Theo Sputnik, dữ liệu từ trang web theo dõi chuyến bay Flightradar cho thấy máy bay Boeing C-40C với số đăng ký 09-0540 của không quân Mỹ đã khởi hành từ Hawaii lên đường đến châu Á hôm 30/7 (giờ địa phương). Máy bay này thường được sử dụng để chở các nhà lãnh đạo Mỹ, bao gồm các thành viên quốc hội, đi nước ngoài.
Cũng theo dữ liệu của Flightradar, máy bay trước đó khởi hành từ Mỹ nhưng đã “biến mất” khỏi nền tảng này không lâu sau khi đến Hawaii.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo trên Twitter rằng chuyến đi của bà đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng thời điểm sẽ bao gồm Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc. Bà Pelosi không đề cập gì đến Đài Loan.
Đầu tháng 7, truyền thông quốc tế đưa tin bà Pelosi có thể đến thăm Đài Loan vào tháng 8. Thông tin đã khiến Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích và cảnh báo có phản ứng đáp trả.
Cùng ngày 30/7, quân đội Trung Quốc khởi động diễn tập quân sự ở Phúc Kiến, phía bên kia eo biển từ Đài Loan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chuyến thăm châu Á của lãnh đạo hạ viện Mỹ là “một canh bạc chính trị-quân sự nguy hiểm”.
Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Trong khi chấp nhận chính sách "Một Trung Quốc", Washington vẫn tiếp tục duy trì liên lạc với chính quyền Đài Loan và liên tục cung cấp vũ khí cho hòn đảo này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có điện đàm hôm 28/7. Tại cuộc điện đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh cực lực phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của Đài Loan và sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, nguyên tắc "Một Trung Quốc" tạo cơ sở chính trị cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Ông Tập Cận Bình lưu ý rằng Trung Quốc mong đợi Mỹ tuân thủ các nghĩa vụ của mình.
Đề cập đến Đài Loan, Nhà Trắng cho hay, ông Biden “nhấn mạnh chính sách của Mỹ không thay đổi và Washington phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan".
Bình luận