soạn sớm nhất ! (Không hiểu suy nghĩ này có đúng không? Suy nghĩ của một cậu bé lúc bấy giờ!).
Mấy ngày ở Hà Nội và cả khi trở về nơi sơ tán, ngày nào tôi cũng ra quán bán báo để xem Hà Nội Mới có đăng bài thơ của tôi không. Thế rồi đến ngày cuối cùng của năm – ngày 31/12/1972, tôi lại đạp xe qua cầu An Duyên, tới quán báo ở dưới gốc cây da ngay bên đường.
Tôi mở trang báo Hà Nội Mới ra và thật không thể tin rằng: bài thơ của tôi đã được đăng (hôm ấy đã kết thúc 12 ngày đêm lịch sử). Tôi chỉ đủ tiền mua 2 tờ báo, lòng rất vui vì đây là bài thơ đầu tiên tôi được đăng báo, vừa đạp xe tôi lại vừa tự đọc cả bài thơ. Tôi phát hiện ra câu gần cuối bài thơ của tôi:
“ Hỏi quân thù, bay hiểu rõ hơn chưa”
đã được toà soạn sửa thành :
“ Hỏi quân thù, bay mở mắt ra chưa ?”
Câu sửa của toà soạn làm cho tính mạnh mẽ của bài thơ tăng hẳn lên. Khi đó tôi thầm cảm ơn người biên tập ((không hiểu người biên tâpj bài thơ này là ai và tôi liệu có còn thể gặp được không ?).
Ít ngày sau, tôi lại đạp xe lên Hà Nội. Vừa thấy tôi, bà ngoại đã kể: “Cháu về ít hôm thì có một nhà báo tới đây hỏi nhà có ai là Lê Anh Tuấn không? Bà bảo đó là cháu ngoại tôi …nó về Nam Định rồi…”.
Ngay chiều tôi tới toà soạn, khi tôi nói là tác giả của bài thơ “Đêm chiến thắng”, tôi được hướng dẫn sang lấy nhuận bút (hình như là khoảng 5-7 đồng gì đó). Tôi cũng không dám xin gặp người biên tập bài thơ vì nghĩ rằng mình chỉ là một cậu bé con.
Nhân dịp này cũng chia sẻ thêm về cái tên Lê Anh Tuấn của tôi. Đấy là tên khai sinh đầu tiên của tôi, theo đề nghị của bà nội, sau khi không đồng ý với bố tôi việc đặt tên tôi là Lê Thống Nhất. Thế rồi năm tôi lên 5 tuổi, tôi đòi đi học vỡng cùng mấy bạn hơn tôi 1 tuổi ở ngõ Hai Bà Trưng, Nam Định. Thầy giáo Thanh Bình không nhận tôi vào học vì không đủ tuổi.
Chiều tôi, bố tôi khi đó làm ở Ty Công An đã nhờ bạn bè làm lại giấy khai sinh cho tôi, sửa năm sinh là 1955 và tiện thể, giấu bà nội sửa luôn tên là Lê Thống Nhất. Cả nhà vẫn cứ gọi là Tuấn, bạn bè trong ngõ vẫn gọi là “Tuấn Rôm” (vì khi đó cứ mùa hè là tôi rất nhiều rôm, trắng mốc cả trán).
Mãi đến khi tôi học lên cấp 3, cả nhà mới theo bố tôi bắt đầu gọi tôi là Lê Thống Nhất. Khi đó..tôi vẫn thích cái tên Lê Anh Tuấn vì nghe có vẻ thi sĩ hơn, hơi giống tên nhà thơ Lê Anh Xuân.
40 năm trôi qua, bây giờ đã gần 60 tuổi…nhớ lại thời 16 tuổi, nhớ đến kỷ niệm với Hà Nội, với tờ báo Hà Nội Mới, với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, xin kể lại câu chuyện mà bây giờ tôi mới kể.
Khi đang viết tới đây thì bạn Đức, Trưởng Phòng CNTT ở Thư viện Quốc gia điện thoại cho tôi: “Em đã tìm được và scan trang báo in bài thơ của anh rồi….Anh cho địa chỉ mail, em sẽ gửi ngay cho anh !” Ôi ! Cảm ơn Thư viện Quốc gia, cảm ơn các anh chị đã lưu giữ và tìm giúp tôi rất nhanh bài thơ này !
TS Lê Thống Nhất
Bình luận