• Zalo

Chuột thản nhiên gặm chân sinh viên

Giáo dụcThứ Bảy, 10/12/2011 10:38:00 +07:00 Google News

Sinh viên tại khu nhà cao tầng – Kí túc xá Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội đang đối mặt với nạn chuột hoành hành.

Không phải trong những khu trọ ổ chuột, tồi tàn, ẩm thấp, không phải trong những dãy nhà đông đúc hôi hám, sinh viên tại khu nhà cao tầng – Kí túc xá Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội  đang đối mặt với nạn chuột hoành hành.

Chuột cắn chân người

Chuyện thật mà như bịa! H. Trang, sinh viên trường Đại học Bách Khoa, mỗi lần nhìn thấy chuột là giật mình thon thót, và không thể quên thảm cảnh của mình đêm hôm ấy.

Cô nhớ lại: “Hôm đó mình từ quê lên, vốn bị say xe nên mệt quá mà ngủ từ sớm. Đang đêm, dù mê mệt nhưng mình vẫn thấy mấy ngón chân đau nhức. Tưởng rằng bị va chạm vào đâu đó lúc chiều mà không biết, đến lúc đau quá không chịu được thì… hoảng hồn khi thấy con chuột đang ngoặm chân. Mình thét lên giữa đêm vì chân chảy máu. Cả phòng  tỉnh dậy, không ai mắng mỏ gì nhưng mình thật sự sợ chuột từ đó”.

Ai ngờ khu KTX cao ráo, khang trang này lại có chuột(Ảnh: ANTD)

Không chỉ H. Trang gặp hoàn cảnh giở khóc giở cười này, H. Hạnh, sinh viên Đại học Văn hóa cũng ôm mối cay đắng với lũ chuột đáng ghét. Cô nàng, đến bây giờ vẫn không quên được những vết cào xước trên cổ mình lần đó.

Cô chia sẻ: “mình không hiểu tại sao khi đang ngủ, mình thấy buốt buốt ở cổ, cứ nghĩ là trong mơ, ai ngờ sáng sau dậy thấy toàn vết đỏ cào cấu. Người yêu mình còn tưởng mình “xảy ra tranh chấp” với các bạn trong phòng, mình phải giải thích mãi, anh ấy mới tin”.

Những câu chuyện “thật như bịa” ấy, ngay cả người trong cuộc, sống chung với chuột còn thấy băn khoăn, không thể ngờ thì người ngoài cuộc… lại càng hoảng hồn hơn.  

M. Thu, sinh viên Học viện Báo chí có cô bạn học Cao đẳng Hải Dương lên chơi. Cô nàng này vốn tính sợ chuột, nhưng không biết kí túc xá có chuột nên cứ lăng xăng đi thăm thú “phòng ở của cô bạn”.Ai ngờ, khi bước vào nhà vệ sinh, cô la hét ầm ỹ làm cả phòng tưởng rằng “có án mạng đến nơi”.

Khi mọi người kịp định thần để hiểu chuyện gì đang xảy ra thì cô nàng đã nước mắt ngắn nước mắt dài, mặt mày hốt hoảng và chỉ nói được 1 câu: “Chuột!”. Cả phòng cười ồ, còn cô nàng thì nhất quyết đòi đi chỗ khác chơi, không ở trong phòng nữa.

Trộm chính là chuột

Chuyện chuột cắn đồ dùng, ăn vụng thịt, cơm.. là điều không còn xa lạ với sinh viên tại khu kí túc này. Có khi, những thức hoa quả như hồng, táo, mận… nếu không để gọn gàng trong thùng kí hay treo cao, chuột cũng có thể ăn mà không xin phép khổ chủ.

Hương, sinh viên Đại học Sư Phạm đã nhiều lần phải quét dọn gầm giường, gầm bàn để thu lượm các “chiến tích” nham nhở của chuột. Với cô nàng: “Gầm giường là nơi chứa thức ăn của chuột. Quét dọn gầm giường mỗi ngày đã trở thành thói quen của mình. Nếu bẵng đi vài hôm, những thức ăn ấy sẽ bốc mùi, và không ai có thể chịu được”.
Chuột tự nhiên như người nhà(Ảnh: Chiêm Khổng)

Có một kỉ niệm mà đám bạn Trang, Toan – sinh viên khoa Văn, Sử trường Đại học Sư Phạm không thể quên liên quan đến chuột mà khi nhắc đến cả phòng đều cười cho  cái sự ngố của những sinh viên “chăm phòng bị”.

Số là đêm hôm, cả phòng đang ngủ thì có tiếng lạch cạch ngoài cửa. Tiếng động càng lúc càng rõ, Trang thuật lại, cả phòng nháy nhau dậy vì tưởng là trộm. Dù an ninh trong khu này khá chắc chắn và an toàn, nhưng tụi tớ vẫn thường tự bảo vệ mình. Thế là cả phòng tay gậy tay xô chậu, lặng lẽ rình cửa. Nhưng rồi cả phòng thảng thốt khi nghe thấy một thành viên kêu lên: “chuột”, và rồi bừng tỉnh thật sự. Hai con chuột đang cắn cấu cái hộp đựng đồ ở cửa phòng.

Không thể đứng nhìn

Chuyện chuột to chuột nhỏ, chạy nhảy lung tung trong phòng là điều hoàn toàn bình thường với các bạn sinh viên tại kí túc xá này. N. Quỳnh và các bạn phòng 703 còn “biến đau thương thành hành động”, tiêu diệt lũ chuột , và thu được cả một đàn con đỏ hoe nằm trên tủ quần áo của phòng.

Chuột con đỏ hỏn là chiến lợi phẩm mà các bạn sinh viên thường xuyên thu được( Ảnh: Chiêm Khổng)

Một số sinh viên chia sẻ, chuột nhiều thì cũng đã dùng cách đặt bẫy,  đánh bả nhưng lũ chuột quá khôn ngoan và… chẳng sập bẫy bao giờ. N. Quỳnh kể, có lần cô và mọi người trong phòng đã đặt cả chục cái bẫy, cả keo dính, hi vọng bớt chuột nhưng không có kết quả. Cả phòng dự định nuôi vài chú mèo, nhưng nghĩ đến khâu vệ sinh cho chú mỗi ngày thì lại không dám nuôi nữa. Thành ra, hầu hết nọi người đành nhìn chuột chạy lăng nhăng mà không thể làm gì được.

Sinh viên đang sống chung với chuột, đó là một thực tế mà Ban quản lý KTX Thăng Long nên có biện pháp xử lý nhanh chóng, để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh cho đời sống chung.


Chiêm Khổng/VNN

Bình luận
vtcnews.vn