• Zalo

Chuột hoành hành ở TP.HCM: Nhiều người nhiễm bệnh

Thời sựThứ Năm, 15/11/2012 02:30:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhiều người dân sau khi bị chuột cắn phải nhập viện, thậm chí có người đã tử vong, nhưng cho đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra được thuốc chữa bệnh.

(VTC News) – Nhiều người dân sau khi bị chuột cắn phải nhập viện, thậm chí có người đã tử vong, nhưng cho đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra được thuốc chữa bệnh này.


Sau khi tìm hiểu về nạn chuột hoành hành ở TP.HCM, đã có thêm nhiều người dân phản ánh về việc phát bệnh sau khi bị chuột cắn.
Chuột ở khắp nơi, ban đêm là thời điểm để chúng lộng hành và "ra tay" cắn người 
Ông Phan Huy Vững (51 tuổi, P.9, Q.Phú Nhuận) than thở: "Đã nhiều đêm ngủ tôi thường xuyên bị chuột cắn. Chúng cắn chảy máu mấy đầu ngón chân. Có lần sau khi bị cắn thấy người choáng váng, chân đau nhức và sốt cao. Nhưng khi nặn hết máu từ vết cắn ra và uống thuốc thì người lại khỏe mạnh bình thường.


“Chuột ở khu vực này đang đông lên nhanh lên chưa từng thấy. Có đêm vài con chuột còn ngang nhiên chạy lên cả người tôi đùa nghịch. Có lần đi nhậu với bạn bè về bị xỉn tôi lăn ra ngủ. Sáng mai thức dậy thì thấy trên khắp người toàn những dấu răng chuột. Vì vậy, ngoài việc khi ngủ phải bỏ mùng, tôi luôn phải đắp chăn kín cơ thể.”- Ông Vững chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Phạm Công Nghiêm (83 tuổi, P.9, quận Phú Nhuận) cho biết, ông là người từng nhiều lần bị chuột cắn và phải vào Bệnh viện Pasteur để chữa trị.

Ông Nghiêm cho biết, mới đầu đến bệnh viện, do thấy trên cơ thể ông nhiều nốt đỏ, người sốt cao, các bác sĩ xác định bị sốt xuất huyết nên điều trị theo hướng bị sốt. Nhưng sau gần một tuần điều trị, bệnh vẫn không thuyên giảm và phải khám thêm thì mới bắt được bệnh. Gần một tháng sau, ông mới được xuất viện.
Tại P.11, Q. Phú Nhuận đã có người chết do bị chuột cắn. Đó là trường hợp của bà N.T.L (65 tuổi).

Chị H.K, (cháu bà L) cho biết, thời gian trước khi bà L mất bà thường xuyên đau ốm, những lần bà ốm gia đình hay đưa bà vào bệnh viện chữa trị, các bác sĩ xác định chỉ bị sốt nhẹ rồi chỉ nằm 1-2 ngày là cho xuất viện. Nhưng sau khi ra viện bà bị thêm nhiều lần sốt nhẹ như vậy, gia đình chỉ biết đi mua thuốc cho bà uống.

Một lần, người nhà phát hiện bà bị chuột cắn, hôm sau phát sốt, trên người nổi những mẩn đỏ nên gia đình đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Lúc này các bác sĩ mới xác định bà vị nhiễm virus từ chuột nên chỉ trong vòng 2 tuần sau bà tử vong.
Những nơi ẩm thấp, rác thải và những khu nhà lụp xụp là nơi sinh sống của các đàn chuột.
Nhiều đêm chị H.K cũng đã bị lũ chuột tấn công. "Nhất là khi tôi phát bực đạp chúng ra khỏi nhà thì ngay lập tức chúng trở nên hung dữ khác thường và lao lại phía tôi. Chúng nhảy lên người rồi cắn rất nhanh, mình không thể ngăn lại được. Những con chuột nhỏ chỉ bằng nắm tay và ngón chân cái nhưng rất hiếu chiến. Sau khi cắn được mình là chúng chạy toán loạn rồi chui vào nắp cống trước nhà để lẩn trốn." - Chị K bức xúc kể.

Chưa có thuốc chữa
Bác sĩ Võ Minh Quang - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận một số ca bệnh nhiễm Hantavirus do tiếp xúc với chuột.

Các bệnh nhân đều có triệu chứng giống nhau như bệnh sốt xuất huyết. Nhưng qua trình điều trị bệnh, người bệnh không thuyên giảm, các bác sĩ mới xác định được bệnh nhân bị nhiễm Hantavirus.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Nhiệt Đới thỉnh thoảng cũng tiếp nhận những ca bệnh từ khắp nơi chuyển về. Nhưng việc xét nghiệm loại virus này thì chỉ mới được tiến hành gần đây. Trước kia để xác định tận gốc của ca bệnh, các bác sĩ chỉ dựa trên yếu tố lâm sàng.  
Có hai con đường có thể nhiễm Hantavirus là hít phải khí dương của nước tiểu chuột và bị chuột cắn 
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Giám đốc trung tâm y tế dự phòng TP.HCM) cho biết, Hantavirus là loại vi rút lây từ chuột sang người, nó có trong nước bọt và nước tiểu của chuột, ngay cả khi chết xác chuột vẫn còn phóng thích Hantavirus.
 

Khi bị nhiễm Hantavirus, người bệnh sẽ có những biểu hiện như: sốt, đau cơ lớn, người gai lạnh, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng (tăng dần) và tiêu chảy, suy gan, suy thận cấp.
Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu
 
Loại virus này được truyền sang người thông qua hai con đường. Thứ nhất, người hít phải khí dung có trong nước tiểu của chuột.

Khi chuột phóng uế ra sàn nhà, nhất là những nơi chúng thường xuyên trú ngụ, khi gặp không khí hơi nước tiểu bốc lên rồi chuyển thành những giọt khí dung, sau đó, tạo thành hơi nước bay lên, nếu người hít phải sẽ tạo nên mầm bệnh. Loại nước tiểu này, bằng mắt thường sẽ không thể nhìn thấy. 
Thứ hai, những người bị chuột cắn sẽ có tỉ lệ nhiễm Hanta rất cao, vì virus này có trực tiếp trong nước bọt của chuột.Những người nhiễm Hantavirus thường có dấu hiệu cảm cúm, khó thở cộng thêm bệnh sử có tiếp xúc với chuột từ 1 - 6 tuần. 
Khi bị nhiễm Hantavirus, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao từ 3 - 5 ngày, có khi sốt kéo dài 4 - 6 tuần. Từ khi nhiễm Hantavirus đến khi phát bệnh khoảng 9 - 35 ngày, nhưng đa số từ 9 - 24 ngày.

Người bệnh sẽ có những biểu hiện như: sốt, đau cơ lớn, người gai lạnh, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng (tăng dần) và tiêu chảy...nhất là bị suy gan, suy thận cấp.
Việt Nam trước đây, người bệnh dương tính với Hantavirus thường là công nhân quét dọn phải thường xuyên tiếp xúc với các vật dụng để trong nhà kho lâu ngày dính nước tiểu chuột. Hiện nay, người nào cũng có thể tiếp xúc với loại virus này.Nhưng không phải ai cũng có thể bị nhiễm loại virus này mà tuy vào cơ địa của từng người.

Theo thống kê, số người tiếp xúc Hantavirus nhiều nhưng số ca dương tính lại ít. Hơn nữa, người dương tính với Hantavirus sẽ không truyền bệnh sang cho người khác, ngay cả những người thân trong gia đình mà chỉ khi bị chuột cắn, hoặc hít phải khí dung của nước tiểu chuột mới tạo nên mầm mống gây bệnh.
Thế nhưng, theo bác sĩ Siêu, mọi người không nên chủ quan với loại virus này, mà cần phải có những cách phòng trách phù hợp. Người bị nhiễm Hantavirus có nguy cơ tử vong rất nhanh, chỉ trong vòng một tuần nhiễm bệnh. Bởi hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa trị loại virus này. Việc tiêm chủng phòng ngừa cũng đang trong thời gian nghiên cứu.


Để khắc phục tình trạng này chỉ có hai cách duy nhà là làm sạch nhà cửa, không đổ thức ăn bừa bãi để tạo cho chuột có điều kiện để chuột sinh sôi nhanh và bằng mọi cách không để bị chuột cắn. 
Bác sĩ Siêu cho biết, vừa qua Trung tâm y tế dự phòng đã có đợt kiểm tra tại khu vực chung cư Phạm Viết Chánh. Khi đội tuần tra xuống thực địa thì thấy người dân đang sinh sống trong môi trường rất ô nhiễm.

Rác thải và đồ ăn thức uống vứt bừa bãi đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho chuột sinh sôi. Chính vì vậy, ý thức bảo vệ môi trường của người dân là tiền đề rất quan trọng, tạo nên nguồn bệnh cho chính mình.

Ngọc Thân
Bình luận
vtcnews.vn